Quyết liệt triển khai vắc xin sởi trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trên toàn quốc
Bệnh sởi đang có diễn biến ngày càng nguy hiểm và phức tạp, trước tình hình này, ngành y tế quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm vacxin sởi cho trẻ nhỏ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 1 đến 10 tuổi chưa điểm đủ 2 mũi vacxin phòng sởi.

Bệnh sởi là gì?
Mặc dù đã có vắc xin phòng Sởi nhưng số ca mắc Sởi tại nước ta và thế giới vẫn được coi là vấn đề y tế toàn cầu, nhận được nhiều sự quan tâm của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Sởi mới nhất của Bộ Y tế theo Quyết định số 1019/QĐ-BYT ngày 26 tháng 3 năm 2025, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh, bệnh gây ra bởi virus Sởi, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc người lớn chưa được tiêm phòng đầy đủ cũng có nguy cơ mắc sởi.
Sởi lây qua đường không khí, khi giọt bắn (khi người bệnh ho, hắt hơi) tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình thường gặp là sốt, viêm long đường hô hấp, bệnh nhân bị viêm kết mạc, phát ban.
Bệnh Sởi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Viêm phổi là biến chứng ở những bệnh nhân bị sởi. Sau viêm phổi do sởi nặng, một số bệnh nhân có thể tiến triển thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn.
- Trẻ nhỏ bị sởi có thể xuất hiện biến chứng khác ở đường hô hấp.
- Viêm xoang.
- Viêm xương chũm.
- Tiêu chảy, nôn trớ, mất nước.
- Viêm ruột thừa.
- Co giật, sốt.
- Viêm não do sởi với tỷ lệ mắc từ 1-3/1000 ca, nguy cơ này thường cao hơn ở thanh thiếu niên và người lớn so với bệnh nhân là trẻ nhỏ.
- Khởi phát bệnh lao.
- Nhiễm trùng huyết.
- Các biến chứng khác: Sởi thể xuất huyết (hiện nay hiếm gặp), viêm giác mạc.
Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ em và người lớn

Đối với sởi thể điển hình thường trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 7 đến 21 ngày, thường là 10 ngày, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện sau khi phơi nhiễm khoảng từ 10 đến 14 ngày.
- Giai đoạn khởi phát hay giai đoạn viêm long kéo dài trong 2 đến 4 ngày. Người bệnh có triệu chứng sốt cao, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc. Trên bề mặt niêm mạc má (khu vực trong miệng, khu vực ngang răng hàm trên) có thể xuất hiện các hạt Koplik có kích thước khoảng 0.5 đến 1mm màu trắng hoặc xám, có quầng ban đỏ.
- Giai đoạn toàn phát thường kéo dài từ 2 đến 5 ngày, bệnh nhân sau sốt sẽ xuất hiện các phát ban dạng sẩn, nếu căng da thì các nốt này sẽ biến mất, khu vực thường gặp là sau gáy, mặt, trán, cổ, lan dần xuống thân mình rồi đến tứ chi, các nốt còn xuất hiện ở lòng bàn tay, gan bàn chân. Ban mọc hết thì thân nhiệt người bệnh cũng sẽ giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Các nốt ban nhạt dần rồi chuyển sang màu xám, bắt đầu bong vẩy, trên da xuất hiện các nốt thâm. Trường hợp không có biến chứng thì sởi sẽ tự khỏi, một số bệnh nhân có thể bị ho sau khi hết ban.
Cách phòng bệnh sởi
Đối với người bệnh
Hạn chế tiếp xúc khi điều trị tại nhà hoặc điều trị tại cơ sở, tuân thủ nguyên tắc cách ly.
Hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bệnh nhân phát ban. Trường hợp người bệnh suy giảm miễn dịch thì có thể cân nhắc kéo dài thời gian cách ly.
Không để bệnh nhân mắc sởi tham gia các hoạt động tập thể trong thời gian hạn chế tiếp xúc.
Cho bệnh nhân nằm trong phòng thông thoáng, thông khí tốt.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giúp tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ biến chứng.
Biện pháp dự phòng

Bệnh sởi diễn biến ngày càng phức tạp, biến chứng do sởi gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Một trong những biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả đó chính là tiêm vắc xin phòng bệnh. Vắc xin sởi sau khi tiêm có hiệu quả phòng bệnh cao, đa số các trường hợp mắc Sởi ở trẻ là những trường hợp chưa được tiêm.
Bộ Y tế quyết liệt triển khai việc tiêm vắc xin sởi trên toàn quốc, mục tiêu đặt ra là cần hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2025.
Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc sởi, người dân cần
- Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Có thể sử dụng vắc xin sởi đơn hoặc vắc xin phối hợp sởi, Rubella hoặc sởi, quai bị, Rubella.
- Khi bắt buộc phải tiếp xúc với người bệnh thì cần thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn bao gồm đeo khẩu trang, vệ sinh tay sau khi tiếp xúc.
- Nhân viên y tế cần được tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ nếu không có chống chỉ định.
- Hạn chế tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi khi không cần thiết.
- Vệ sinh môi trường sạch sẽ.
- Tuyên truyền cho người dân phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.