Quảng Trị tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế
Chiều 10/7, Hội nghị kết nối giao thương với sự tham gia của 15 doanh nghiệp quốc tế đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, cùng hơn 60 nhà cung cấp trong khu vực đã được diễn ra tại phường Nam Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và hệ thống phân phối quốc tế ngày càng có ý nghĩa chiến lược, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo ông Tiến, các tỉnh Bắc Trung Bộ sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, nguyên liệu phong phú và sản phẩm chất lượng cao, mang đậm bản sắc vùng miền. Tuy nhiên, để các sản phẩm này vươn xa ra thị trường quốc tế, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất – nhà cung cấp – hệ thống phân phối chuyên nghiệp toàn cầu.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị kết nối giao thương
“Hội nghị hôm nay là một sự kiện quan trọng trong chương trình đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mua hàng từ các doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ. Chúng tôi vui mừng chào đón sự tham gia của hơn 15 doanh nghiệp, đối tác quốc tế đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, cùng hơn 60 nhà cung cấp trong khu vực. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu, xúc tiến hợp tác thương mại. Đồng thời, sự kiện cũng thể hiện quyết tâm của tỉnh Quảng Trị trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng xuất khẩu”, ông Tiến nói.
Tại hội nghị, ông Lê Quân Vinh, Giám đốc Công ty PPSTIL (Thái Lan) cho biết, là một kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, ông rất mong muốn cố gắng góp phần vào việc xúc tiến thương mại buôn bán giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như góp công sức nhỏ bé làm cầu nối đưa quan hệ hữu nghị và xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp hai nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến lại gần với nhau.
Về phần mình, ông Zheng YiPing, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu mới HUNAN BRAOTHER (Trung Quốc) chia sẻ:“ Công ty chúng tôi là đơn vị kinh doanh đa ngành trong đó có hàng hóa thương mại Việt -Trung. Hôm nay tôi thật sự trân trọng cơ hội được gặp gỡ, giao lưu kết nối với nhiều nhà sản xuất hàng hóa tiêu biểu của các tỉnh thành Bắc Trung Bộ Việt Nam. Qua đây tôi càng thêm tin tưởng các đối tác cung cấp cũng như chất lượng sản phẩm và tiềm năng to lớn của hàng hóa, nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế".
Hội nghị kết nối giao thương lần này là cầu nối kết hợp xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư gắn với tiêu thụ sản phẩm và phát triển công nghiệp chế biến. Điểm đặc biệt của chương trình năm nay là kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, trong đó nhấn mạnh công tác quảng bá, vận động các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát các tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu khu vực Bắc Trung Bộ để thực hiện các dự án, nhà máy sản xuất chế biến.
Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị chia sẻ, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt khi đây là lần đầu tiên chương trình xúc tiến thương mại quốc tế quy mô lớn được tổ chức tại Quảng Trị sau khi tỉnh Quảng Trị (cũ) và tỉnh Quảng Bình (cũ) chính thức sáp nhập từ ngày 1/7/2025. Việc tổ chức chương trình không chỉ khẳng định năng lực tổ chức, vai trò đầu mối xúc tiến thương mại của tỉnh Quảng Trị mới mà còn đánh dấu một cột mốc phát triển quan trọng, mở ra giai đoạn mới về liên kết vùng, phát triển thị trường xuất khẩu và xây dựng vị thế thương mại quốc tế cho địa phương.

Các doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm và trao đổi thông tin hợp tác tại Hội nghị
"Hội nghị hướng đến mục tiêu tạo cầu nối hợp tác giữa doanh nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ với các nhà nhập khẩu nước ngoài thông qua các hoạt động giao thương trực tiếp, khảo sát thực địa, trưng bày giới thiệu sản phẩm và hội nghị chính thức. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất, chuyển giao công nghệ cũng như tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng: Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào.
Đồng thời, thông qua các hoạt động khảo sát thực tế tại nhà máy, vùng nguyên liệu (như dược liệu, nông sản, thực phẩm...), chương trình mong muốn sẽ thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp, thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến tại khu vực. Đây là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm vùng, phát triển chuỗi cung ứng bền vững và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài cho địa phương”, ông Tân thông tin.