Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, các chuỗi cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... được các cấp, ngành, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm quy chuẩn theo hướng văn minh, hiện đại. Mạng lưới cửa hàng tự chọn cùng các hoạt động thương mại điện tử phát triển với nhiều hình thức thanh toán tiện ích như: thu ngân trên máy quét mã vạch (QR Code), thanh toán trên POS (máy quẹt thẻ thanh toán), Mobile Banking. Nhờ vậy, góp phần tạo thuận lợi cho khách hàng và thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ.

Toàn tỉnh hiện có 110 chợ truyền thống ở 109 xã, phường, thị trấn, trong đó 1 chợ hạng I, 3 chợ hạng II, còn lại 106 chợ hạng III. Bình quân mỗi chợ phục vụ cho khoảng 8.000 người, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (10.700 người/chợ). Những năm qua, các cấp, ngành đã tích cực huy động nguồn vốn đầu tư nâng cấp chợ nhằm tạo điều kiện cho người dân tăng cường trao đổi hàng hóa.

Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Từ năm 2018 – 2023, thị xã đã huy động gần 153,5 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, cải tạo các chợ trên địa bàn. Trong đó, xây mới chợ Hòa Mạc (phường Hòa Mạc) với diện tích 14.118,3m2 tổng mức đầu tư gần 101,6 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp chợ Trác Văn (xã Trác Văn) kinh phí 19,8 tỷ đồng; chợ Nguyễn (phường Tiên Nội) gần 3,1 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; chợ Đệp (xã Yên Nam) là 19,9 tỷ đồng bằng ngân sách địa phương; chợ Duy Minh (xã Duy Minh) gần 9,1 tỷ đồng từ ngân sách thị xã kết hợp với nguồn vốn khác... Các chợ sau khi hoàn thành đưa vào khai thác góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, phát triển dịch vụ, thương mại tại mỗi địa phương.

Cùng với các chợ, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó 4 trung tâm thương mại hạng III, 1 siêu thị hạng I; 2 siêu thị hạng II; 4 siêu thị hạng III. Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên doanh: thế giới di động, điện máy xanh; cửa hàng thương hiệu Winmart và đại lý bán buôn, bán lẻ tại 6 huyện, thị xã, thành phố luôn đáp ứng đầy đủ các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại đều ứng dụng thiết bị thanh toán – POS, một số chợ trung tâm triển khai mô hình chợ 4.0 - hỗ trợ tiểu thương, khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính từ những ưu thế nổi trội về không gian mua sắm, tiện ích thanh toán và hơn nữa là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, các trung tâm thương mại, siêu thị, mini mart trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng.

Khách mua hàng tại Hiệu sách Hương Khang, thành phố Phủ Lý được lựa chọn nhiều hình thức thanh toán.

Khách mua hàng tại Hiệu sách Hương Khang, thành phố Phủ Lý được lựa chọn nhiều hình thức thanh toán.

Theo báo cáo của ngành chức năng, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ta ước đạt hơn 26.176 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 21.330 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhờ đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp chợ tại các địa phương đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn mới. Hiện nay, các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống đa dạng các loại hàng hóa bảo đảm chất lượng với phương thức phục vụ chuyên nghiệp vì thế thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ.

Mặc dù vậy, hiện tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phân bố chưa đều và tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố, thị trấn. Trong khi đó, một số chợ truyền thống sau khi nâng cấp chưa thu hút được đầy đủ số tiểu thương đăng ký vào kinh doanh, đây chính là tồn tại cần sớm được khắc phục nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành và xây dựng một khu trung tâm thương mại đầu mối nông sản với diện tích khoảng 150 ha nằm tại các vị trí thuận tiện giao thông, gần ga đường sắt kết hợp với cảng nội địa để phân phối hàng hóa trong khu vực. Ngoài ra, mỗi huyện, thị xã được quy hoạch một trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ, cửa hàng tiện ích phù hợp với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng chợ truyền thống. Tại thành phố Phủ Lý đến năm 2030 sẽ thực hiện nâng cấp, cải tạo 6 chợ, xây mới một chợ đầu mối Liêm Tiết; 1 trung tâm hội chợ triển lãm quy mô khoảng 1,5 ha và 1 trung tâm thương mại; 2 siêu thị loại III. Từ tháng 7/2023, thành phố đã xây dựng Trung tâm thương mại GO! Hà Nam thuộc tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan - Central Retail. Trung tâm xây dựng trên tổng diện tích gần 13.000 m2 với quy mô 2 tầng thương mại theo mô hình đa tiện ích, khu siêu thị chuyên về thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, hàng nhu yếu phẩm; khu vực nhà hàng ẩm thực, ăn uống; khu vui chơi thiếu nhi. Trung tâm hiện nay đang tập trung hoàn thiện các hạng mục, dự kiến đi vào hoạt động đầu quý IV năm 2024. Riêng thị xã Duy Tiên xây dựng 1 khu trung tâm thương mại dịch vụ gắn với tuyến đường tránh quốc lộ 38 và 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị tổng hợp, 1 trung tâm logistics.

Với mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, hiện tại tỉnh đang hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và tăng tỷ trọng từ thu dịch vụ, thương mại trên địa bàn.

Phùng Thống

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/quan-tam-dau-tu-phat-trien-ha-tang-thuong-mai-128916.html