Tết xưa Na Sầm
Thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng quê hương tôi là một vùng đất đặc biệt. Một phố chợ sầm uất, đông vui trên bến dưới thuyền, một vùng văn hóa đặc sắc với sự giao thoa của các phong tục, tập quán, các sinh hoạt văn hóa độc đáo của người gốc Hoa di cư từ Trung Quốc sang, người Kinh từ các tỉnh vùng xuôi lên và bà con Tày, Nùng bản địa cư trú ở các làng bản xung quanh. Và dịp Tết cổ truyền ở Na Sầm xưa cũng mang những nét riêng có.
Na Sầm những năm 70 của thế kỷ XX, với những cư dân là người gốc Hoa và người Kinh chung sống lâu đời, bên nào giữ phong tục, lề thói của bên ấy, có những thứ cứ tự nhiên giao thoa, thẩm thấu sang nhau, dần dần thành tập quán chung của phố, nên những cái "Tết Na Sầm" luôn có một khí vị đặc biệt.
Tết được các gia đình mong mỏi, chuẩn bị từ mùa thu. Các bà mẹ thì đã tính toán tích gạo nếp, đỗ xanh từ tháng nào, đụng lợn với nhà ai, tự nuôi gà sống thiến hay dặn ai đến cuối Chạp thì để cho mấy con, tiêu chuẩn gầy béo, cân nặng thế nào. Các ông bố thì lo kế hoạch sửa sang nhà cửa, chí ít là vôi ve lại mấy bức tường, cánh cửa. Bọn trẻ con thì khỏi nói, háo hức, mong chờ. Tết thì được ăn ngon, tết được nghỉ mấy ngày lao động để đi chơi, tết được mặc quần áo mới, tết được mừng tuổi…
Chợ Na Sầm tháng sáu phiên, họp vào ngày 5, 10, 15... Chợ 25 tháng Chạp là đông nhất, nhà nghèo đến mấy thì phiên chợ ấy cũng phải đi để mua mỡ, thịt, bánh trái, còn quần áo với các thức chính để gói bánh chưng, gói giò thì phải mua từ chợ trước rồi. Đến ngày 28, 29 tháng Chạp thì còn thêm một phiên chợ nữa, gọi là chợ rửa bát, chỉ đi để mua rau cỏ, mắm muối và những thứ còn thiếu. Ngày 30 thì không ai còn họp chợ.
Tết Na Sầm xưa thật sự náo nhiệt. Từ đêm 30, giao thừa xong, những gia đình thân thiết đã đi xông nhà cho nhau, thanh niên đi chúc tết nhà nhau. Khách đến cửa là có một bánh pháo tép nổ giòn giã để báo cho chủ nhà ra đón. Các anh thanh niên còn châm pháo ném vào cửa sổ nhà nhau nữa, pháo nổ inh ai, khói pháo mù mịt trong nhà, nhà nào càng có nhiều pháo nổ trước cửa, trong nhà từ đêm giao thừa đến mấy ngày tết thì càng lấy làm tự hào, sung sướng. Vì như thế là gia đình có nhiều bạn hữu, nhận được nhiều lời chúc tốt đẹp, năm ấy nhất định sẽ làm ăn thuận lợi, phát tài phát lộc. Bên người Hoa, thì sau giao thừa, chủ nhà hoặc người xông đất sẽ gánh đôi thùng nước sông đầy ắp, trong vắt vào nhà, chúc cho gia đình một năm mới lộc vào như nước.
Sáng mồng Một Tết của những năm 1960, ở Na Sầm có lệ, mỗi nhà cử một đại diện đến nhà Hội Đồng (ở gần sân vận động) để dự Lễ chào cờ năm mới và nghe vị lãnh đạo thị trấn chúc những điều tốt đẹp cho đất nước, quê hương, cho mọi người dân Na Sầm. Những buổi lễ ấy đã làm thắm đượm thêm nghĩa tình gắn bó đoàn kết giữa các gia đình, làm cho nhân dân thêm tin tưởng cấp ủy, chính quyền.
Sân vận động Na Sầm, được gọi là sân ban, bãi ban, ngày tết luôn đông vui, nhộn nhịp với đủ các lứa tuổi, bà con các dân tộc ở phố và các vùng lân cận đến chơi, đến xem các trò chơi, trò diễn: buổi sáng thì cờ tướng, đi xe đạp chậm đốt pháo trên dây, ném vòng cổ chai, ném tháp bia, bịt mắt bắt vịt, phát tàu sỏi (lày cỏ)... Buổi chiều thì đá bóng giao hữu giữa đội trẻ và đội trung niên. Thi đấu bóng bàn thì được tổ chức ở nhà Hội Quán.
Phố có một đội sư tử đi múa dọc các khu trong suốt mấy ngày tết, đi từ sáng mùng Một, đi đến hết địa phận của thị trấn thì thôi. Tôi nhớ như là Ủy ban nhân dân thị trấn chủ trì việc này thì phải. Gần tết thì ở Ủy ban xuất hiện một bộ đầu sư tử hoành tráng, hình thức đầu tư tử và cách múa thì là của người Hoa. Một chiếc xe ba gác chở cái trống đại, ba bốn người phụ trách món chũm chọe, thanh la đi cạnh. Trống là nhạc cụ chủ đạo của múa sư tử, nên người đánh trống phải thật khỏe tay, và có kỹ năng, nghe tiếng trống rộn ràng ngoài phố thì già cũng như trẻ đều xốn xang, đều bỏ hết việc đang dở tay để nhao ra cửa đứng xem và cổ vũ.
Bác cả của tôi cũng là một tay trống chủ lực trong các buổi múa sư tử ngày tết thời ấy. Tôi nhớ mãi, hình ảnh mái đầu tóc hơi xoăn của bác cứ hất lên theo nhịp trống hùng hồn. Bọn trẻ con thì rồng rắn đi theo dọc phố, không biết mệt. Sư tử xuất phát từ trụ sở Ủy ban nhân dân thị trấn, trước hết là đến lễ ở đền Thượng, đền Mẫu, Hội quán rồi đi vào chúc tết từng nhà trong thị trấn. Đến nhà nào, sư tử cũng làm lễ trước ban thờ, nhận phong bao mừng tuổi đỏ, uống một hớp rượu gia chủ mời rồi mới lùi ra, múa ngoài cửa rồi lại vào nhà, ba lượt như thế rồi mới sang nhà khác, nhà nào cũng vào. Có nhà nào đúng lúc đi vắng, khóa cửa, sư tử không vào được thì cả năm tiếc nuối, lăn tăn. Nhà nào chỉ khép cửa thôi thì họ hàng, hoặc hàng xóm sẽ mở cửa giúp để đón sư tử vào, lấy may hộ gia chủ.
Bên người Hoa thì có lệ ngày mùng Hai Tết, các gia đình làm mâm xôi, thịt con gà trống thật to, thật béo, mang đến lễ ở Hội quán từ 2 giờ sáng, cúng xong thì thỉnh chuông để kính cáo thần linh. Nhà nào đến sớm nhất tin rằng sẽ được lộc nhiều nhất, nếu nhà đó có con trai lớn thì tin tưởng năm đó sẽ cưới được con dâu tốt.
Ăn uống là một sự quan trọng hàng đầu trong ngày tết xưa ở Na Sầm. Ở phố chủ yếu là các gia đình khá giả, cả người Hoa và người Kinh, cũng có người nghèo, nhưng ít lắm. Tết là dịp các gia đình nghỉ ngơi, hưởng thụ những thành quả của cả năm lao động, sản xuất, buôn bán nỗ lực. Nhà nào cũng làm nhiều món ăn thật ngon, thật cầu kỳ để ông bà, cha mẹ thưởng thức, con cháu cũng được hưởng theo.
Nhà tôi là người Kinh, bố mẹ tôi cũng cùng quan điểm là quanh năm ăn mặc thế nào xong thôi, nhưng tết là phải đầy đủ, trọn vẹn. Nên chúng tôi đứa nào cũng có ít nhất là một bộ quần áo mới tinh. Về ăn uống, thì thể nào bố mẹ cũng thịt hẳn một con lợn, vừa lấy thịt gói bánh chưng, vừa chế biến các món cho ba ngày tết, cả nhà ăn uống ê hề. Bố thích giò chả, nên đã trù liệu phần thịt nào để giã giò lụa, phần thịt nào giã làm chả mỡ, phần nào thì gói giò thủ, xong mới nhường mẹ tính toán các món khác. Bà nội thì nhất định là phải có món mực xào, là mực khô, thái chỉ để xào với xu hào, súp lơ và món bóng bì nấu canh. Những thức này mẹ đã phải chuẩn bị sẵn sàng từ mấy tháng trước.
Mâm cơm tết nhà tôi phải có đủ: bánh chưng, gà thiến luộc, giò lụa, chả, giò thủ, nem rán, mực xào, canh măng, canh bóng, canh miến, rau cỏ dưa hành không tính. Mùng Một Tết, bà nội chỉ đạo ngày ba bữa cơm cúng tổ tiên, xong cả nhà ngồi quây quần đầy đủ, ăn xong thì ai đi đâu mới được đi. Đến mùng Bốn hoặc mùng Năm lại biện mâm cơm cúng, hóa vàng mã tiễn các cụ, thế là xong Tết.
Tết xưa bọn trẻ được mừng tuổi, những tờ tiền mới, hoặc chỉ phẳng phiu, mệnh giá nhỏ thôi, kèm lời chúc năm mới mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi mà quý giá, nâng niu biết bao. Có tiền, dù ít, chúng tôi đều nghĩ đến bỏ ống. Xưa chưa có lợn đất, hoặc có nhưng mà hiếm, bọn tôi hay dùng gióng tre, gióng nứa làm ống tiết kiệm. Chọn 1 gióng tre bánh tẻ đã khô khô, nhờ bố hoặc các anh dùng lưỡi cưa và mũi dao nhọn, tạo một cái khe nhỏ, đủ cho vừa đồng năm xu là được, tiền giấy cũng gấp nhỏ đút vào, nhưng tiền giấy đến lúc lấy ra thì hay bị ẩm. Ống của đứa nào, đứa ấy cất thật kỹ, để đến lúc lắc lắc thấy nhiều nhiều thì đập ra, tiền ấy là của riêng, muốn tiêu gì tùy ý.
Tết xưa, hết ngày mùng Một chủ yếu ở nhà, từ mùng Hai chúng tôi được đi chơi, trước hết là xuống nhà bà ngoại ở Thâm Cun, chơi ở đấy cả ngày, người lớn thì trải chiếu đánh tam cúc, đánh tú lơ khơ với nhau, trẻ con chạy loanh quanh, ăn uống thoải mái tự do các món bánh mứt kẹo, hoa quả ướp…. Hôm sau nữa thì đi chơi với bạn, đạp xe xuống tận Tân Mỹ, hay lên Pác Lủng Hu, cứ đi dong dong thế thôi, nếu gặp đám hội nào thì sà vào, ngắm nghía hàng quán, mua mấy quả táo chua, hay ăn bát bún, bát nộm rồi về.
Tết xưa, thế thôi mà vui lắm, mà đầy ắp kỷ niệm.