Sở võ học thời Lê

Thời xưa, tuy các triều đại phong kiến nước ta luôn quan tâm đến quân sự, võ nghệ để bảo vệ đất nước, nhưng thực tế văn được trọng hơn võ. Trong khi trường đại học đầu tiên là Quốc Tử Giám được thành lập từ năm 1076, dưới thời Vua Lý Nhân Tông, thì mãi đến gần cuối đời Lê, triều đình mới dựng sở võ học để đào tạo võ quan.

Từ Giảng Võ đường

Theo sử sách, thời nhà Trần, năm 1253 Vua Trần Thái Tông cho lập Giảng Võ đường, là nơi để các vương hầu tôn thất, quý tộc, các tướng sĩ, quân đội đến tập luyện cưỡi ngựa, bắn cung, đấu võ, trau dồi binh pháp. Tuy nhiên, Giảng Võ đường chỉ là nơi luyện tập và thi võ, còn triều Trần không khuyến khích binh lính học cao, bằng chứng là triều đình ra lệnh cấm lính ở hương Thiên Thuộc học chữ.

Vị trí của Giảng Võ đường trong bản đồ Hà Nội xưa, vẽ lại trên nền bản đồ Hồng Đức.

Vị trí của Giảng Võ đường trong bản đồ Hà Nội xưa, vẽ lại trên nền bản đồ Hồng Đức.

Điều này được sử sách ghi vào thời Trần Nhân Tông, năm Tân Tỵ, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 3 (1281). "Đại Việt sử ký toàn thư" chép rằng: "Tháng Giêng, mùa xuân, lập nhà học ở phủ Thiên Trường. Cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học". Quyển sử này cũng giải thích, trai tráng hương Thiên Thuộc, đất căn bản của nhà Trần, luôn được tuyển vào làm lính Thiên Thuộc luôn túc trực bảo vệ sát bên nhà vua, chú trọng vào sức khỏe, do đó triều đình cấm quân sĩ Thiên Thuộc không được học tập văn chương nghệ thuật vì "sợ khí lực kém đi".

Nhưng, vẫn có những người lính Thiên Thuộc say mê học vấn, tìm cách tiến thân. Bằng chứng là đến đời Vua Trần Anh Tông, vào năm Quý Hợi, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 10 (1323), "Toàn thư" đã chép rằng: "Mùa xuân, tháng 8, ngày 22, vua ngự đến nhà Thái học. Có tên Mặc trong quân Thiên Thuộc ở Hoàng Giang đỗ khoa thi Thái học sinh (tức là đã đỗ kỳ thi Hội, tương đương với học vị tiến sĩ ở các triều đại Lê, Nguyễn).

Xem xét trường hợp này, Vua Trần Anh Tông xuống chiếu bắt Mặc trở lại quân ngũ, làm lại điển (giúp chỉ huy việc sổ sách, giấy tờ) trong quân Thiên Đinh. Tuy nhiên, nhân vật tên Mặc này (sử cũ không chép rõ họ) khi có kỳ thi võ, đã đăng ký thi đánh gậy, lại đỗ cao và do sự kiện này được chép trong quốc sử nên chắc chắn ông lại được trọng dụng trong con đường quân ngũ. Như vậy, thời Trần đã có cuộc thi võ trong quân đội, chỉ chưa có trường đào tạo quân sự mà thôi.

Thời Lê sơ, sử cũng cho biết Vua Lê Thánh Tông đã cho dựng một quả núi đất ở phía Tây Hoàng thành làm một duyệt võ đài để đứng đó nhìn xem quân sĩ thao luyện. Vì thế, người xưa mới đặt tên núi ấy là Khán Sơn (vị trí nằm ở đoạn công viên Bách Thảo ngày nay). Thời Lê Thánh Tông về sau, sử sách chép rất nhiều lần quân đội tập luyện và duyệt trận đồ, nhưng cũng không ghi về các cuộc thi võ học nào.

Đến sở Võ học

Về trường thi võ thì phải đến tận thời Vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương mới được thành lập. "Đại Việt sử ký tục biên" chép rằng vào năm Bảo Thái thứ 2, đời Vua Lê Dụ Tông, triều đình nhà Lê trung hưng mới đặt sở Võ học và ban hành phép thi võ.

Tranh mô tả cảnh huấn luyện binh lính thời xưa.

Tranh mô tả cảnh huấn luyện binh lính thời xưa.

Các sử quan triều Lê chép: ''Tháng tám, họp bàn thi hành phép học võ và thi võ. Lập trường học võ, đặt quan Giáo thụ, lệnh cho con cháu các công thần và bề tôi đều được vào học. Luyện tập chiến lược trong võ kinh và các môn võ nghệ. Hằng năm, lần lượt những tháng mùa Xuân, mùa Thu đều thi tiểu tập, 4 tháng trọng (tháng nằm giữa 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, tức các tháng 2, 5, 8, 11 âm lịch) thi đại tập. Xuân, Thu tập võ; Đông, Hạ tập văn. Quan giáo thụ đề cử người trúng tuyển để bổ dụng. Chuẩn định 3 năm một lần thi, tất cả những bậc tuấn tú trong nước cũng được ứng cử".

Về phép thi, sử triều Lê để lại cũng cho biết, trước hết, giám khảo hỏi qua thí sinh về nghĩa cốt yếu trong sách "Tôn Tử binh pháp" (sách do nhà quân sự Tôn Vũ thời Xuân Thu bên Trung Quốc biên soạn, có 13 thiên), ai thông hiểu nghĩa sách thì mới được vào thi võ nghệ.

Về võ nghệ, có 3 môn thi binh khí. Môn thứ nhất là thi cưỡi ngựa múa thanh mâu (như thanh giáo, nhưng mũi ngoằn ngoèo như con rắn bò) môn thứ hai là đánh kiếm có múa khiên và môn thứ ba là múa đao. Sau 3 môn võ nghệ này, thí sinh mới bước vào môn chót là thi về phương lược quân sự.

"Đại Việt sử ký tục biên" cho biết "Các thí sinh thi võ, ai trúng cách thì sẽ được dẫn vào sân phủ chúa thi phúc hạch, sau đó được bổ dụng tùy theo đỗ cao hay thấp".

Sách "Binh chế chí" trong bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" của học giả Phan Huy Chú, soạn cuối thời Lê, đến đầu thời Nguyễn mới hoàn tất, cho biết thêm là không chỉ võ sinh mà các thuộc viên trong các đơn vị quân đội đều phải thi cả. Góp cả 4 lần thi trong một năm, ai mà nghề văn, nghề võ đều trúng thì viên giáo thụ bảo cử (tiến cử, với sự bảo lãnh của mình) lên; võ sinh thì sẽ được cho đỗ xuất thân, còn thuộc viên ở các đội Thị nhưng thì sẽ được cho thăng bậc để bổ dụng.

Để trọng dụng nhân tài ngành võ

Sách "Lịch triều tạp kỷ" của Ngô Cao Lãng có những trang ghi chép cho biết rõ về mục đích cũng như quy mô hoạt động của sở Võ học. Sách này chép rằng, vào năm Bảo Thái thứ 6 (1725), tháng 10 âm lịch, chúa Trịnh Cương cho vời các triều sĩ vào sân phủ chúa, sai làm bài ký Quốc Tử Giám và bài ký Sở võ học, để ca ngợi việc chúa quan tâm đến cả đường văn và võ của đất nước. Lúc đó, viên Hàn lâm hiệu lý Trần Danh Dĩnh và Cấp sự trung Trần Văn Hoán đều phụng soạn bài ký Quốc Tử Giám; còn viên Binh Bộ Thượng thư, tham tụng kiêm Đề đốc Bạo quận công Nguyễn Công Cơ và Võ úy Điều Trung hầu Văn Đình Trai phụng soạn bài ký sở Võ học. Bài văn của hai ông Dĩnh và Cơ được chúa chấm vào hạng nhất, mỗi người đều được thưởng tiền 5 quan; bài văn của các ông Hoán và Trai được chấm vào hạng nhì, mỗi người đều được thưởng tiền 4 quan.

Bài ký sở Võ học nêu đại ý về sự cần thiết thành lập cơ sở này như sau: "Nhà Võ học được thiết lập, từ xưa cũng đã sùng thượng như thế rồi. Còn quy chế về việc võ, ít thấy từ xưa sắp xếp ra sao. Võ miếu tuy lập từ thời Đường, nhưng sự thờ cúng chỉ là lảm nhảm. Võ học tuy lập từ đời Tống, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là ham chuộng hư danh. Than ôi, chỗ đất gây dựng nhân tài ngày một hoang vu, mà đạo tác thành võ sĩ hãy còn thiếu sót. Vì vậy, người chăm việc lược thao chỉ truyền riêng cho gia đình, thành thử việc giáo dục ở quốc đô chưa được rộng khắp, kẻ biểu diễn võ nghệ chỉ tụ tập ở trường ốc, còn sự lập ra nhà học giảng võ thì chưa thấy nói đến bao giờ. Đó là điều mà các triều đại đã đi theo gót nhau, gây thành thói quen và lại là việc mà những người võ biền bấy lâu vẫn đau lòng, nuốt hận".

Bài ký cũng giải thích vì sao trước đó, triều đình chưa lập sở này: "Quốc triều ta (chỉ triều Lê) nay: Đương cảnh thanh bình, gặp vận hanh thái. Hào Cữu hữu đang thể hiện bằng cách có rồng ban đức nhuần thấm (ý nói quẻ Càn trong Kinh Dịch, chỉ về vua chúa ban ân cho dân chúng); bốn cõi yên tĩnh, không còn có tin báo động bằng khói lang (thời xưa các chòi canh nơi biên giới đốt phân con lang (sói) cho khói bốc lên để ở xa biết), chính là lúc nên xếp việc võ lại".

Sau đó, các viên quan trong triều ca tụng chúa Trịnh về quyết định thành lập sở Võ học này: "Thánh chúa cho rằng nước nhà tuy vô sự, nhưng không nên lấy thế làm mừng, mà phải cẩn thận về việc binh, lúc nào cũng nên phòng bị, không cho khí giới tinh nhuệ là đủ trông cậy, mà chỉ lo rằng khó kiếm được những tướng tài. Những lúc nhàn rỗi trong một ngày bận rộn hàng muôn việc, chúa thượng đích thân cùng những viên võ tướng có học, nghiên cứu giảng luận về các ý chỉ nhiệm mầu của binh gia. Nhà chúa nghĩ sâu xa rằng phương pháp bảo vệ tất phải có học quy. Bấy giờ mới ngắm cảnh đất ngoài châu thành, chọn lấy chỗ thắng địa để định làm nơi lập trường Võ học, đặng cung cấp nhân tài cho ngành võ".

Quy mô nhà Võ học

Bài ký của viên Thượng thư Bộ Binh và Võ úy cho biết, sở Võ học có vị trí giáp với đàn Nam Giao, hình thế liền với sông Hồng. Theo bản đồ ngày nay, có thể ước đoán sở này nằm ở khu vực kéo dài từ phố Bà Triệu ra đến bờ sông Hồng, có thể là khu Đồng Nhân hoặc Lương Yên.

Về hình thức, sở được xây cất: "Hàng nghìn cây cỏ, hệt như muôn đội đồn binh; bốn mặt hồ ao, trông tựa bức đồ bát trận; sân hè rộng rãi, nhà miếu nguy nga". Còn về quy mô hoạt động, ta cũng có thể chắt lọc theo lời văn có phần ước lệ: "Những kẻ võ dụng được lên thầm, ùn ùn như mây họp lại; những bậc anh hùng là hạng người được vào nhà, đọng lại như sương móc long lanh. Những người cầm cung và đao mà thao diễn toàn là hạng võ sĩ mạnh mẽ. Những người cầm binh thư mà giảng luận đều là bậc mưu sĩ tài tình. Dưới thềm nhảy múa đều là những tướng Tôn, Ngô (tức Tôn Vũ, Ngô Khởi), trong trường gây nuôi toàn là những tay Anh, Vệ (tức Anh Bố, Vệ Thanh). Bồi dưỡng từ đây, khoa bác cử kén được nhân tài; do đây hun đúc, những người được đăng đàn bái tướng sẽ thi thố được tài thực dụng".

Bài ký cũng đặt ra hy vọng vào thành quả của nhà Võ học: "Mai sau, nhân tài dấy lên, lương tướng thay nhau ra đời, võ công phấn chấn, thế nước được vững mạnh, chưa chắc không do nền võ học này gây ra".

Về hiệu quả thì theo thống kê, từ khi đặt phép thi võ, triều đình vua Lê, chúa Trịnh đã tổ chức được 19 khoa thi bác cử, lấy đỗ 200 người gồm 60 Tạo sĩ (tiến sĩ võ) và 140 Tạo toát (đỗ dưới tiến sĩ một bậc).

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/so-vo-hoc-thoi-le-i725050/