Thủ tướng: Thiết kế chính sách để phát triển kinh tế tư nhân là không giới hạn

Thủ tướng khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là không giới hạn, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo đà tăng trưởng bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc chiều 8/5 với hội đồng tư vấn chính sách. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc chiều 8/5 với hội đồng tư vấn chính sách. Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của khu vực này, một động lực được xác định là then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia.

Tại buổi làm việc chiều 8/5 với Hội đồng Tư vấn chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng việc thiết kế chính sách để phát triển kinh tế tư nhân là “không giới hạn”, tháo gỡ điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển.

Ông khẳng định phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành, trong đó kinh tế tư nhân được xác định là lực lượng tiên phong trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo nghị quyết sẽ tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất mà người dân và doanh nghiệp đang quan tâm, có tính lâu dài nhưng chưa được quy định trong luật hiện hành.

Các chính sách được yêu cầu phải thực tế, phù hợp với điều kiện hiện nay, mang tính "đòn bẩy, điểm tựa”, tạo tâm lý hứng khởi cho doanh nghiệp vươn lên phát triển.

Thủ tướng cho rằng khu vực tư nhân cần được tiếp cận bình đẳng về vốn, đất đai, tài sản công, và được bảo đảm các quyền sở hữu, cạnh tranh lành mạnh.

Đồng thời, ông lưu ý cần mạnh tay cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký và giải thể doanh nghiệp với chi phí rẻ nhất, đặc biệt là xóa bỏ “cơ chế xin-cho”. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục trong chính sách thuế, đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Một điểm được nhấn mạnh là phải có cơ chế đủ mạnh để thúc đẩy các tập đoàn trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới trở thành các tập đoàn đa quốc gia.

Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện để hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh dần lên theo từng bước.

Theo Nghị quyết 68, Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Dự thảo nghị quyết cũng đề cập đến việc giao nhiệm vụ và đặt hàng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “đúng vai, thuộc bài”, đẩy mạnh phân cấp rõ ràng; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Việc đặt hàng, giao nhiệm vụ là không giới hạn về lĩnh vực hay quy mô công trình, dự án.

Ngoài ra, các nội dung về đào tạo nhân lực theo nhu cầu thị trường, khuyến khích quỹ đầu tư tư nhân, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng được đề xuất đưa vào nghị quyết.

Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương và trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thu-tuong-thiet-ke-chinh-sach-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-la-khong-gioi-han-d40077.html