Sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon

Tại Tọa đàm 'Thị trường tín chỉ carbon - đường đến Net Zero' do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 23.8, các đại biểu đồng tình cho rằng, phát triển thị trường này là rất cần thiết để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, cần sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon để tạo cơ sở hoàn thiện về mặt pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đề xuất.

Các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Tiềm năng phát triển rất lớn

Theo lộ trình của Chính phủ tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, từ năm 2025 sẽ thí điểm thị trường carbon trong nước tiến tới vận hành chính thức từ 2028. Chính phủ đang rất nỗ lực cho mục tiêu này.

GS.TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh Duy Thông

GS.TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh Duy Thông

GS.TS. Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Lâm nghiệp cho rằng, việc vận hành thị trường carbon được xem như cơ hội để thúc đẩy phát triển công nghệ ít carbon, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế bền vững; giúp tăng thu thập cho người trồng rừng, bảo vệ rừng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26.

Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA Nguyễn Phương Nam chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA Nguyễn Phương Nam chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Nhìn nhận về triển vọng phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA Nguyễn Phương Nam cho biết, theo đánh giá của quốc tế cũng như vị trí địa lý, Việt Nam có hai tiềm năng lớn. Một là, Việt Nam nằm ở vùng nhiệt đới nên tiềm năng năng lượng tái tạo, sinh khối rất lớn, do đó tiềm năng hấp thụ carbon rất cao. Hai là, tiềm năng từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đang phát triển, sản xuất nhiều của cải hàng hóa, mà hạn ngạch phát thải khí nhà kính liên quan đến sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, việc xanh hóa quá trình sản xuất sẽ tạo ra sản phẩm tốt hơn thông thường vì giá trị bảo vệ môi trường, nhờ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường khó tính.

Riêng trong lĩnh vực lâm nghiệp, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Hiếu Minh thông tin, nhờ những nỗ lực bảo vệ, phát triển, khôi phục rừng, đến nay, diện tích và chất lượng rừng đã tăng lên đáng kể, với tỷ lệ che phủ đạt 42,02%. Theo tính toán của Chương trình hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng carbon và quản lý tài nguyên rừng bền vững của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018, tổng lượng giảm phát thải lĩnh vực lâm nghiệp tạo ra là gần 57 triệu tấn CO2.

Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Hiếu Minh chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Hiếu Minh chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

“Triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với Ngân hàng Thế giới (WB) cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, chúng tôi đã hoàn thành và chuyển giao cho WB 10,3 triệu tín chỉ, thu về 51,5 triệu USD cho 6 tỉnh này”, ông Trần Hiếu Minh thông tin, đồng thời xác nhận nguồn thu từ giảm phát thải rất quan trọng, giúp tái đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng, tạo việc làm, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, góp phần thực hiện Net Zero.

Vẫn thiếu vắng khung chính sách

Đánh giá về cơ chế, chính sách cho phát triển thị trường carbon, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, Việt Nam đã có nhận thức rất sớm. Theo đó, từ năm 2013, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu vấn đề này. Tiếp đến, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11.2.2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định “nghiên cứu, xây dựng chính sách thuế carbon thích hợp đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Về mặt pháp luật, từ năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định phát triển thị trường carbon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể hơn về nội dung này. “Có thể nói, các chính sách đó đã bước đầu tạo ra khung khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển thị trường carbon”, ông Thi bình luận.

Dù vậy, đại diện Cục Lâm nghiệp thừa nhận, khung chính sách vẫn còn thiếu vắng, như quy định liên quan quyền carbon hay chuyển nhượng, trao đổi thương mại, quản lý và sử dụng nguồn thu này.

Cần quy định rõ quyền sở hữu tín chỉ carbon

Kiểm kê khí nhà kính là bước khởi đầu để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia “đặt chân” vào thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) Bùi Thanh Minh cho biết, mặc dù Chính phủ đã có yêu cầu với danh mục cụ thể các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, song việc thực hiện vẫn gặp rất nhiều thách thức. Nguyên nhân do doanh nghiệp không có thông tin; có thông tin nhưng đang chờ đợi xem đã có ai làm chưa; thông tin sai.

Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) Bùi Thanh Minh chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) Bùi Thanh Minh chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Cũng theo ông Bùi Thanh Minh, muốn có thị trường thì phải có hàng hóa, hàng hóa muốn trao đổi được phải có quyền sở hữu. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện nay, dù doanh nghiệp có hiểu biết, có nguồn lực và sẵn sàng đầu tư nhưng họ lại sợ bởi không rõ tín chỉ carbon thuộc quyền sở hữu của ai. Chẳng hạn, trong ngành lúa, thì tín chỉ carbon đó thuộc về Nhà nước hay doanh nghiệp, hay nông dân? Khi họ không chắc chắn về quyền sở hữu thì sẽ không thể thực hiện. Vì thế, cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng về quyền, trách nhiệm của từng bên, ông nhấn mạnh.

Đồng tình với đại diện Ban IV, ông Nguyễn Phương Nam xác nhận, doanh nghiệp không chỉ khó khăn về tiền bạc mà cả về thông tin khi các văn bản chưa rõ ràng. Theo ông, tín chỉ carbon hay quyền carbon cần nhìn ở góc độ pháp luật, vì đây là tài sản vô hình và cần được pháp luật bảo vệ. Việc hình thành tài sản này phải được quy định trong pháp luật. Đó là tài sản của doanh nghiệp hay của người lao động, hay của pháp nhân thương mại, hay của từng cá nhân, pháp luật cần phải làm rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, thị trường carbon là vấn đề mới, khó. Cũng chính bởi thế, cơ chế, chính sách hiện vẫn chưa hoàn chỉnh. “Cần phải tạo hệ sinh thái, cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hoạt động. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước", bà Nguyên nhấn mạnh, đồng thời mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng mới, sửa đổi văn bản cho phù hợp để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Bảo vệ môi trường Việt Nam Phạm Hồng Quân chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Bảo vệ môi trường Việt Nam Phạm Hồng Quân chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Mặc dù việc vận hành thị trường carbon tại Việt Nam được cho là muộn so với nhiều quốc gia, song theo ông Phạm Hồng Quân, Cố vấn chiến lược Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Nước sạch và Bảo vệ môi trường Việt Nam, chúng ta có cơ hội nhất định trong việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để đưa ra những giải pháp thực hiện chuẩn chỉnh hơn, chính xác hơn.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-moi-truong/som-hoan-thien-de-an-phat-trien-thi-truong-carbon-i385468/