Rim gừng của ngoại
Những ngày cuối năm, tiết trời se se lạnh, nhưng đã thôi những cơn mưa lê thê. Thay vào đó là nắng vàng dịu dịu, trải khắp từ ngọn cây đến ngõ xóm. Cái nắng rất đặc biệt, không nóng gay gắt, hầm hập mà chỉ vừa đủ ấm áp, xua đi cái lạnh mùa đông. Thảng hoặc có những cơn mưa phùn như bụi lay bay, đủ để người lớn, trẻ con mặc áo khoác khi ra đường. Ngoại bảo, đó là nắng tháng Chạp.
Bước sang tháng Chạp, ký ức về những mùa tết ngày trước trong tôi lại ùa về. Những ngày tết cách đây gần chục năm, khi tôi học lớp 1. Lúc đó tôi chẳng biết ngày bao nhiêu của tháng Chạp, chỉ biết thấy ngoại làm rim gừng là chuẩn bị đưa ông Táo về trời, là được nghỉ học, là đến tết rồi.
Tháng Chạp, đồng nghĩa với tết sắp đến, có nghĩa là tôi được ăn rim mứt ngoại làm, được đi chúc tết cùng bố mẹ, được nhận lì xì. Có những lúc ngồi học mà mơ về vị rim gừng, rim bí, bánh thuẫn, bánh kẹp… Có điều gì đó nôn nao, rạo rực lắm!
Trong tất cả các loại rim mứt, bánh kẹo ngày tết, tôi ấn tượng và nhớ nhất món rim gừng của ngoại. Ôi sao mà nó thơm thơm, đậm đà, ngọt vị; nhưng để làm được mẻ rim gừng cũng thật là kỳ công.
Để làm được rim gừng ngon, ngoại đi chợ sớm tìm mua gừng sẻ, nhỏ củ, nhiều nhánh. Ngoại bảo, gừng này có vị thơm nồng, khi ra thành phẩm trông đẹp mắt. Trong mắt tôi, ngoại thật khéo tay và tài giỏi. Ngoại làm cả rim gừng nguyên củ và rim gừng xắt lát, loại nào cũng ngon.
Mua gừng về, ngoại rửa sạch lớp đất, cạo vỏ, giữ nguyên những mắt, nhánh. Cái dao cạo vỏ gừng của ngoại rất đặc biệt, đó là miếng thanh cật tre mỏng, bén, có thể luồn lách vào ngóc ngách từng nhánh gừng. Ngoại khéo tay lắm, cạo sạch hết vỏ nhưng củ gừng vẫn còn nguyên vẹn. Củ gừng nào đẹp ngoại để sang một bên để làm rim nguyên củ, củ nào không đẹp thì để sang một bên xắt lát.
Tới công đoạn này tôi đã mỏi nên chạy đi chơi cùng chị em họ và mấy nhỏ hàng xóm. Chơi đủ thứ trò, từ chơi nẻ, vẽ tranh đến mấy trò vọc đất cát, cực vui.
Ngoại lui cui một mình làm nhiều công đoạn nữa: xăm gừng củ hoặc xắt lát, ngâm nước lạnh, ngâm nước vo gạo, đem phơi nắng, đem gừng đi luộc, ướp với đường cho thấm… Cứ một lớp gừng, một lớp đường phủ lên trên cho đến hết thì đậy lại. Để như vậy đến chiều cho đường tan chảy ngấm vào từng củ gừng, từng miếng gừng xắt mỏng. Trong lúc đó, ngoại đi làm việc khác, đến chiều tối, cơm nước xong thì bắt đầu bỏ than, bắc chảo lên rim.
Sau cả buổi chơi, mồ hôi nhễ nhại, lấm lem, tôi chạy đi tắm rửa, ăn cơm, rồi ngồi coi ngoại rim gừng. Nước đường chảy ra, mùi gừng dậy lên thơm phức. Tôi hào hứng xin ngoại cái vá múc nước đường tưới lên đám gừng đang dậy mùi. Nhưng mà sao lâu quá nước đường chẳng chịu sên lại, bắt đầu thấy mặt nóng lên, tay mỏi nhừ…, tôi trả lại cái vá cho ngoại. Ngồi thu mình bên ngoại, bên bếp lửa liu riu ấm, tôi ngủ lúc nào không hay và được ngoại bế vào giường.
Sáng dậy, chạy vào bếp mở lồng bàn ra là thấy những miếng rim gừng, củ gừng mập lên vì lớp đường áo bên ngoài trắng tinh. Trên cái trẹt nan tre được lót bằng giấy vở học trò, một bên là gừng rim xắt lát, một bên là gừng rim nguyên củ nằm ngay ngắn, lớp lang, đẹp mắt.
Tôi xuýt xoa lắm thì cũng chỉ được xíu xiu mắt gừng gãy vụn. Ngoại nói phải chờ cúng ông Táo, cúng tết xong mới được ăn. Ngoại không quên dành một phần vào hộp cho mẹ mang về để ba ngày tết cúng kiếng và đãi khách. Những ngày tết, trừ lúc đi chúc tết, còn lại là tôi ở nhà canh khách đến chơi, cứ thập thò để có người gọi ra rồi nhón một vài miếng rim gừng, bánh mứt và điều mong chờ hơn hết là được nhận phong bao lì xì…
Rim gừng của ngoại có vị đậm đà, ăn trong miệng the the, ngòn ngọt, hương thơm xộc lên cả mũi, rồi dư vị đọng lại nơi cổ họng…
Nhưng đó là câu chuyện của mươi năm về trước. Mấy năm nay, tuổi cao, lại trải qua cơn bạo bệnh nên sức khỏe yếu, ngoại không làm rim gừng nữa. Ăn miếng rim gừng ngoài chợ, tôi có cảm giác không ngon như rim gừng ngoại làm. Chẳng hiểu vì sao, dù miếng rim gừng ngoài hàng cũng đẹp, cũng thơm.
Bây giờ ít người chịu khó làm rim gừng, phần vì bận bịu, phần vì các cửa hàng bán bánh mứt có mặt khắp nơi.
Nhưng trong tôi, bao nhiêu năm nay, cứ hễ tết đến là dường như nghe hương rim gừng thoang thoảng. Có lẽ với tôi, tết bắt đầu từ miếng rim gừng của ngoại!
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313121/rim-gung-cua-ngoai.html