Tăng sức cạnh tranh cho hàng thủ công mỹ nghệ
Hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong tốp 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất Việt Nam, mang lại doanh thu hơn 1,7 tỷ USD/năm.
Đáng nói, đây còn là nhóm hàng có tỷ suất lợi nhuận cao. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành hàng này mang lại lợi nhuận gấp từ 5 đến 10 lần so với các ngành khác. Chưa kể các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên cả nước đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi sự mới lạ, nhưng nay, sức hấp dẫn bị giảm đáng kể khi chưa có sự thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao. Đây đang là một trong những rào cản lớn nhất trên con đường giữ vững và mở rộng thị trường của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Hiện có tới 90% số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, do chúng ta còn thiếu sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm. Nếu tham dự các hội chợ, triển lãm về hàng thủ công mỹ nghệ trong nước, mọi người khó tránh khỏi cảm giác nhàm chán khi bắt gặp các gian hàng, sản phẩm quen thuộc như các mẫu mã truyền thống: Tranh tứ linh, tranh tứ quý (đối với ngành khảm trai, sơn mài); hạc đồng, đỉnh đồng (ngành đúc đồng); sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (ngành mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ); chụp đèn, bàn ghế (ngành mây tre đan)…
Nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều hộ sản xuất làng nghề vẫn chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, chỉ sản xuất theo thói quen cũ, chậm đổi mới, rập khuôn các mẫu có sẵn trên thị trường. Quá trình đào tạo nghề không được chú trọng về tính sáng tạo, ứng dụng thiết kế để đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều hạn chế, hầu hết chỉ làm theo đơn đặt hàng. Một số thiết kế bảo đảm tính thẩm mỹ, khả thi trong quá trình chế tác sản xuất, nhưng lại chưa thể đem sản xuất số lượng lớn, cho nên rất khó xuất khẩu.
Vẫn biết rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng khi các sản phẩm của đối thủ cũng có chất lượng tương đương, giá thành cạnh tranh thì mẫu mã chính là yếu tố quyết định việc món đồ nào sẽ được chọn vào giỏ hàng. Vì vậy, những người làm hàng thủ công mỹ nghệ cần thay đổi tư duy về thiết kế mẫu mã, bao bì và nhất là phải có sự phân biệt rõ ràng về chất lượng sản phẩm với chất lượng mẫu mã để gia tăng giá trị cho sản phẩm. Cái khó là ở chỗ vì còn mang tính chất làng nghề truyền thống cho nên quá trình đổi mới thiết kế vừa phải bảo đảm tính “hiện đại”, phù hợp thị hiếu lại vừa phải phát huy được nét văn hóa riêng.
Để có những thiết kế đẹp, hợp thị hiếu của khách hàng, nhà thiết kế và nhà sản xuất cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa. Các doanh nghiệp, nghệ nhân nên liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo mỹ thuật thiết kế, thường xuyên tổ chức đào tạo cho đội ngũ sáng tác để các thiết kế đáp ứng đúng tiêu chí, yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi sáng tác mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ, để chọn được các mẫu có tính ứng dụng, tính mỹ thuật cao để áp dụng sản xuất hàng loạt. Có được mẫu mã, thiết kế đẹp không phải chuyện “ngày một ngày hai” mà là cả quá trình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần sự quan tâm, chăm chút xứng đáng để đứng vững trên thị trường, vươn xa ra thế giới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-suc-canh-tranh-cho-hang-thu-cong-my-nghe-post768504.html