Sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu giảm trong tháng 10

Sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu đã giảm trong tháng 10, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát leo thang và nhu cầu giảm.

Theo một cuộc khảo sát kinh doanh, sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu đã giảm trong tháng 10, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát leo thang và nhu cầu giảm bên cạnh tình trạng gián đoạn liên tục nguồn cung và triển vọng phục hồi ảm đạm.

Sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu giảm trong tháng 10. Ảnh minh họa: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Sản lượng của các nhà máy trên toàn cầu giảm trong tháng 10. Ảnh minh họa: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Tại châu Âu, ngành chế tạo Anh trong tháng 10 ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ mức giảm sâu do tác động của việc áp đặt phong tỏa đầu tiên hồi tháng 5/2020 trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế tạo Anh của cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P Global đã giảm từ 48,4 điểm trong tháng 9 xuống 46,2 điểm trong tháng 10, vẫn dưới 50 điểm – ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Tình hình dự báo sẽ tương tự đối với PMI ngành chế tạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) do cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt khiến người tiêu dùng lo ngại. Trong khi đó, PMI ngành chế tạo Thụy Sĩ giảm 2,2 điểm, song vẫn ở vùng tích cực là 54,9 điểm, phản ánh sự thích ứng tốt của nền kinh tế nước này.

Tại châu Á, hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia giảm trong tháng 10 trong khi tại Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong 21 tháng.

Động thái này cho thấy tác động tiêu cực từ nhu cầu giảm tại Trung Quốc và phí nhập khẩu tăng cao.Cụ thể, PMI ngành chế tạo của Trung Quốc do tập đoàn truyền thông Caixin kết hợp với S&P Global tổng hợp ghi nhận 49,2 điểm trong tháng 10, tăng so với 48,1 điểm trong tháng 9, nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm.

PMI ngành chế tạo của Nhật Bản đã giảm từ 50,8 điểm của tháng 9 xuống 50,7 điểm trong tháng 10, đánh dấu mức tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 1/2021.

Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy ở Hàn Quốc cũng kéo dài chuỗi giảm sang tháng thứ 4 liên tiếp do số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 8 liên tiếp. Số liệu mới nhất cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm mạnh nhất trong 26 tháng, với các lô hàng đến Trung Quốc - thị trường lớn nhất của nước này - kéo dài đà đi xuống.

Cũng trong tháng 10, PMI ngành chế tạo của Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan giảm mạnh hơn so với tháng 9 trong khi của Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn so với tháng 9. PMI ngành chế tạo của Ấn Độ trong tháng 10 tăng với tốc độ mạnh hơn so với tháng 9 nhờ nhu cầu vẫn được cải thiện.

Theo ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, một rủi ro lớn đối với ngành chế tạo châu Á là tốc độ tăng lãi suất của Mỹ. Ông nhận định: "Nếu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì đà tăng lãi suất đều đặn, điều đó có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra khỏi châu Á và làm tổn hại đến xuất khẩu".

Các nhà phân tích cho biết thêm những đợt tăng lãi suất sắp tới của Mỹ cũng sẽ buộc hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á phải ngăn dòng vốn chảy ra quá mạnh bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ của mình, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với hạ nhiệt tăng trưởng ở các nền kinh tế vốn đã yếu.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, viện dẫn xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột ở Ukraine và kinh tế Trung Quốc suy giảm đã làm giảm triển vọng phục hồi của khu vực này./.

Minh Châu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/san-luong-cua-cac-nha-may-tren-toan-cau-giam-trong-thang-10/264321.html