Quốc hội xem xét về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Chiều 5/11, Quốc hội xem xét về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 12 chương, 116 điều.
Hiện, một số nội dung còn ý kiến khác nhau cần tập trung thảo luận. Trong đó, có nội dung về quản lý đối với khoáng sản nhóm IV (gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ).
Có ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp.
Tránh tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến vi phạm, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản.
Cũng có ý kiến đề nghị cần xem xét cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm IV thay vì thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo:
“Đối với khoáng sản nhóm IV, cần nghiên cứu để có quy định cụ thể liên quan đến công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác không để trục lợi chính sách”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất theo hướng vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khoáng sản nhóm IV nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 101), ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về tiền cấp quyền là không khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn.
Một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản.
Đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên và có giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, qua 13 năm thực hiện, chính sách “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” đã góp phần hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính.
Đây cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.
Với quy định nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết; hoặc vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.