Tháp Bà Ponagar và trầm hương: đòn bẩy di sản cho kinh tế - du lịch Khánh Hòa

Việc Tháp Bà Ponagar chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt cùng Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo mà còn mở ra cơ hội lớn để Khánh Hòa khai thác hiệu quả các giá trị di sản như một đòn bẩy phát triển kinh tế - du lịch bền vững.

Tối 10/7, tại Tháp Bà Ponagar (phường Bắc Nha Trang), UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận các danh hiệu di sản văn hóa di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức khai thác và chế biến trầm hương Khánh Hòa”. Đây là một trong những hoạt động, sự kiện quan trọng của tỉnh chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

PGS TS Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trao bảng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

PGS TS Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trao bảng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Quốc Nam cho biết, di tích Tháp Bà Ponagar được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, từng được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1979. Bên cạnh đó, Lễ hội Tháp Bà cũng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012.

Tháp Bà có giá trị đặc biệt tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử; hiện còn bảo lưu 14 đạo sắc phong và 28 đơn vị minh văn trên các bia ký cùng nhiều hiện vật quý hiếm khác.

“Trải qua quá trình giao lưu, đan xen, tiếp biến văn hóa của lịch sử dân tộc, di tích Tháp Bà hàm chứa những giá trị tiêu biểu của hai dân tộc Chăm - Việt qua hình tượng nữ thần Ponagar/Thiên Y A Na cũng như tín ngưỡng văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng dân tộc Việt và Chăm, được duy trì, tiếp nối liên tục và đã trở thành trung tâm thờ Mẫu của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ để cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc” - ông Trần Quốc Nam chia sẻ.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Khánh Hòa còn được biết tới với tên gọi “xứ trầm hương”, gắn liền với đó là hình tượng của nữ thần Ponagar/Thiên Y A Na - được những nghệ nhân thực hành nghề trầm hương tôn vinh là thủy tổ của nghề.

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hiện nay đã có nhiều làng nghề, hợp tác xã, nhóm nghề, hộ gia đình làm nghề trầm hương, góp phần tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nổi tiếng như nhang trầm, vòng trầm, tượng trầm, tinh dầu trầm… Trong đó nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao và uy tín ở trong nước và trên thế giới, đạt chứng nhận chất lượng OCOP quốc gia, góp phần khẳng định thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa”.

Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, hiện nay nghề khai thác trầm hương Khánh Hòa vẫn được người dân bảo tồn, gìn giữ những tri thức dân gian trong việc duy trì những kinh nghiệm để phát triển, tái tạo, chế tác làm phong phú và đa dạng các sản phẩm trầm hương đến với mọi người, mọi nhà; tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc và là quà tặng du lịch độc đáo của du khách khi đến với xứ trầm hương.

 Tháp Bà Ponagar được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

Tháp Bà Ponagar được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

“Với các thành tựu và kết quả đạt được này, tôi đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh các nội dung, giải pháp cụ thể nhằm góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Khánh Hòa gắn với di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến Trầm hương Khánh Hòa” - ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

PGS.TS Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết, sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của người dân Khánh Hòa mà còn của toàn thể Nhân dân cả nước, những người luôn trân trọng và gìn giữ di sản quý báu mà cha ông để lại.

Các tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.

Các tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.

“Trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển, việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết. Chúng tôi mong rằng tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục duy trì, tôn tạo và đẩy mạnh hơn nữa công tác phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Tháp Bà Ponagar theo hướng bền vững, hài hòa với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường và đời sống văn hóa bản địa; qua đó phát triển du lịch, văn hóa, tâm linh gắn với di tích theo hướng văn minh, an toàn, tôn trọng sự đa dạng và đặc sắc trong cộng đồng. Ủy ban Văn hóa và Xã hội cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị di sản” - PGS. TS Triệu Thế Hùng chia sẻ.

Trung Nhân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thap-ba-ponagar-va-tram-huong-don-bay-di-san-cho-kinh-te-du-lich-khanh-hoa.766248.html