Phép xử án - cái gốc là tình người

Có một nguyên tắc chung, có thể gọi là 'hằng số' trong các phán xử của tòa án tiến bộ trước nay đều lấy cái gốc là tình người, gọi rộng ra là tính nhân văn.

Liệu có sự ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau hay trùng hợp ngẫu nhiên. Xin phép được kể lại mấy vụ việc tiêu biểu được phản ánh trong văn chương. Chắc không phải là truyện “bịa”, vì văn chương luôn bắt nguồn từ đời sống, tất nhiên có sự khúc xạ bởi người kể, theo thời gian có thể thêm bớt, nhưng cái lõi vẫn là sự thật.

Năm 1944, nhà viết kịch người Đức Bertolt Brecht (1898-1956) viết vở "Vòng phấn Kavkaz", xây dựng câu chuyện xung quanh một đứa trẻ tên Michael. Kể rằng, chiến tranh ập đến làm gia đình viên tổng trấn giàu có tan nát. Tổng trấn bị giết, phu nhân vội vàng vơ một ít tiền bạc chạy trốn, bỏ lại đứa con nhỏ. Cô hầu gái Grusha đã nuôi đứa trẻ trong bao bất hạnh và nguy hiểm.

Tranh của NGUYỄN QUANG CƯỜNG

Tranh của NGUYỄN QUANG CƯỜNG

Với lòng thương vô bờ của người mẹ, cô đã dũng cảm, kiên trì vượt qua tất cả. Chiến tranh kết thúc, vì khối tài sản thừa kế, tổng trấn phu nhân xuất hiện đòi lại con mình. Vụ việc được đưa ra xét xử, thẩm phán là Azdak. Ông liền vẽ một vòng phấn tròn, đặt Michael ở giữa rồi yêu cầu hai người phụ nữ cùng kéo và dõng dạc tuyên bố: Người mẹ thực sự mới có thể kéo đứa trẻ ra khỏi vòng phấn. Nếu cả hai cùng kéo, đứa trẻ sẽ bị xé làm đôi và mỗi người một nửa. Là người mẹ, không bao giờ muốn con mình đau, hơn nữa cái đau ấy lại từ tay mình, Grusha từ chối kéo. Azdak cho thêm một cơ hội. Một lần nữa cô không thể làm đau Michael... Theo phong cách “kịch gián cách”, diễn viên có lúc rời bỏ vai để giao lưu trực tiếp với khán giả, mời người xem cùng “đồng sáng tạo”. Một bài hát xúc động về tình mẹ xao xuyến, thổn thức, nức nở cất lên. Cả sân khấu như nín thở, ngột ngạt. Tất cả vỡ òa hài lòng khi thẩm phán Azdak tuyên bố Grusha là người mẹ thực sự của Michael. Bởi trái tim người mẹ đã mách bảo có những suy nghĩ và hành động như vậy...

Sử sách nước ta cũng có những ghi chép về Quận công Nguyễn Mại (1655-1720), một vị quan văn võ song toàn, thanh liêm, chính trực, được người dân gọi là “Bao Công xứ Việt”. Ông người làng Ninh Xá (Chí Linh, Hải Dương cũ, nay là TP Hải Phòng). Năm 36 tuổi, ông đỗ hoàng giáp, sau làm quan ở triều vua Lê Hy Tông; ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công. Chuyện kể, lần ấy ông “vi hành” qua chợ Sơn Tây, thấy hai người đàn bà đang giành nhau tấm lụa. Cả hai đều khóc lóc nhận là lụa của mình, còn người kia là kẻ cắp. Thấy tình cảnh trớ trêu, ông xưng là quan Đốc trấn và phân xử ngay tại chợ. Ông nói, ai cũng nhận, không biết của ai, thôi thì chia đôi vậy, rồi xé đôi tấm lụa, đưa cho mỗi người một nửa. Một người cầm mảnh lụa rời đi ngay, người kia vẫn quỳ mà khóc. Đợi thế, Nguyễn Mại cho lính đuổi theo người đàn bà đã bỏ đi, bắt quay lại và nói: “Phải là người đổ mồ hôi làm ra, mới biết tiếc công sức mình. Kẻ chỉ biết hưởng của người khác, mới ráo hoảnh như vậy”. Ông cho lấy lại nửa tấm lụa trả cho người đàn bà nọ, bắt kẻ cắp giải về công đường...

Nhưng trong cổ tích Việt Nam cũng có truyện tương tự, có tên là "Phân xử tài tình". Nhân vật viên quan không phải Nguyễn Mại mà là một người được dân kính trọng bởi lòng nhân ái, công minh, tài giỏi. Gần như trùng khít với truyện về Nguyễn Mại, nhưng có thêm chi tiết viên quan yêu cầu mỗi bên phải cử ra một người làm chứng. Nhưng chẳng ai tìm ra vì lúc đó vắng vẻ. Quan lại cho người đi về tận nhà mỗi bên thử xem có phải đúng vải của họ như lời khai. Rất lạ, cả hai nhà đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau. Sáng sớm hôm ấy, bên nào cũng mang một tấm vải đi chợ bán. Thật khó vô cùng. Nhìn vào thần sắc từng người thì thấy cả hai đều đau khổ vì mất của. Nghĩ mãi, quan ôn tồn bảo: “Cả hai mụ đều có lý cả. Thôi ta xử cho thế này: Xé tấm vải làm đôi, mỗi người một nửa. Thế là ổn. Các mụ về nhà chăm chỉ mà làm ăn”. Nói xong, quan sai đo vải xé ngay, giao cho mỗi người một nửa. Thấy thế, một người đàn bà bỗng ôm mặt khóc nức nở. Còn người kia vui mừng cầm lấy cúi đầu lạy quan để rời đi. Lập tức quan thét lính trói người đàn bà đang vui mừng kia và nói chỉ có chủ nhân thực sự của tấm vải mới bật ra tiếng khóc xót của. Sau một hồi tra khảo, kẻ vô lương đành cúi đầu nhận tội.

Như vậy truyện trong dân gian dài hơn, chi tiết hơn, cũng gây hồi hộp hơn so với truyện về Nguyễn Mại. Dễ nhận ra truyện về Nguyễn Mại thực chất cũng là của dân gian. Vì yêu mến vị quan có nhiều phẩm chất tốt đẹp mà dân gian gán cho ông câu chuyện về xử án này. Nhưng vì là người thật nên việc cũng phải gần như thật, thế nên, các chi tiết của truyện lý tính hơn.

Có hẳn một mô típ chia đôi ở chùm truyện về xử án trong văn học thế giới. Truy ngược về gốc, có thể nơi thượng nguồn của dòng chảy này là ở mảnh đất triết học của Vương quốc Israel cổ xưa, cụ thể là nhà tư tưởng Sôlômôn (khoảng 960-935 trước Công nguyên). Truyền thuyết kể lại, ông là vị quan tòa anh minh, vị vua nhân từ. Lần ấy có hai phụ nữ mới sinh tất tưởi ôm hai đứa trẻ, một còn sống, một đã chết, đến xin phân xử. Hai người đều giành nhau đứa trẻ còn sống, chẳng ai chịu ai, cho rằng đứa trẻ này là con mình. Một bà nức nở, kể mình và người kia cùng sinh trong một phòng hộ sinh.

Giữa đêm, người kia vô tình nằm đè chết con mình, bèn vội vàng đánh tráo đứa trẻ đã chết (con người ấy) lấy đứa trẻ (đang sống) của bà. Ai cũng nhận là mẹ đẻ của đứa trẻ đang sống. Nghĩ mãi, vị vua bèn rút gươm đưa cho thị vệ đứng cạnh rồi ra phán quyết bất ngờ: “Hãy chia đứa trẻ còn sống làm hai, mỗi người nhận một nửa!”. Lệnh ban ra, quân lính lập tức chuẩn bị thi hành. Bỗng một trong hai người đàn bà khóc thét lên xin vua ngừng lệnh, xin cho đứa trẻ toàn vẹn và xin nhường lại nó... Người đàn bà còn lại vui mừng ra mặt. Đợi thế, vị vua thông thái chỉ tay vào người đàn bà xin nhường con, phán rằng đây chính là người mẹ đẻ đứa bé. Vì chỉ có tình mẫu tử thiêng liêng mới xui người mẹ, thà mình chịu đau đớn, còn hơn để con đau, huống hồ là chuyện con bị chém!

Trở lên, có thể giải thích, nhà viết kịch người Đức Bertolt Brecht khai thác đề tài cổ để xây dựng vở kịch mới. Nhưng tại sao dân gian Việt cũng có truyện tương tự. Phải chăng, như hạt giống, bay theo các luồng gió tiếp biến văn hóa, rơi vào mảnh đất Việt quý người, trọng người, nhân văn mà nở ra, rồi lớn lên thành cây xanh là câu chuyện trên. Nhưng vẫn lại có thể lý giải, theo tương đồng tâm lý: Trên trái đất này, ở đâu cũng quý người nên cùng sinh ra một “hằng số” xử án như đã kể trên. Vì đúng với phép xử án, ở đâu cũng vậy, cần công minh, chính trực, nhưng cần hơn cả là tình người.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/phep-xu-an-cai-goc-la-tinh-nguoi-836377