Rộn ràng ăn Tết Đoan Ngọ

Ngày Tết Đoan Ngọ, những món đồ cúng truyền thống được tôn trọng đến mức tối đa, thậm chí được nâng tầm hơn về mặt thẩm mĩ và chất lượng. Nhiều chị em cầu kỳ còn học làm cả rượu nếp cái hoa vàng, nếp cẩm, kiếm nước tro, mua lá về học gói những chiếc bánh xinh xinh để cúng lễ.

Tết Đoan Ngọ xưa và nay

Các cụ thường nói: “Tết mùng 5, ngày Rằm tháng bảy” đó là những ngày lễ truyền thống rất có ý nghĩa chẳng thể bỏ được. Tháng 5 là lúc kết thúc vụ chiêm để vào vụ mùa, cũng là lúc giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết nên dễ phát sinh sâu bệnh. Để mong một vụ mùa mới thành công nên cần lập đàn cúng trời đất. Thành ra Tết Đoan Ngọ người ta cúng những món đồ rất khác với những ngày lễ thông thường, có cơm rượu nếp, có bánh tro, hoa quả… vào buổi sáng sớm. Đặc biệt khi cúng xong cả nhà cùng ăn, thậm chí ăn trước khi vệ sinh răng miệng càng tốt vì quan niệm rằng, ngoài việc diệt sâu bọ mùa màng thì thanh lọc luôn những “mầm bệnh” trong cơ thể. Thế nên Tết này còn có một cái tên gọi khác là “Tết diệt sâu bọ”.

Trong văn hóa truyền thống xưa, Tết Đoan Ngọ còn mang ý nghĩa “lễ sêu”, là ngày chàng rể mang món quà đến biếu bố mẹ vợ, ngày những học trò nghèo đem bánh, hoa quả biếu thầy đồ dạy mình, ngày người bệnh tạ ơn thầy lang cứu giúp lúc đau ốm… Quan niệm cúng Tết Đoan Ngọ cũng khác nhau đôi chút giữa các vùng miền. Miền Bắc thì “diệt sâu bọ” bằng cách ăn món có vị cồn như cơm rượu nếp, trái cây vị chua, cay, chát vào buổi sớm. Người miền Trung mong cầu vụ mùa bội thu thì có bánh tro, chè kê… Người miền Nam cũng có cơm rượu nếp, nhưng được vê tròn từng viên, có thêm cả xôi vò, thịt vịt…

Tết Đoan Ngọ nay người ta cúng đơn giản hơn bởi có sự trợ giúp của hàng quán, muốn mua thứ gì, chọn món nào đều rất dễ dàng. Nói là đơn giản chứ mâm cỗ cúng cũng được bày biện đủ món rực rỡ và đẹp mắt, thậm chí còn trang trí khá cầu kỳ. Điều khá đặc biệt là ngày càng nhiều chị em phụ nữ để tâm cho ngày cúng dịp Tết Đoan Ngọ. Chẳng phải vì tâm linh hay mê tín gì, mấy năm nay trào lưu khoe mâm cỗ cúng “đỉnh của đỉnh” khá rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội. Các mâm cỗ ấy hấp dẫn và đẹp mắt thật sự. Có lẽ nó như một chất “gây nghiện”, các chị, các cô cũng đua nhau chu toàn cho mâm lễ cúng để… bằng chị bằng em. Vẫn là những món đồ truyền thống như bánh tro, rượu nếp, trái mận, chùm vải… người cầu kỳ hơn thì thêm bát bánh trôi nước, chè kho, lọ hoa sen... Tất thảy được bài trí đẹp mắt, điệu nghệ để dâng lên mâm lễ cúng. Có lẽ Tết Đoan Ngọ vừa là dịp để chị em thể hiện khả năng bếp núc, cũng là dịp những người trẻ trân trọng truyền thống văn hóa.

Những món ngon không thể thiếu

Đầu tiên không thể không có cơm rượu nếp cái hoa vàng, ngày nay có thêm cả cơm rượu nếp cẩm nữa. Cách ủ cơm rượu cũng không quá cầu kì, chỉ cần chút khéo léo, cẩn thận là có thể ủ được mẻ cơm rượu ngon như ý. Gạo nếp cái hoa vàng (hoặc nếp cẩm) được nấu thành cơm rồi đổ ra mâm lót lá chuối (hoặc ra nia, mẹt tre), lau qua khăn ướt cho khỏi dính, tãi cơm ra cho nhanh nguội. Dùng men lá hoặc men ủ rượu giã thật mịn, rây bỏ những lợn cợn rồi trộn đều lên cơm nếp. Lượng men phụ thuộc lượng cơm nếp ít hay nhiều, nhớ để ý thời tiết nóng hay mát mà tăng giảm lượng men cho phù hợp. Vẩy thêm chút nước lên bề mặt cơm đã trộn men, sau đó đem đi ủ. Lót một lớp nilon phía trong cái thúng nhỏ, sau đó lót thêm lá chuối (có thể dùng lá sen) rồi mới đổ phần cơm trộn men vào. Kế đó phủ tiếp một lớp lá chuối lên mặt trước khi đậy lại, cất ở nơi thoáng mát độ 3 ngày là có thể ăn được rồi. Cơm rượu nếp thường có vị nồng nhẹ của rượu lên men, có vị ngọt thơm, dai mềm và dẻo.

Làm bánh tro cũng vậy, người miền Bắc thì thường làm bánh tro không nhân để chấm mật, còn người miền Nam thì lại làm bánh ú tro có nhân bằng đậu xanh, có người làm đậu đỏ, có người làm cả nhân trứng muối. Bánh tro làm từ gạo nếp mới sẽ cho độ thơm ngon và sánh dẻo hơn. Phần nước tro thì làm từ tro bếp, ngâm độ 2 ngày để lọc lấy phần nước trong đem đi ngâm gạo. Đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc thì cầu kỳ hơn, họ tìm một số loại thảo mộc riêng để đốt lấy tro đem ngâm ngạo. Thế nên ở mỗi nơi sẽ thấy màu nâu của bánh tro khá khác nhau. Bánh tro thường được gói bằng lá chít, nếu không có thì sử dụng lá dong. Tùy thuộc mỗi địa phương mà bánh sẽ có hình tròn dài, hình vuông hay hình tam giác. Luộc cho tới khi bánh chín và ánh lên màu nâu cánh gián, bánh quện mịn, nhìn trong, dẻo là được. Thường bánh tro sẽ được chấm với mật mía, mật ong, và dù làm từ gạo nếp nhưng bánh ăn lại khá mát.

Trái cây trên mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ thường là loại chính vụ. Mùa này quả mận, quả vải là… đúng chuẩn. Do đặc điểm vùng miền thì trái cây ở miền Nam có thể được dùng bằng măng cụt, dưa dấu… Trên mâm cỗ cúng không thể thiếu hoa, hương thơm của các loài hoa cũng khiến cho ngày Tết Đoan Ngọ trở nên ấm cúng và gần gũi hơn. Thường người ta hay trọn hoa sen bởi sen đầu vụ vừa thơm mộc mạc lại rất tinh khôi, hoặc cũng có thể thay bằng đĩa hoa nhài, hoa ngọc lan cũng được.

Những món ăn ngày Tết Đoan Ngọ thường phần nhiều nghiêng về trái cây và những loại bánh có thiên hướng chay. Thế nhưng một số nơi có bổ sung thêm ăn thịt vịt. Vịt vào mùa này béo và ngon, chắc thịt, ít bị hôi. Chẳng biết tập tục ăn vịt vào Tết Đoan Ngọ có từ đâu, nhưng người ta cũng không quá cầu kỳ làm món như thế nào, chỉ cần vịt luộc hoặc vịt quay là được. Cũng có thể do thịt vịt thuộc thể hàn, lại đúng tiết trời ngày nóng, cộng thêm những món ăn của “Tết diệt sâu bọ” như cơm rượu nếp, mận hay vải đều thuộc thể nhiệt, nên ăn vịt để quân bình chăng?

Tết Đoan Ngọ xưa không quá rườm rà, cũng không quá cầu kỳ món, chỉ cần bánh trái dân dã là đủ. Người trẻ ngày nay cũng yêu ngày Tết này có lẽ bởi sự đơn giản, nhưng lại thể hiện được sự chu đáo, hấp dẫn và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ đẹp mắt.

Tết Đoan Ngọ xưa không quá rườm rà, cũng không quá cầu kỳ món, chỉ cần bánh trái dân dã là đủ. Người trẻ ngày nay cũng yêu ngày Tết này có lẽ bởi sự đơn giản, nhưng lại thể hiện được sự chu đáo, hấp dẫn và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ đẹp mắt.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ron-rang-an-tet-doan-ngo-post579032.antd