Tại sao tinh thần 'tôn sư trọng đạo' bị sa sút?
Môi trường học đường - môi trường lẽ ra phải thật lành mạnh và an toàn, nơi tinh thần 'Tôn sư trọng đạo' phải thực sự được tỏa sáng, việc học trò bạo hành thầy cô cần được ngành giáo dục xem xét và đề ra những giải pháp xử lý triệt để.
Mấy ngày nay, việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nữ giáo viên bị nhóm học sinh nhục mạ và ném dép khiến tất cả chúng ta đều cảm thấy đau lòng, đau lòng ở mức nhức nhối.
Đây không phải là lần đầu tiên trò xúc phạm, tấn công thầy! Trong quá khứ, việc người thầy bị học trò và phụ huynh xâm phạm thân thể đã từng xảy ra, và hành vi đó vẫn luôn luôn là điều không thể chấp nhận được. Bởi lẽ nó là sự tha hóa về đạo đức, về tôn ti trật tự, về nề nếp học đường. Trường học là nơi không dung túng cho bạo lực, càng không bao giờ dạy người ta làm những điều trái với luân thường, đạo lý.
Câu hỏi đặt ra sau những vụ trò đánh thầy là tại sao tinh thần “tôn sư trọng đạo“ lại sa sút như vậy?
Như chúng ta đều biết, sự việc nào, vấn đề gì cũng có tính hai mặt và đều có nguyên nhân của nó. Hành vi “nổi loạn” và phản ứng của đám trẻ, cho dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì vẫn cho thấy sự bất ổn trong đạo đức xã hội nói chung chứ không chỉ giới hạn trong mối quan hệ thầy trò. Trò hỗn hào, đánh chửi “hội đồng” với thầy cô, con cái hỗn hào, đánh chửi cha mẹ thì sự bất ổn đã đến mức báo động….
Nhiều quan điểm cho rằng, học trò ngày nay được cha mẹ quá nuông chiều nên cái tôi quá lớn, các em đem cái tôi đó từ nhà vào lớp học, coi thầy cô cũng như người có trách nhiệm phục vụ và không có nghĩa vụ phải tuân thủ những quy tắc, nề nếp của lớp, của trường, càng không có nghĩa vụ phải làm thầy cô hài lòng. Chính vì vậy khi bị thầy cô rầy la, trách phạt, chúng có những phản ứng tiêu cực không kiểm soát được hành vi.
Mặt khác, chúng ta cùng nhìn lại, trong suy nghĩ của phụ huynh, thầy cô đã thực sự được tôn trọng hay chưa? Ở những gia đình coi trọng việc học hành, cha mẹ tôn trọng thầy cô thì không thể có chuyện, con cái dù không hài lòng với thầy cô mà dùng vũ lực để uy hiếp thầy cô như trường hợp đáng tiếc vừa xảy ra.
Cuộc sống có quá nhiều mối lo, sự căng thẳng của cha mẹ cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ. Bản thân thầy cô cũng bị stress vì rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan… Con trẻ được nuông chiều, thiếu sự dạy dỗ về những giá trị đạo đức, chuẩn mực văn hóa, lại được thả tự do cho mạng xã hội, chịu ảnh hưởng từ những clip “bẩn”, hùa theo bạo lực, lấy cái xấu làm niềm vui, lấy sự vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật làm hình mẫu yêng hùng, là idol để ngưỡng mộ... Tất cả đều là nguyên nhân sâu xa cho những sự việc đau lòng ngày hôm nay.
“Để nuôi dưỡng một đứa trẻ cần cả một ngôi làng”, giáo dục nhà trường phải chuẩn mực, giáo dục gia đình là căn cốt và cần cả môi trường xã hội lành mạnh. Trong cuộc sống hiện đại với ảnh hưởng của internet, đầy rẫy những cái xấu đang được coi là bình thường, giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường càng phải vững chắc.
Riêng trong nhà trường, thầy phải thế nào để nhận được sự tôn trọng của trò, để nhận được sự “tôn sư”? Không phải cứ làm giáo viên, cứ đứng trên bục giảng là nhận được sự kính trọng của học trò. Có chăng đó chỉ là hình thức bởi nói như một nhà giáo dục “cái uy không tự đến, không chỉ hò hét hay rượt đuổi, không chỉ to tiếng quát tháo hay tỏ thái độ thiếu hợp tác, thiếu nhân văn mà thành uy, cái uy đến từ sự rèn luyện cả trí, tâm và lực“.
Người thầy muốn được trò tôn trọng phải thực sự mẫu mực, phải giỏi về chuyên môn, hiểu và yêu thương, quý trọng học trò. Những đứa trẻ dù ngỗ ngược mấy cũng đều cảm nhận rất chính xác sự chân thành của những người xung quanh, nhất là với những đứa trẻ thiếu hụt tình cảm gia đình, lệch lạc trong hành vi lại càng cần có sự cảm thông, gần gũi, yêu thương và khích lệ từ thầy cô giáo.
Việc học trò xúc phạm, đánh thầy là điều không thể chấp nhận được. Sau sự việc này, những đứa trẻ sẽ phải chịu hình thức kỷ luật của nhà trường, của gia đình. Mãi mãi trong lương tâm chúng có vết ố không thể gột rửa vì một hành vi thiếu suy nghĩ mà xâm phạm vào phạm trù đạo đức “tôn sư trọng đạo".
Vụ việc đáng tiếc này cũng gióng lên hồi chuông báo động về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường, bởi hành vi trò xúc phạm, bạo hành thầy cô là cấp độ cao nhất về tính hung hãn bạo lực của con người, cần những giải pháp cấp bách từ cả gia đình, nhà trường và xã hội.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tai-sao-tinh-than-ton-su-trong-dao-bi-sa-sut-post1063958.vov