Quy định mới sẽ khiến thực phẩm giả hết thời 'tung hoành'
Đề xuất bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bổ sung được kỳ vọng sẽ hạn chế triệt để tình trạng thực phẩm giả, bảo vệ người tiêu dùng.
Vá "lỗ hổng" trong chính sách tự công bố
Thị trường thực phẩm bổ sung (một dạng của thực phẩm chức năng) tại Việt Nam trong những năm qua phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm ngành hàng tiêu dùng chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là thực trạng không ít doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật về chính sách tự công bố chất lượng để chạy đua sản xuất thực phẩm bổ sung với lợi nhuận khổng lồ.
Hệ quả là hàng loạt sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng, công dụng không rõ ràng, thậm chí gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng vẫn có thể ung dung lưu hành trên thị trường thông qua cơ chế tự công bố, vốn bị giới chuyên gia đánh giá là thiếu chặt chẽ, thiếu kiểm chứng và tạo ra kẽ hở lớn cho hành vi gian dối.
Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả quy mô lớn. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, bao gồm hơn 8.200 vụ buôn bán hàng cấm, hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và hơn 1.100 vụ hàng giả. Các cơ quan đã thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.

Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa hồi tháng 4/2025. Ảnh: Bộ Công an
Trong bối cảnh đó, đề xuất mới tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, yêu cầu các sản phẩm thực phẩm bổ sung phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm thay vì chỉ tự công bố như trước, được xem là bước ngoặt quan trọng để thiết lập lại trật tự thị trường, siết chặt chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm bổ sung là một trong những nhóm hàng hóa được phép tự công bố sản phẩm. Nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần lập hồ sơ gồm các tài liệu cơ bản như kết quả kiểm nghiệm, nhãn sản phẩm, thông tin thành phần, gửi đến cơ quan quản lý là có thể đưa sản phẩm ra thị trường, không cần thông qua thẩm định của cơ quan chuyên môn.
Chính điều này đã khiến hàng nghìn sản phẩm thực phẩm bổ sung được tung ra thị trường mỗi năm, trong đó không ít sản phẩm có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc, công dụng thổi phồng, thành phần không đúng như công bố, thậm chí lợi dụng cơ chế tự công bố để lách luật, hợp thức hóa các sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng đơn thư khiếu nại liên quan đến thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số vụ việc phản ánh của người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng phản ánh rất nhiều về các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật, công dụng phóng đại, thậm chí khi dùng vào thì bị dị ứng, mẩn ngứa, tiêu hóa kém, ảnh hưởng đến sức khỏe mà khi khiếu nại không tìm được ai chịu trách nhiệm. Nguyên nhân sâu xa là do cơ chế tự công bố đã tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật đưa hàng ra thị trường mà không bị kiểm soát về chất lượng thật sự”, ông Vũ Văn Trung cho hay.
Chính vì vậy, khi Bộ Y tế đề xuất thay đổi cơ chế quản lý theo hướng tất cả các sản phẩm thực phẩm bổ sung bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm, trong đó có nội dung thẩm định của cơ quan quản lý chuyên môn trước khi được lưu hành, đã nhận được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng chuyên gia, người tiêu dùng và cả một bộ phận doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Việc chuyển từ tự công bố sang đăng ký bản công bố giúp nâng cao vai trò giám sát của nhà nước ngay từ đầu vào, tức là trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra các hồ sơ chứng minh chất lượng, thành phần, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và cả tính chính xác của các nội dung công bố.
Nếu phát hiện có dấu hiệu không phù hợp, cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hoặc từ chối cấp phép. Điều này giúp loại bỏ từ sớm những sản phẩm kém chất lượng, ngăn chặn tình trạng “sống lâu thành thật” như hiện nay khi nhiều sản phẩm mặc dù bị phản ánh tiêu cực nhưng vẫn tiếp tục bán ra thị trường do không có chế tài mạnh xử lý từ gốc.
Một điểm đáng chú ý khác là đề xuất sửa đổi cũng nhằm làm rõ và phân biệt rạch ròi giữa các nhóm thực phẩm thông thường với nhóm thực phẩm bổ sung có tính đặc thù và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm tuy được đăng ký là thực phẩm bổ sung nhưng lại sử dụng hình thức quảng cáo như thuốc, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn và tin tưởng thái quá. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật về quảng cáo mà còn gây rủi ro lớn nếu người dân sử dụng thay thế cho các biện pháp điều trị y tế chính thống.
Quy định mới giúp thanh lọc thị trường
Với quy định mới, Bộ Y tế cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để siết chặt quản lý quảng cáo, gắn trách nhiệm rõ ràng của doanh nghiệp khi đưa thông tin sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là trên các nền tảng số. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng quy định mới có thể tạo thêm gánh nặng hành chính, thủ tục cho các doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm.
Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Văn Trung cho rằng, nếu thực sự làm ăn nghiêm túc, bài bản, việc chuẩn bị hồ sơ công bố là việc mà doanh nghiệp nào cũng cần làm để chứng minh chất lượng và minh bạch với người tiêu dùng.
“Cần phải nhìn rộng ra rằng, khi các rào cản kỹ thuật được nâng cao, chỉ những doanh nghiệp có năng lực thực sự mới tồn tại được. Thị trường từ đó cũng được sàng lọc, thanh lọc tự nhiên. Những doanh nghiệp nhỏ nhưng trung thực, kiên trì làm ăn đàng hoàng, sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và chọn lựa. Đây là xu thế phát triển bền vững mà chúng ta phải hướng tới”, ông Vũ Văn Trung nhận định.
Trên thực tế, việc chuyển sang cơ chế đăng ký bản công bố sản phẩm không phải là chuyện mới ở các quốc gia có nền quản lý thực phẩm phát triển. Tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu, nhóm thực phẩm bổ sung luôn được xếp vào diện hàng hóa quản lý nghiêm ngặt, bắt buộc phải chứng minh được mức độ an toàn, hiệu quả với các bằng chứng khoa học trước khi được tiếp cận thị trường.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Phong Lâm
Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu, thị trường thực phẩm cũng ngày càng đa dạng, đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý tương thích để đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng và tránh để thị trường trở thành nơi thử nghiệm cho những sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ, không kiểm soát được rủi ro.
Một khi quy định mới được ban hành, chắc chắn sẽ tạo ra bước thay đổi căn bản trong cách thức vận hành và phát triển thị trường thực phẩm bổ sung tại Việt Nam. Các doanh nghiệp buộc phải đầu tư nghiêm túc hơn về chất lượng, minh bạch hơn về thông tin sản phẩm và chịu sự giám sát thường xuyên từ cơ quan nhà nước. Người tiêu dùng từ đó cũng có cơ sở để lựa chọn các sản phẩm an toàn, chất lượng, đúng công dụng, thay vì chỉ dựa vào quảng cáo. Về lâu dài, đây sẽ là tiền đề để xây dựng lòng tin, phát triển ngành thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung một cách bền vững, đúng nghĩa là ngành hàng phục vụ sức khỏe cộng đồng.
Với quy định mới tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, có thể tin rằng những sản phẩm “trôi nổi” rồi sẽ phải rời khỏi sân chơi, nhường chỗ cho những nhà sản xuất chân chính và vì sức khỏe người tiêu dùng thực sự. Thực phẩm giả, đến đây là hết thời tung hoành.
Bộ Y tế đang là đầu mối tham mưu và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2018 để giải quyết các vấn đề cấp bách; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 115/2018 và Nghị định 124/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; trong đó đề xuất tăng mức chế tài xử phạt từ 1,2 đến 2 lần so với mức hiện tại.Các hành vi vi phạm đang được tập trung nghiên cứu để tăng mức phạt bao gồm: Vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép; vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống; vi phạm quy định về quảng cáo.