Tăng thuế thuốc lá: Đòn bẩy quan trọng cho sức khỏe cộng đồng và ngân sách quốc gia

Trước thực trạng tỷ lệ hút thuốc lá vẫn ở mức cao và gánh nặng y tế ngày càng lớn, Việt Nam đang đứng trước cơ hội mạnh tay cải cách chính sách thuế thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và tăng nguồn thu ngân sách.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 15,3 triệu người hút thuốc lá, trong đó phần lớn là nam giới trưởng thành. Không chỉ ảnh hưởng đến người trực tiếp sử dụng, khói thuốc còn lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt gây hại cho trẻ em và phụ nữ – những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của hút thuốc thụ động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tác động tiêu cực của thuốc lá không chỉ dừng lại ở sức khỏe mà còn gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 108.000 tỷ đồng do chi phí điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá và năng suất lao động bị suy giảm – con số tương đương hơn 1% GDP.

Mặc dù đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng hiện tại thuế thuốc lá chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ – mức thấp hơn đáng kể so với khuyến cáo 75% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn rẻ và dễ tiếp cận, đặc biệt với người thu nhập thấp và thanh thiếu niên.

Tại Hội thảo về phòng chống tác hại của thuốc lá tổ chức ngày 8/5, Thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá khẳng định, tăng thuế thuốc lá là giải pháp hiệu quả và cần thiết nhất hiện nay.

Theo tính toán của Bộ Y tế và WHO, nếu Việt Nam áp dụng mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao vào năm 2030, nhà nước có thể thu thêm khoảng 46.400 tỷ đồng mỗi năm, gần gấp 3 lần so với mức thu hiện nay (17.400 tỷ đồng). Quan trọng hơn, biện pháp này có thể giúp giảm tới 3,2 triệu người hút thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng y tế.

Theo các mô hình dự báo, biện pháp này có thể giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 42,1% (năm 2025) xuống còn 38,6% vào năm 2030, đồng thời mang lại nguồn thu ngân sách bổ sung lên đến 39.200 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, việc tăng thuế còn là công cụ y tế công cộng hiệu quả. Tăng giá thuốc lá sẽ làm giảm tiêu dùng, giúp ngăn chặn thói quen hút thuốc ở người trẻ và khuyến khích người hút bỏ thuốc. Nguồn thu từ thuế tăng thêm cũng có thể được phân bổ để đầu tư cho các chương trình y tế, phòng ngừa bệnh tật và hỗ trợ người nghèo.

Kinh nghiệm từ các quốc gia như Philippines hay Thái Lan cho thấy, tăng mạnh thuế thuốc lá là hoàn toàn khả thi và mang lại lợi ích kép: vừa giảm tiêu dùng, vừa tăng thu cho ngân sách. Đây là thời điểm Việt Nam cần hành động dứt khoát để theo kịp xu hướng toàn cầu và hướng đến một xã hội lành mạnh, bền vững.

Cùng quan điểm đó, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh: “Việc tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc. Kinh nghiệm toàn cầu cho thấy thuế càng cao thì tỷ lệ người hút bỏ thuốc càng lớn, nhất là ở nhóm thu nhập thấp.”

Những bằng chứng rõ ràng này cho thấy, thay đổi chính sách thuế thuốc lá không chỉ đơn thuần là điều chỉnh con số trên bao thuốc, mà là một bước ngoặt mang tính chiến lược cho sức khỏe cộng đồng. Nếu hành động kịp thời và quyết liệt, Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi cục diện cuộc chiến chống lại tác hại của thuốc lá – một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa.

Trang Nguyễn

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/tang-thue-thuoc-la-don-bay-quan-trong-cho-suc-khoe-cong-dong-va-ngan-sach-quoc-gia-478195.html