Quy hoạch Thủ đô cần lấy 'xương sống' là giao thông

Thách thức lớn nhất đối với giao thông đô thị hiện nay của Hà Nội là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; di chuyển chưa thuận tiện, các đơn vị quản lý điều hành giao thông còn độc lập; dữ liệu giao thông chưa mang tính kết nối đồng bộ… Từ thực tiễn đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định 3 yêu cầu đặt ra cho giao thông thông minh đó là tăng cường thông tin giao thông; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh.

Phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Hà Nội với diện tích gần 3,4 nghìn km2 nhưng lưu lượng, mật độ, số lượng các phương tiện giao thông rất lớn, tính đến tháng 6/2023, tổng phương tiện cá nhân là 7,96 triệu, trong đó 6,86 triệu xe máy; 1,1 triệu xe ô tô. Trung bình hằng năm tăng từ 4 - 5% xe máy; ô tô tăng từ 7 - 10%, quỹ đất hạ tầng dành cho giao thông mới chỉ đạt 12 -13% trên diện tích quỹ đất phát triển đô thị, theo quy định của Luật quy hoạch xây dựng quỹ đất dành cho giao thông rơi từ 23 - 26%. Hằng năm, ngân sách Thành phố dành trên 40%, năm 2023 ngân sách Thành phố dành cho đầu tư công về phát triển giao thông khoảng trên 60%, tuy nhiên tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội còn khiêm tốn.

Đường sắt đô thị đã chứng minh được tính ưu việt, giúp giao thông Thủ đô văn minh và hiện đại hơn.

Đường sắt đô thị đã chứng minh được tính ưu việt, giúp giao thông Thủ đô văn minh và hiện đại hơn.

Thách thức lớn nhất đối với giao thông đô thị hiện nay của Hà Nội là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường; di chuyển chưa thuận tiện, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp; các đơn vị quản lý điều hành giao thông còn độc lập; dữ liệu giao thông chưa mang tính kết nối đồng bộ. Tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi, do đó cần có giải pháp hài hòa, thiên về thông minh.

Từ những thách thức đó, Tiến sĩ Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định 3 yêu cầu đặt ra cho giao thông thông minh đó là tăng cường thông tin giao thông; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh (ITS). Khung kiến trúc giao thông thông minh Hà Nội có các cấu phần: Người dùng giao thông thông minh; trung tâm điều hành, giám sát, giao thông thành phố; mạng truyền thông diện rộng.

Theo Tiến sĩ Đỗ Việt Hải, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, đây là dữ liệu dùng chung, chia sẻ đến tất cả các chủ thể, tham gia khai thác dữ liệu. Thực tế hiện nay, hệ thống hạ tầng của Hà Nội có rất nhiều đường dây dẫn thông tin, mỗi đơn vị có một đường dây dẫn thông tin khác nhau, nếu chúng ta có giải pháp chung làm sao kết hợp cùng trong đường dây dẫn, cùng chia sẻ kênh dữ liệu thì chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn.

“Trong đề án phát triển giao thông thông minh tại Hà Nội, chúng tôi đặt mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Quan điểm của Sở Giao thông vận tải là sẽ tiếp cận, cập nhật những tiêu chuẩn, kinh nghiệm tốt nhất của thế giới, làm sao để đề án giao thông thông minh tại Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển của các thành phố trong cả nước, tiệm cận với những nước phát triển trên thế giới”, Tiến sĩ Đỗ Việt Hải nhấn mạnh.

Phát triển hài hòa hệ thống đô thị và nông thôn

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện Liên danh tư vấn quy hoạch Thủ đô, Hà Nội còn “điểm nghẽn” trong phát triển Thủ đô. Đó là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ và năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.

Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển Thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển.

Chia sẻ về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần phát triển hài hòa hệ thống đô thị và nông thôn, thúc đẩy phát triển lan tỏa và liên kết vùng. Trong đó, phát triển hệ thống đô thị theo các mô hình đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các chùm đô thị là trung tâm vùng và tiểu vùng kết nối với đô thị trung tâm.

Tại mỗi khu vực phát triển đô thị, bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội, nhất là yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dịch vụ giáo dục có chất lượng; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng, gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân...

Cùng đó, cải tạo, tái thiết khu vực nội đô, các khu vực đô thị hiện hữu; phân loại đô thị hiện hữu thành các khu vực: Giữ lại chỉnh trang; khu vực cải tạo bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu vực chuyển đổi, tái thiết đô thị như các khu tập thể cũ, các khu sản xuất chuyển đổi, khu nhà ở tự xây không đảm bảo an toàn, không phù hợp các tiêu chí đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại, theo hình thức và lộ trình phù hợp. Áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng tại các khu vực có quy hoạch ga đường sắt đô thị; có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với người dân khi thực hiện các mô hình cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quy-hoach-thu-do-can-lay-xuong-song-la-giao-thong-163343.html