Tận dụng lợi thế từ FTA để đạt tăng trưởng xuất khẩu 2 con số
Năm 2025, mục tiêu phấn đấu xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng của nước ta hơn 12%, tức giá trị xuất khẩu năm sau 'ngắm mốc' 451 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công thương cho rằng, đồng thời với đẩy mạnh sản xuất, doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả cơ hội ưu đãi từ FTA.
![Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_578_51442812/53d36341570fbe51e71e.jpg)
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh
Xuất khẩu tăng 4 tỷ USD/tháng
Năm 2025 được coi là thời điểm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Xuất khẩu hàng hóa đóng vai trò then chốt, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nước ta.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ, mục tiêu của ngành Công thương là xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng trưởng từ 12% - 14%. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa phải đạt 2 con số là một mục tiêu rất thách thức. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD so với mức bình quân tháng của năm 2024 trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, năm 2025, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 12%, tức giá trị xuất khẩu năm sau “ngắm mốc” 451 tỷ USD là mục tiêu vô cùng thách thức. Để đạt được tăng trưởng 2 con số, các ngành hàng xuất khẩu phải tăng tốc ngay từ đầu năm, tận dụng mọi cơ hội thị trường để có đơn hàng, duy trì sản xuất liên tục.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm
Năm 2025, Bộ Công thương tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc đa dạng hình thức xúc tiến, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số. Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 4,3%, nhập khẩu giảm 2,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,03 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,49 tỷ USD, giảm 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,6 tỷ USD, giảm 5,0%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 giảm 4,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 0,9%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,5%, chiếm 71,3%.
Trong tháng 1, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, như: Điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt, may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 xuất siêu 3,03 tỷ USD (khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 4,43 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước.
Mặc dù nhìn vào kết quả xuất nhập khẩu tháng 1/2025 chưa thể hiện xu hướng nhập siêu, nhưng chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng lưu ý, để đảm bảo xuất khẩu thì việc nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất xuất khẩu là vô cùng quan trọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cán cận thương mại.
FTA tạo đòn bẩy cho xuất khẩu tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 2 con số, PGS.TS.Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, có cơ sở để tin tưởng thành công từ nền tảng xuất khẩu từ năm 2024, đặc biệt là việc ký kết và thực thi nhiều FTA, là động lực mạnh mẽ cho năm 2025.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương phân tích, năm 2024, hầu hết các thị trường xuất khẩu đều phục hồi tăng trưởng, thị trường có FTA với Việt Nam tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 786,28 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.
“Xuất khẩu khẩu hàng hóa của nước ta có đà tăng mạnh trong những năm gần đây khi một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới có hiệu lực. Các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế, mà còn giúp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Với việc ký kết 17 FTA đã và đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao” - ông Anh Sơn cho hay.
Đề cập đến giải pháp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, ngay trong những ngày đầu xuân, sau Tết Ất Tỵ 2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ, ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược.
Ngoài ra, tận dụng cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, phát huy và nâng cao vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những diễn biến của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc…
Thích ứng với biến động của kinh tế thế giới
Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chỉ thực hiện 2 lần giảm lãi suất trong năm 2025, sau khi đã hạ lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9. Khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Hoa Kỳ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định.
Mặc dù vậy xét ở những điểm thuận lợi, TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương, Bộ Công thương phân tích, những sản phẩm xuất khẩu mang tính nền tảng như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có sự cải thiện tích cực trong thời gian qua (năm 2024, ngành Nông nghiệp xuất khẩu gần 62,5 tỷ USD). Năm 2025 và những năm tới, xuất khẩu của nhóm hàng này sẽ còn tốt hơn nữa.
Trong năm 2025, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường do các FTA mang lại, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). FTA mới nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).