Tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp Bình Thuận dễ dàng tiếp cận thị trường Lào

Đây là một trong những nội dung làm việc với Cục Xúc tiến Thương mại và Thủ công - Bộ Công Thương Lào được đoàn công tác của Bình Thuận do đồng chí Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng đoàn quan tâm, trao đổi tại buổi làm việc sáng nay 20/6. Hoạt động này nằm trong chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Bình Thuận tại Thủ đô Viêng Chăn.

Tiếp đoàn có ông Dala Indavong, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại và Thủ công – Bộ Công Thương Lào cùng đại diện các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Lào.

Tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ những thông tin, gợi mở những giải pháp phù hợp để thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Bình Thuận giao thương với các doanh nghiệp Lào; góp phần đưa thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Lào.

Thông tin đến lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại và Thủ công – Bộ Công Thương Lào cùng đại diện các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Lào, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Theo đó, Bình Thuận có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi; đường bộ có 4 tuyến quốc lộ (QL1A, QL55, QL28 và QL28B) và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nối từ Khánh Hòa – Bình Thuận – Thành phố Hồ Chí Minh; đường sắt Bắc – Nam chạy qua tỉnh Bình Thuận với chiều dài khoảng 175km với 14 nhà ga và đường sắt tốc độ cao đã khởi công nối từ Khánh Hòa – Bình Thuận – Thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến đường nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và Bắc Trung bộ của Việt Nam sang Lào. Cảng Quốc tế Vĩnh Tân có bến cập tàu 50.000 DWT (quy hoạch trọng tải đến 100.000 tấn); Cảng Sơn Mỹ được quy hoạch tiếp nhận tàu với trọng tải đến 150.000 tấn hàng lỏng khí và 100.000 tấn tàu tổng hợp, hàng rời. Đang triển khai xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết quy hoạch cấp 4E với 01 đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Tỉnh Bình Thuận có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng để phát triển ngành kinh tế, như: Nông – lâm – thủy sản; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, vật liệu xây dựng,… và du lịch tham quan, nghỉ dưỡng…

Trong quý I/2024, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 6,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,65%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 11,21% (trong đó công nghiệp tăng 11,11%); khu vực dịch vụ tăng 5,28%... Riêng trong năm 2023, Bình Thuận đã xuất khẩu trên 47.520 tấn thủy sản các loại; kim ngạch xuất khẩu đạt 214,8 triệu USD. Toàn tỉnh có khoảng 113 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm; sản lượng đạt 48 triệu lít/năm. Sản phẩm nước mắm của tỉnh được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Philippines....

Toàn tỉnh có 9 KCN với tổng diện tích 3.003,43 ha. Lũy kế đến nay, các KCN thu hút được 87 dự án đầu tư, trong đó có 25 dự án đầu tư nước ngoài và 62 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích đất cho thuê là 257,88, tỷ lệ lấp đầy đạt 35,1% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Để đẩy mạnh hoạt động thương mại, các doanh nghiệp của Bình Thuận đang tìm hiểu thêm về thông tin giá cả thị trường, chế độ, chính sách khi xuất khẩu sang thị trường Lào; nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân Lào.

Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng mong muốn Cục xúc tiến Thương mại và Thủ công - Bộ Công Thương Lào sẽ là cầu nối để giới thiệu đến các doanh nghiệp Lào tiêu thụ các mặt hàng lợi thế của tỉnh Bình Thuận như: thanh long, hạt điều, thủy sản, nước mắm, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp có chất lượng. Song song đó, các cơ quan chức năng của Lào sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp Bình Thuận tiếp cận thị trường Lào để hợp tác, kinh doanh những lĩnh vực có lợi thế của tỉnh Bình Thuận; xúc tiến các hoạt động đầu tư, thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh giữa hai bên.

Nhân dịp này, các doanh nghiệp Bình Thuận đã trưng bày những sản phẩm nông - lâm - thủy sản đặc trưng của tỉnh nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng như các doanh nghiệp của Lào.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-moi-truong-thuan-loi-cho-nha-dau-tu-doanh-nghiep-binh-thuan-de-dang-tiep-can-thi-truong-lao-119756.html