Thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam: Cần lấy chất lượng làm trọng
VOV.VN -Việt Nam được nhận định là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại toàn cầu khó đoán định, Việt Nam cần chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI tập trung vào chất lượng, hàm lượng công nghệ cao để trở thành trung tâm sản xuất, trung chuyển mới tại khu vực.
Vẫn còn hiện tượng chuyển giá, “đội lốt, tráng men xuất xứ” sản phẩm
Theo số liệu, tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư tại Việt Nam như: Samsung, Intel, Foxxcon, Amkor…
Riêng năm 2024, FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách nhà nước.

Tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực (Ảnh minh họa: KT)
Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy, khu vực FDI đã góp phần giải quyết khoảng hơn 5 triệu việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đem lại nguồn thu nhập khả quan cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, chỉ có khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.
“Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng cho rằng, hiện vẫn còn tồn tại không ít hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI. Cụ thể, quy mô và trình độ công nghệ của các dự án FDI còn hạn chế; nhiều dự án chưa thực sự tạo giá trị gia tăng cao; thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, khiến doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào các chuỗi giá trị.
“Những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, một số quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thuế ..... vẫn đang là trở ngại, tạo cho gánh nặng hơn, ảnh hưởng trực tiếp với hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Các nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn do nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề “đội lốt, tráng men xuất xứ” sản phẩm”, ông Nguyễn Hồng Sơn chỉ rõ.
Thu hút vốn FDI cần lấy chất lượng làm trọng
Tình hình thế giới đang có nhiều “thay đổi có tính thời đại”. Đặc biệt, chính sách thuế mới của Mỹ tác động lớn đối với sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, nhiều tập đoàn lớn đang tìm đến và thay đổi cách nhìn về thị trường Việt Nam… Tuy nhiên, để nhà đầu tư nước ngoài giữ vững niềm tin, thực sự ở lại và đóng góp nhiều hơn cho khu vực kinh tế trong nước, các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp để tăng cường chất lượng thu hút FDI, bắt kịp xu hướng FDI trong bối cảnh mới.

Cần tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI tập trung vào chất lượng, hàm lượng công nghệ cao hơn (Ảnh minh họa: KT)
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, Việt Nam cần có giải pháp để bắt nhịp được với dòng vốn FDI trong kỷ nguyên mới. Theo đó, có thể chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI tập trung vào chất lượng, hàm lượng công nghệ cao hơn để trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực...
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, xóa bỏ các rào cản và nút thắt, phát triển trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh chi phí kinh doanh và điều kiện kinh doanh không cần thiết.

GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP vào năm 2030, theo GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam cần gia tăng đầu tư công cho nghiên cứu – phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm R&D, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính hiệu quả.
“Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt khi phát sinh khó khăn về pháp lý hoặc vận hành thực tế”, Chủ tịch VAFIE khuyến nghị.
Mặc dù rất lạc quan về môi trường đầu tư Việt Nam, tuy nhiên, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Việt Nam vẫn nên thận trọng trước những diễn biến mới của nền kinh tế, thương mại toàn cầu. Đồng thời, cần thận trọng theo dõi những biến động của nền kinh tế, thương mại thế giới để có sự điều chỉnh và ứng phó kịp thời với những tình huống mới, bối cảnh mới.
Cũng dự báo về cơ hội thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, vẫn còn quá sớm để khẳng định dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ chịu tác động như thế nào, nhất là trong bối cảnh chính sách thuế đang có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Bá Hùng cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng đầu tư dài hạn. Do đó, để tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và nguồn lao động…
Theo đó, để "giữ chân" nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng điện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thu hút, cấp phép đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tăng thêm sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp… Nếu đáp ứng được những yêu cầu đó, Việt Nam không chỉ hấp dẫn được dòng vốn FDI bền vững mà còn gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.