Sửa đổi Luật Hóa chất, hướng tới phát triển bền vững

Đại diện Bộ Công thương cho hay, sau hơn 16 năm thi hành, hiện Luật Hóa chất đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Hóa chất là ngành công nghiệp có tính nền tảng. Ảnh: N.A.

Hóa chất là ngành công nghiệp có tính nền tảng. Ảnh: N.A.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do và một số Công ước, Điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Mặt khác, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy một số quy định của Luật Hóa chất hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Vì thế, việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo, bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm sâu sắc và đầy đủ hơn quy định liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, tiếp tục rà soát để thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” trong Kết luận 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị; cụ thể hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” trong Kết luận 81-KL/TW, ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị, nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chuyển đổi sử dụng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và sử dụng hóa chất.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị bổ sung thêm một lĩnh vực là đầu tư tổ hợp sản xuất hóa chất từ nguyên liệu tái chế theo công nghệ tiên tiến, không phát thải thứ cấp. Bởi vì, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 77, Điều 78, Nghị định số 08 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và các bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ quy định tái chế bắt buộc nhằm hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững. Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, điều này sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án tái chế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa chất trong nền kinh tế không phát thải thứ cấp.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa thuộc đoàn Đồng Tháp bày tỏ, cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi), bởi luật này rất quan trọng. Trong thời gian qua, hóa chất phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế, đồng thời, hóa chất cũng phục vụ trong y học, nghiên cứu, những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, hóa chất cũng mang đến độc hại cho người dân sử dụng, nếu chúng ta quản lý không kỹ và người dân sử dụng không rõ, không hay biết thì kẻ gian hay những doanh nghiệp hám lợi, họ lợi dụng những hóa chất độc hại đưa vào những sản phẩm, thức ăn cũng rất nguy hiểm. “Vì vậy, việc ban hành Luật Hóa chất để hạn chế, sửa đổi những bất cập này, phát huy giá trị của hóa chất để phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng, an ninh, tôi nghĩ rất cần thiết”, ông Hòa nói.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sua-doi-luat-hoa-chat-huong-toi-phat-trien-ben-vung-10299792.html