Thị trường trong nước: 'Bệ đỡ kiên cường' của nền kinh tế Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, thị trường trong nước được tiếp sức mạnh mẽ, trở thành trụ đỡ vững chắc trong phát triển kinh tế tự chủ và hội nhập.

Đổi mới tư duy, dẫn dắt phát triển thị trường nội địa

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 là giai đoạn Bộ Công Thương và toàn ngành kinh tế đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có: dịch Covid-19 kéo dài, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá cả hàng hóa thế giới, xung đột địa chính trị. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy Bộ Công Thương đã thể hiện vai trò trung tâm lãnh đạo, định hướng chiến lược phát triển thị trường trong nước, vừa củng cố nội lực, vừa tăng khả năng thích ứng trước biến động.

Bám sát định hướng của Trung ương và các Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 55-NQ/TW về phát triển năng lượng hay Nghị quyết số 59-NQ/TW về chiến lược hội nhập, Đảng ủy Bộ Công Thương đã chỉ đạo toàn diện các đơn vị trực thuộc, trong đó có Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, triển khai hiệu quả nhiều chương trình hành động.

Một trong những thành quả nổi bật của Bộ Công Thương nhiệm kỳ qua là việc hiện đại hóa hạ tầng thương mại (Ảnh: Kim Ngân)

Một trong những thành quả nổi bật của Bộ Công Thương nhiệm kỳ qua là việc hiện đại hóa hạ tầng thương mại (Ảnh: Kim Ngân)

Một trong những thành quả nổi bật là việc hiện đại hóa hạ tầng thương mại. Theo Bộ Công Thương, từ khoảng 800 siêu thị năm 2020, đến nay, Việt Nam đã có hơn 1.200 siêu thị và hơn 300 trung tâm thương mại, cùng với hơn 30.000 kho bãi và 6 trung tâm logistics cấp I mới được hình thành. Những con số này minh chứng cho bước phát triển vượt bậc về thương mại nội địa, tạo kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, đặc biệt cho nông sản và sản phẩm địa phương.

Thương mại điện tử, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đã trở thành một kênh phân phối trọng yếu, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh. Các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, sàn nông sản Bưu điện… được khuyến khích phát triển mạnh ở cả đô thị và vùng sâu, vùng xa, giúp nông dân tiếp cận người tiêu dùng thành thị, gia tăng giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tiếp tục triển khai hiệu quả, kết hợp với các đề án phát triển trung tâm logistics, outlet và sàn giao dịch hàng hóa, tạo mạng lưới phân phối đa dạng, hiện đại, khơi dậy lòng tự hào hàng Việt trong cộng đồng tiêu dùng.

Chỉ đạo quyết liệt, nâng tầm vai trò quản lý nhà nước

Không chỉ phát triển hạ tầng thương mại, Đảng bộ Bộ Công Thương còn chú trọng xây dựng các chính sách bình ổn thị trường, giữ vững cân đối cung - cầu và điều tiết giá cả hợp lý, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, thực phẩm trong dịp lễ, Tết và thời điểm nhạy cảm.

Cấp ủy Đảng tại Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước ngay từ đầu năm 2025. Đồng thời, chú trọng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng để tăng hiệu quả quản lý thị trường, nâng cao vai trò giám sát và chống gian lận thương mại.

Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6/2025, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 3.891 vụ, phát hiện và xử lý hơn 3.114 vụ vi phạm với tổng giá trị xử lý trên 63 tỷ đồng, trong đó hơn 32 tỷ đồng là tiền xử phạt vi phạm hành chính. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Song song, công tác xây dựng Đảng cũng được chú trọng, với việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát triển đảng viên mới, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, đảm bảo tính liêm chính và minh bạch trong từng quyết sách phát triển thương mại nội địa.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thủy ghi nhận, điểm sáng của thị trường nội địa những năm vừa qua là ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại, văn minh. Từ hạ tầng truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) sang hạ tầng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, logistics, thương mại điện tử), đáp ứng sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trẻ và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

“Sự phát triển mạnh của thương mại nội địa đã tạo nên môi trường hấp dẫn cho tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nông sản. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cải thiện đời sống của người nông dân - đối tượng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm bậc nhất. Đồng thời, giúp người tiêu dùng được mua sắm sản phẩm với giá cả phải chăng” - chuyên gia Hoàng Trọng Thủy ghi nhận.

Tầm nhìn mới, nền tảng tự chủ cho kinh tế Việt Nam

Phát triển thị trường trong nước không chỉ dừng lại ở những con số tăng trưởng, mà quan trọng hơn, là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, vững vàng trước biến động toàn cầu. Với vai trò hạt nhân chính trị, Đảng ủy Bộ Công Thương đã và đang lãnh đạo các đơn vị đi theo con đường phát triển bền vững, tích hợp chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu dùng xanh, sản xuất tuần hoàn và nâng cao khả năng thích ứng với các yêu cầu mới của hội nhập quốc tế.

Định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển thị trường nội địa gắn với chiến lược số hóa và chuyển đổi mô hình tiêu dùng. Các trung tâm tiêu dùng mới sẽ được hình thành, song hành với phát triển thương mại điện tử và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch nêu rõ, đã đến lúc khai thác triệt để thị trường nội địa, coi đây là trọng tâm để cân bằng chính sách xuất khẩu và thúc đẩy nội lực. “Thị trường với 100 triệu dân là “miếng bánh” hấp dẫn cả nhà đầu tư nội và ngoại; cần dùng các công cụ như thuế, tín dụng tiêu dùng, du lịch và cải cách thể chế để khai thác hiệu quả nguồn lực nội địa” - TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh thêm, thúc đẩy nhu cầu nội địa là yếu tố sống còn để tạo sức bật kinh tế năm 2025. Bộ ba gồm tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư công sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng. Tiêu dùng nội địa có thể đóng góp 60-65% vào GDP.

Sự chỉ đạo sát sao và kiên định của Đảng đã giúp định hình rõ ràng vai trò “trụ cột” của thị trường trong nước trong nền kinh tế quốc dân, nơi không chỉ tiêu thụ hàng hóa, mà còn khơi dậy nội lực từ mỗi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-trong-nuoc-be-do-kien-cuong-cua-nen-kinh-te-viet-nam-410315.html