Sớm nâng cấp Hiệp định ATIGA theo hướng hiện đại và nhiều lợi ích

Các Bộ trưởng đã giao cho Ủy ban Đàm phán ATIGA tiếp tục đẩy nhanh thảo luận đàm phán liên quan đến các vấn đề còn tồn đọng để hoàn tất theo kế hoạch đề ra.

Chiều 7/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự họp trực tuyến Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Đây là Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đầu tiên của năm 2025 nhằm thảo luận về tiến trình nâng cấp Hiệp định ATIGA. Thông qua hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực về việc nâng cấp Hiệp định ATIGA.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã trao đổi về nhóm các vấn đề liên quan đến phương án đối xử tối huệ quốc và đối xử đặc biệt với một số mặt hàng; cơ chế giải quyết tranh chấp khi Hiệp định ATIGA nâng cấp đi vào hiệu lực; tiến trình kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn chủ tọa đã đề xuất phương án kết thúc đàm phán các vấn đề lớn còn tồn đọng và nhấn mạnh trong bối cảnh đã đi vào giai đoạn kết thúc đàm phán, hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định ATIGA nâng cấp trong năm nay, các phương án kết thúc nên được xây dựng theo hình thức gói cam kết, thay vì phương án đơn lẻ cho từng vấn đề, để bảo đảm đạt được cân bằng lợi ích giữa tất cả các bên tham gia.

Đối với vấn đề tồn đọng, theo gợi ý của Chủ tọa, Bộ trưởng cho biết nhất trí với cách tiếp cận của đề xuất này là các nước tự do hóa hơn nữa các dòng thuế trên cơ sở năng lực của chính mình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Bộ Công Thương

Kết thúc hội nghị, Ban Thư ký ASEAN cho biết các Bộ trưởng đã hoan nghênh sự tiến bộ của việc đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA và thông qua biên bản với các nét chính. Đối với các vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo, các Bộ trưởng đã đồng ý với phương án kết thúc đàm phán do Chủ tọa Ủy ban Đàm phán đề xuất liên quan đến phương án đối xử tối huệ quốc và đối xử đặc biệt đối với một số mặt hàng...

Hội nghị cũng khẳng định lại lập trường về cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế liên quan đến môi giới, hòa giải và trung gian. Đây là một trong ba phương án mà các nước ASEAN có thể lựa chọn để giải quyết tranh chấp khi hiệp định nâng cấp đi vào hiệu lực. Các Bộ trưởng cũng đã giao cho Ủy ban Đàm phán ATIGA tiếp tục làm việc với nhóm công tác về các vấn đề pháp lý và thể chế để hoàn tất đàm phán, nội dung của chương giải quyết tranh chấp.

Liên quan đến tổng thể tiến trình đàm phán, các Bộ trưởng đã giao cho Ủy ban Đàm phán ATIGA tiếp tục đẩy nhanh thảo luận đàm phán liên quan đến các vấn đề còn tồn đọng để hoàn tất theo kế hoạch đề ra (hạn cuối là ngày 31/3/2025).

Đồng thời, quá trình rà soát pháp lý cũng sẽ được thực hiện để các nước ASEAN có thể ký Nghị định thư thứ hai, để nâng cấp Hiệp định ATIGA vào dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11/2025. Các Bộ trưởng cũng khuyến khích các nước ASEAN phân bổ và cam kết dành những nguồn lực cần thiết để có thể hoàn tất đàm phán nâng cấp ATIGA như mục tiêu đã đề ra.

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) là một trong những hiệp định cơ bản của AEC, được ký vào 26/02/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, có tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) ký năm 1992. Đây là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm/loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995 và bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA. Trong ATIGA, các nước ASEAN dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN ký (các FTA ASEAN+). Ngoài các cam kết về thuế quan, ATIGA cũng bao gồm nhiều cam kết khác như: xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại, hải quan, các tiêu chuẩn và sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh dịch tễ.

Biểu cam kết cắt giảm thuế quan trong ATIGA của mỗi nước (Phụ lục 2 của Hiệp định) bao gồm toàn bộ các sản phẩm trong Danh mục hài hóa thuế quan của ASEAN (AHTN) và lộ trình cắt giảm cụ thể cho từng sản phẩm trong từng năm. Vì vậy, so với CEPT, cam kết thuế quan trong ATIGA rất rõ ràng và dễ tra cứu./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/som-nang-cap-hiep-dinh-atiga-theo-huong-hien-dai-va-nhieu-loi-ich/362406.html