Sức sống của 'cụ táu' nghìn năm

Nép mình bên con đường nhỏ ở làng Hương Lan (xã Trưng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ), đền Thiên Cổ tĩnh mịch. Đặc biệt, phía trước ngôi đền có 2 cây táu nghìn năm tuổi.

Hai cây táu nghìn năm tuổi trước đền Thiên Cổ.

Hai cây táu nghìn năm tuổi trước đền Thiên Cổ.

Hơn 10 năm nay, tờ mờ sáng, cụ Nguyễn Ngọc Oanh đã có mặt tại đền Thiên Cổ để lau dọn, chuẩn bị mâm lễ. Cụ là một trong số ít cao niên của làng Hương Lan nắm rõ về lịch sử của đền và 2 “cụ táu” nghìn năm tuổi. “Đền thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục, người có công dạy hai công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa (con gái Vua Hùng thứ 18). Tương truyền rằng, ngày 2/2 năm Quý Dậu (288 trước Công nguyên), hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng tạ thế, người dân đã tiến hành chôn cất, dựng miếu”, cụ Oanh cho biết.

“Từ nhỏ tôi đã thấy cứ bắt đầu vào kỳ thi (khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6), hai cây táu lại thi nhau nở hoa rực rỡ. Sau khi kỳ thi kết thúc, chỉ chưa đầy 3 - 4 tháng sau, khi bắt đầu nhập học thì hoa tiếp tục lại nở rộ. Điều đặc biệt là cùng giống nhưng một cây nở hoa vàng (người dân gọi táu vàng), một cây lại nở hoa trắng (người dân gọi là táu bạc). Năm nào cũng vậy, không chỉ ngày giỗ, lễ tết, rằm, mồng 1 mà trước ngày thi hay ngày nhập học, rất nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên tìm đến đền Thiên Cổ để thắp hương”, cụ Oanh kể.

Ngày 28/5/2012, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) trao danh hiệu Cây di sản Việt Nam cho hai cây táu này. Theo đó, cây táu vàng được ghi nhận có tuổi đời 2.100 tuổi và là cây nhiều tuổi nhất Việt Nam được công nhận di sản.

Với cây táu vàng, năm 2002 - 2003, khi làm đường qua đền, người dân đã chặt bỏ một số rễ và lát bê tông lên số rễ còn lại, do đó xảy ra hiện tượng cây chết. Sau khi các chuyên gia về nghiên cứu đã đưa ra giải pháp là đào bỏ bê tông, làm hầm cạnh gốc, gỡ bỏ tầm gửi ký sinh, phun thuốc, bón phân… nên một phần cây được cứu sống. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cây lại có hiện tượng yếu nên tháng 5/2022, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND xã Trưng Vương, Ban quản lý Đền Thiên Cổ Miếu triển khai các giải pháp như: Vệ sinh thảm thực bì và thân cây; xử lý mối đục thân; kích rễ; bón lá; cải tạo đất và bón phân…

Ngày 10/7, có mặt tại đây, phóng viên thấy cành duy nhất của cây táu vàng lá xanh tốt, nhiều nhánh mới mọc thêm, gốc xuất hiện nhiều rễ phụ…

NGÔ HÙNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-song-cua-cu-tau-nghin-nam-5723226.html