Tế bào gốc hé lộ bí quyết sống thọ trăm tuổi
Một nhóm các nhà khoa học tại Boston (Mỹ) vừa đạt được bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu về tuổi thọ con người khi thiết lập thành công một ngân hàng tế bào gốc từ máu của những người sống thọ trên 100 tuổi, mở ra cơ hội mới để tìm hiểu các yếu tố góp phần tạo nên cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ.
Ông George Murphy, chuyên gia sinh học tế bào gốc tại Trường Y Chobanian & Avedisian thuộc Đại học Boston chia sẻ: "Những người sống thọ trăm tuổi có khả năng phục hồi phi thường trước các tổn thương và bệnh tật". Ông kể về một trường hợp đặc biệt - một cụ già đã vượt qua được đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1912 và sau đó là hai lần nhiễm COVID-19.
Các nhà khoa học cho rằng bí mật của sự trường thọ có thể nằm trong cấu trúc gen độc đáo, giúp người cao tuổi phòng tránh được nhiều căn bệnh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu gặp không ít khó khăn do số lượng người sống thọ trên 100 tuổi rất hiếm, khiến việc thu thập mẫu máu và mô đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Để khắc phục hạn chế này, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với chuyên gia Tom Perls, người đứng đầu Nghiên cứu Người Cao tuổi New England - dự án nghiên cứu lớn nhất về những người trên 100 tuổi. Họ đã tìm kiếm các đối tượng nghiên cứu thông qua danh sách cử tri, bài báo và các cơ sở chăm sóc dài hạn.
Đáng chú ý, nhiều người tham gia nghiên cứu vẫn duy trì được khả năng nhận thức tốt và tự chăm sóc bản thân. Các nhà khoa học đã thành công trong việc tách chiết tế bào máu từ khoảng 30 người cao tuổi và chuyển đổi chúng thành tế bào gốc đa năng, có khả năng phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể.
Những thí nghiệm ban đầu đã cho thấy các tế bào thần kinh được tạo ra từ tế bào gốc của người sống thọ có cơ chế kiểm soát chất lượng protein đặc biệt. Khi gặp tác nhân gây stress, các tế bào này có khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả, phân tách protein có hại khỏi protein có lợi với tốc độ cao hơn bình thường.
Trong tương lai, các nhà khoa học hy vọng có thể phát triển nhiều loại tế bào khác như gan, cơ, ruột, thậm chí là các cơ quan "mini" từ nguồn tế bào gốc này, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về lão hóa và tuổi thọ con người.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/te-bao-goc-he-lo-bi-quyet-song-tho-tram-tuoi-550271.htm