Tản mạn ngày Xuân về y lý, y đức và y thuật

Tiêu chuẩn của thầy thuốc đã được nói gọn lại là: Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật. Cần rút gọn hơn nữa thì chỉ cần 6 chữ: y lý, y đức, y thuật là đủ...

Nghề Y là khoa học, mặc nhiên là như thế rồi, nhưng nghề Y còn là nghệ thuật. Từ y học, tiếng Anh là medicine vốn có nguồn gốc từ tiếng Latinh "ars medicina" nghĩa là nghệ thuật chữa bệnh. Vừa khoa học, vừa nghệ thuật với sợi chỉ đỏ xuyên suốt mang tên nhân đạo nên các thầy thuốc chắc chắn phải sâu y lý: Thấy, biết và hiểu kỹ những tinh hoa lý luận của y học.

Trước khi hành nghề, người thầy thuốc phải/cần nắm vững hệ thống lý luận y học, bao gồm các học thuyết và nguyên tắc cơ bản về quan niệm bệnh tật, cách phòng chống cho con người. Ðấy là bảo bối cho người thầy thuốc hành nghề đúng đắn, không bước chệch khỏi đạo đức cũng như sai lệch phương pháp của người đi chữa bệnh cứu người. Không phải ngẫu nhiên mà các trường đại học y đào tạo ra các bác sĩ trong một thời gian dài hơn so với các lĩnh vực khác. Tôi nghĩ, đấy chính là sự chuẩn bị kỹ càng về nhận thức, đạo đức và chuyên môn cho các thầy thuốc vào nghề. Nếu không chu đáo trong đào tạo sẽ không bao giờ có đội ngũ những người thầy thuốc tốt vừa "hồng", vừa "chuyên" được.

Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao; tận tụy phục vụ, hết lòng chăm sóc điều trị cho người bệnh. Với thầy thuốc, câu "Thương người như thể thương thân" là đúng lắm. Họ đau với nỗi đau của bệnh nhân và niềm vui của người thầy thuốc chẳng có gì sánh bằng khi bệnh nhân khỏi bệnh. Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền, câu ấy giúp ta hình dung rõ nhất về đạo đức của ngành Y. Trên đời này, từ xưa đến nay ai thương con bằng mẹ. So sánh tấm lòng thầy thuốc với tấm lòng người mẹ thật đẹp và chẳng sai bởi trong cơn đớn đau của bệnh nhân thì các bác sĩ, y tá, hộ lý là điểm tựa tinh thần và hy vọng của họ. Hiện nay đã có 12 điều quy định về y đức của ngành Y tế Việt Nam, soi vào đó những người thầy thuốc biết mình phải làm gì để xứng đáng với nghề.

Nếu ai nói rằng nghề Y cũng chỉ là để mưu sinh thì theo tôi là chưa hiểu hết giá trị nhân văn trong công việc phòng chữa bệnh cứu người. Hạnh phúc mà các thầy thuốc mang lại cho con người không ít. Ai đã trải qua ốm đau, thương tích hay bị khuyết tật, cặp vợ chồng nào bị hiếm muộn... chắc sẽ cho điều tôi vừa nói không là sự đại ngôn hay hồ đồ.

Ðất nước ta từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt hay những trận dịch kinh hoàng. Ðội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nước ta thực sự làm chúng ta cảm động bởi tấm lòng cao cả, sự cống hiến và hy sinh không kể xiết của họ. Gần nhất là đại dịch COVID-19 như một cơn bão đen làm chao đảo toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hình ảnh các thầy thuốc - những chiến sĩ áo trắng xung phong vào tâm dịch để cứu chữa cho người bệnh, những đôi mắt thâm quầng, những gương mặt hốc hác làm chúng ta vô cùng xúc động. Nước mắt tôi đã ứa ra khi xem hình ảnh đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trên tay bác sĩ giữa những ngày đại dịch âm u. Tôi nghĩ, hãy nhìn vào ngành Y với cái tốt đẹp bao trùm, phổ biến.

Từng vào viện cấp cứu, từng nằm điều trị ở đơn vị chữa bệnh tuyến cao nhất hay chỉ tại địa phương, nơi đâu tôi cũng gặp tấm lòng từ mẫu của người thầy thuốc. Một ánh mắt hay nụ cười của họ làm tôi thấy yên lòng hơn, nỗi đau bệnh tật dường như cũng dịu lại. Thầy thuốc cũng có những nỗi lo thường nhật như bao người khác, nhưng khi đã vào công việc, họ gác lại mọi nỗi lo toan thường nhật để tập trung trị bệnh cứu người. Xã hội trân trọng, yêu thương thầy thuốc, đấy cũng là trách nhiệm để góp phần xây dựng nền y tế Việt Nam phát triển bền vững. Trong những tháng năm ác liệt nhất, gian khổ nhất, thiếu thốn nhất chúng ta đã có một nền y tế đầy nhân văn và trong sáng thì không lý gì khi đất nước đổi mới phát triển lại không làm được điều đó.

Một nền y tế được đánh giá cao khi ngành đó có nhiều thầy thuốc giỏi cùng với hệ thống khám, chữa bệnh tốt. Chất lượng khám, chữa bệnh đương nhiên phụ thuộc vào trình độ tay nghề của thầy thuốc. Vì lẽ đó, y thuật luôn là yêu cầu, đòi hỏi của người làm nghề chữa bệnh cứu người. Cũng là bác sĩ, tại sao có người lại được bệnh nhân kỳ vọng rất lớn vào khả năng điều trị của họ. Họ không phải là một chính khách nổi tiếng, chẳng phải là một nghệ sĩ lừng danh... mà tên tuổi vẫn bay xa đến tận mọi nẻo quê, ngõ phố. Ðức và tài của người thầy thuốc luôn được nhân dân tôn kính, vinh danh. Chỉ cần như vậy thì hạnh phúc của người thầy thuốc đã không ai sánh bằng. Những tên tuổi như Phạm Ngọc Thạch, Ðặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng..., sẽ không bao giờ bị mờ phai trong lòng dân Việt. Xa xôi hơn nữa thì Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mãi mãi sẽ vằng vặc sáng trong ký ức dân tộc ta.

Với những thành tựu không nhỏ của y học Việt Nam hiện nay, tôi tin rằng đất nước ta sẽ là một địa chỉ quen thuộc cho những ai bị bệnh hiểm nghèo trên thế giới tìm đến chữa trị. Và, những người Việt Nam không phải tìm ra nước ngoài để chữa bệnh nan y nữa. Ðấy không phải là mơ tưởng viển vông mà hiện thời đã có những người nước ngoài bay đến nước ta chữa bệnh. Là người Việt Nam, chúng ta không thể không vui mừng và tự hào trước những thành tựu nổi bật mà y tế nước ta đạt được như đã kiểm soát và ngăn chặn được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Cúm A/H7N9, COVID-19...; là quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới thôn bản; chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh; điểm sáng thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs); làm chủ nhiều công nghệ cao mang tầm thế giới như can thiệp tim mạch thai nhi, phẫu thuật nội soi một lỗ,...

Có thể ví những thành tựu ấy là các cánh én báo hiệu mùa xuân tươi sáng của nền y học Việt Nam. Một đất nước ngoan cường trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành lại độc lập tự do cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đang chung sức, chung lòng xây dựng non sông đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ. Một đất nước mang khát vọng hóa rồng, đang bước vào hành trình chuyển động số, chuyển động xanh mạnh mẽ nhất định sẽ có một nền y học hiện đại, trong sạch, đáng tin cậy. Một nền y học vừa tiếp thu được những tinh hoa y học nhân loại vừa biết phát huy các giá trị y học cổ truyền trên nền tảng đạo đức tốt đẹp. Tất cả những cái đó bồi đắp thêm niềm tin cho chúng ta vào nền y tế Việt Nam hiện thời và tương lai với đội ngũ thầy thuốc sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật.

Ðại tá, Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tan-man-ngay-xuan-ve-y-ly-y-duc-va-y-thuat-169240202230014255.htm