Tái hiện Nghi lễ 'Tống cựu nghinh tân' tại Hoàng Thành Thăng Long
Sáng 22/1, tức 23 tháng Chạp, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức buổi giới thiệu và trình diễn tái hiện Nghi lễ 'Tống cựu nghinh tân' tại Hoàng Thành Thăng Long dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Chương trình thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa, thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, bình an, no ấm cho nhân dân, "tống cựu nghinh tân" tiễn năm cũ đón năm mới.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, các Nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” khép lại năm cũ và đón chào mùa xuân mới với mong ước an vui, sum vầy, bao gồm: Lễ cúng ông Công ông Táo, Lễ Phất thức, Phong ấn, Lễ Tiến lịch, Lễ Tiến xuân ngưu, Lễ Dựng nêu... Đây là các nghi lễ truyền thống trong cung đình xưa, mở đầu cho chuỗi nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết Nguyên Đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm Tháng Giêng.
Các nghi lễ tiêu biểu trong chương trình là nghi lễ Tiến lịch - đây không chỉ là một nghi lễ thiêng liêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cung đình và dân gian xưa mà “lịch” đã trở thành một vật đặc biệt gắn liền với đời sống của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai...
Vì thế, nghi lễ này như là một sợi dây kết nối giữa con người đương đại với nền văn hóa của quá khứ. Chính sự khác biệt này mà năm Ất Tỵ 2025 Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp các đơn vị thực hiện nghi lễ Tiến lịch dưới hình thức sân khấu hóa với các nghi thức cung đình thuở xưa...
Nghi lễ thả cá chép vào ngày ông Công ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng thành kính với các Táo quân. Cá chép được đựng trong chậu bằng đồng thau, sau khi làm lễ cúng được rước ra sông cổ tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu để phóng sinh...
Chương trình cũng tái hiện việc dựng cây nêu ngày Tết. Cây nêu ngày Tết là một phong tục truyền thống của người Việt Nam, thường được dựng vào dịp Tết Nguyên Đán. Đây là một cây tre cao, thẳng, được tỉa hết cành lá, chỉ để lại một ít lá trên ngọn. Trên ngọn cây thường treo các vật phẩm mang ý nghĩa tâm linh như lá bùa, cờ ngũ sắc, chuông gió… tùy theo phong tục của từng địa phương.
Việc dựng cây nêu mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa và cầu mong một năm mới bình an, may mắn.../.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện còn tổ chức loạt hoạt động đón Tết truyền thống như: Trưng bày không gian “Tết xưa - Tết thời bao cấp (từ ngày 20/1), tái hiện Tết truyền thống của người Việt Nam ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX; không gian trưng bày “Nghi lễ Tết cung đình ngày Xuân” diễn ra tại khu nhà N14 vào ngày 20/1.