'Số hóa' logistics: Cần nhanh và mạnh hơn

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều cơ hội đến với các doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.

Tỷ lệ doanh nghiệp dịch vụ logistics sử dụng các loại hình công nghệ trong vận hành còn thấp. Ảnh: Quang Vinh.

Tỷ lệ doanh nghiệp dịch vụ logistics sử dụng các loại hình công nghệ trong vận hành còn thấp. Ảnh: Quang Vinh.

Chuyển đổi số ngành logistics mới ở giai đoạn đầu

Theo khảo sát tại Báo cáo logistics năm 2023, có 90,5% DN dịch vụ logistics Việt Nam tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 (tin học hóa) và cấp độ 2 (kết nối). Trong đó, phần lớn các DN đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.

Chỉ có 5% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 (trực quan hóa), 2,2% ở cấp độ 4 (minh bạch hóa). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều, nhưng đây là các cấp độ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đặc biệt, chỉ có 1,9% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 (có khả năng dự báo) và con số rất “khiêm tốn” 0,4% DN đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 (có khả năng thích ứng).

Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Trong khi đó, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 43.000 DN trong nước, đa phần là các DN vừa và nhỏ và khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như DHL, Kuehne + Nagel, DSV, DB Schenker... Sự cạnh tranh giữa các DN rất quyết liệt.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), so với các DN nước ngoài, DN Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt, toa xe, xe tải...), đồng thời có lợi thế am hiểu tập quán kinh doanh và khách hàng nội địa. Tuy nhiên, hoạt động còn đơn lẻ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.

Trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là “nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”.

Giới chuyên gia cho rằng, là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, để phát triển ngành logistic nói chung, thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistic nói riêng cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng DN. Do đó, ông Hiển kiến nghị một số trọng tâm cần quan tâm triển khai trong thời gian tới như chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại; phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ...

Cần phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đủ sức tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Phát triển các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn; hình thành các trục thương mại lớn của vùng, phát triển hệ thống logistics, thương mại điện tử...

Bên cạnh đó chú trọng huy động các nguồn lực cho phát triển logistics theo hướng xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistics trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các thị trường đối tác chiến lược. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics, đặc biệt là trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao...

Thời gian gần đây các DN cũng nỗ lực chạy đua ứng dụng công nghệ mới. Chẳng hạn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát triển nền tảng bản đồ Vmap cùng cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình. Giải pháp này góp phần tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của DN bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của DN.

Còn Công ty cổ phần Logistics U&I đang ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng các hệ thống quản lý nghiệp vụ theo nhu cầu đặc thù của khách hàng như quản lý kho, quản lý vận tải, quản lý nhân sự, quản lý khách hàng…

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, rất cần các DN nỗ lực đẩy nhanh và mạnh chuyển đổi số hơn nữa để bắt kịp xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, để không bị “hụt hơi” khi cạnh tranh với các DN quốc tế.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là “nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/so-hoa-logistics-can-nhanh-va-manh-hon-10282110.html