Thúc đẩy tư duy thị trường tốt cho phụ nữ nông thôn làm kinh tế

Chính sự thiếu thông tin, thiếu chiến lược và thiếu niềm tin đã vô tình kéo lùi bước tiến khởi nghiệp của phụ nữ nông thôn. Nếu được 'tiếp sức' đúng cách, liệu họ có thể trở thành chủ thể kinh tế năng động, tự tin bước ra thị trường rộng lớn?

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ (NGƯT.TS) Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, chia sẻ về "rào cản" và những giải pháp để phụ nữ nông thôn có thể tiếp cận thị trường từ kỹ năng số.

NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - Ảnh: NVCC

NGƯT. TS. Phạm Xuân Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - Ảnh: NVCC

+ Theo tiến sĩ, đâu là rào cản lớn nhất khiến phụ nữ nông thôn dù làm ra sản phẩm tốt nhưng vẫn khó tiếp cận thị trường hiệu quả? Liệu có phải thị trường "khó tính", hay chính người sản xuất thiếu thông tin kiến thức mà chưa "biết mình - biết người"?

Trước hết nên hiểu như thế nào về chưa "biết mình - biết người". Phụ nữ làm ra sản phẩm nhưng chưa xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu sản phẩm của mình; thiếu kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, thương hiệu; vẫn sản xuất theo thói quen, không cập nhật xu hướng, nhu cầu tiêu dùng,… đó gọi là "chưa biết mình".

Không hiểu rõ đối tượng khách hàng họ cần gì, thích gì; thiếu kỹ năng tiếp cận thị trường hiện đại như online, thương mại điện tử, kết nối doanh nghiệp. Phụ nữ nông thôn thường sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, nhưng họ gặp phải rất nhiều rào cản từ khâu tiếp thị và kết nối với thị trường. Đó gọi là "chưa biết người".

Cùng đó là một số rào cản quan trọng như thiếu kiến thức về thị trường, định kiến xã hội, kỹ năng tiếp thị và truyền thông hạn chế, hạn chế về hạ tầng kỹ thuật số, thiếu niềm tin và tư duy đổi mới.

Như vậy, thay vì cho rằng "thị trường khó tính", những hạn chế về thông tin, kỹ năng và tư duy đổi mới của người sản xuất đã đóng vai trò quyết định trong việc sản phẩm không thể "chạm" được với khách hàng mục tiêu.

Phụ nữ nông thôn có thể tận dụng những công cụ hữu ích của thời đại số để kết nối trực tiếp khách hàng

Phụ nữ nông thôn có thể tận dụng những công cụ hữu ích của thời đại số để kết nối trực tiếp khách hàng

+ Trong thời đại số hiện nay, phụ nữ nông thôn có thể tận dụng những công cụ nào để rút ngắn khoảng cách giữa họ và người tiêu dùng? Ví dụ sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream, hay còn những kênh nào khác ít tốn kém mà hiệu quả cao?

Trong thời đại số, có rất nhiều công cụ hữu ích với chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, giúp phụ nữ nông thôn kết nối trực tiếp với khách hàng.

Sàn thương mại điện tử bao gồm các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo không chỉ giúp sản phẩm được hiển thị với lượng khách hàng lớn mà còn cung cấp các công cụ hỗ trợ như quảng cáo trực tuyến, hệ thống đánh giá sản phẩm và các chương trình khuyến mãi giúp tăng sự nhận diện của thương hiệu.

Mạng xã hội Facebook, TikTok và Zalo là những kênh rất mạnh mẽ, dễ sử dụng, miễn phí để giới thiệu sản phẩm thông qua hình ảnh, video và bài viết chia sẻ câu chuyện thương hiệu. Việc tham gia các nhóm cộng đồng, trang fanpage và sử dụng quảng cáo trả phí trên các nền tảng này giúp phụ nữ nông thôn tạo dựng mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng.

Còn livestream và video trực tuyến thì không cần đầu tư cầu kỳ, chỉ cần điện thoại thông minh và mạng ổn định. Ngoài ra, còn có các ứng dụng di động và các nền tảng hỗ trợ khác giúp giảm bớt chi phí vận hành và tạo ra mối liên hệ gần gũi giữa người bán và người mua.

Những công cụ trên không chỉ giúp giảm khoảng cách địa lý mà còn cho phép phụ nữ nông thôn linh hoạt hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, từ đó mở rộng thị trường một cách bền vững.

+ Có mô hình kinh tế địa phương nào chuyên gia đánh giá là thành công trong việc giúp phụ nữ nông thôn đưa sản phẩm vươn xa? Bài học lớn nhất từ những mô hình ấy là gì?

Một ví dụ điển hình là các hợp tác xã nông sản ở một số tỉnh miền Trung đã tích hợp mô hình kết nối sản xuất, tiêu thụ trực tuyến; mô hình HTX Tâm Thành (Tuyên Quang) về trà thảo dược của phụ nữ dân tộc Dao; Dự án "Phụ nữ khởi nghiệp" của Hội LHPN Việt Nam với nhiều mô hình trên cả nước...

Điểm mạnh của mô hình này nằm ở sự đoàn kết và chia sẻ kiến thức, biết cách xây dựng thương hiệu chung, kết nối trực tuyến hiệu quả. Và bài học lớn nhất chính là sự đoàn kết, chia sẻ và liên kết chặt chẽ giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Khi phụ nữ nông thôn có thể học hỏi lẫn nhau và xây dựng thương hiệu chung, họ không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ bền vững cho hoạt động kinh doanh.

+ Với những chị em ít kiến thức, ít kinh nghiệm kinh doanh nếu muốn đưa sản phẩm ra thị trường thì nên bắt đầu từ đâu? Một lộ trình "đơn giản nhưng khả thi" theo ông là như thế nào?

Để đưa sản phẩm ra thị trường, ngay cả những chị em ít học hay chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh cũng có thể bắt đầu theo lộ trình: Xác định thế mạnh và giá trị sản phẩm; luôn cải thiện về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; tham gia các khóa đào tạo cơ bản; thử nghiệm với quy mô nhỏ; tận dụng mối quan hệ cộng đồng; mở rộng dần quy mô.

+ Nếu chỉ chọn ra một yếu tố "chốt hạ" có thể giúp phụ nữ nông thôn đứng vững trên thị trường, đó sẽ là gì: Sản phẩm chất lượng, chiến lược truyền thông, hay là tư duy thị trường và vì sao, thưa ông?

Nếu buộc phải chọn ra một yếu tố quyết định, thì tư duy thị trường chính là "chốt hạ". Cụ thể, hiểu được những thay đổi trong nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, từ đó định hướng cải tiến sản phẩm phù hợp. Khả năng thu thập thông tin phản hồi từ khách hàng qua các kênh trực tuyến, ngoại tuyến và sử dụng thông tin đó để điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Luôn sẵn sàng thử nghiệm các phương pháp tiếp thị mới, áp dụng công nghệ vào quản lý và phân phối sản phẩm. Điều này giúp họ nhanh chóng thích nghi với những biến đổi của thị trường. Không ngừng học hỏi và đầu tư vào việc nâng cao kiến thức, từ đó có thể tự tin quyết định và thực hiện những chiến lược mới.

Tư duy thị trường không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp phụ nữ nông thôn xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường rộng lớn.

+ Xin cảm ơn tiến sĩ!

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-duy-thi-truong-tot-buoc-tien-khoi-nghiep-cua-phu-nu-nong-thon-20250415130634616.htm