Thuế thuốc lá là chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

'Chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá phải được coi là công cụ tài chính ủng hộ tăng trưởng kinh tế. Đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính không hề 'gây sốc', bởi theo tính toán, để đạt mục tiêu sức khỏe thì thực tế cần phải tăng thuế cao hơn nữa' - ông Đào Thế Sơn - chuyên gia kinh tế của Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) khẳng định khi trao đổi với phóng viên.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

PV: Ông đánh giá thế nào về phương án đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính đang trình Quốc hội kỳ này?

Ông Đào Thế Sơn: Đối với sản phẩm thuốc lá, trong dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án tăng thuế.

Theo tôi, cả 2 phương án đưa ra của Bộ Tài chính đều có những điểm tích cực. Trước hết, đó là việc bổ sung thuế tuyệt đối, thay vì trước kia Việt Nam chỉ có thuế tỷ lệ. Thuế tuyệt đối ưu việt hơn và đã được chứng minh trong các tài liệu quốc tế, cũng như bằng chứng ở các nước khác cho thấy có tác động tốt hơn trong việc điều tiết tiêu dùng, thay đổi sức mua, nhất là giảm sức mua của nhóm nghèo là nhóm yếu thế và thanh thiếu niên. Đồng thời, thuế tuyệt đối sẽ giảm được các vấn đề về trốn thuế, né thuế. Vì vậy, công tác quản lý thuế của Nhà nước sẽ thực hiện một cách tốt hơn.

Thuế với thuốc lá của Việt Nam còn thấp

Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá với mức tăng thuế mỗi lần thấp, chỉ 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Cụ thể, năm 2006, tăng mức thuế từ 55% lên 65%. Năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%. Năm 2019 (sau 3 năm) tăng từ 70% lên 75%. Tuy nhiên, mức thuế trên là áp dụng cho giá xuất xưởng, trong khi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, mức thuế đánh 75% trên giá bán lẻ.

Thứ hai, lộ trình tăng thuế của Bộ Tài chính đưa ra cũng khá thỏa đáng. Với mức khởi điểm ban đầu tương đối tốt và có mức tăng đều đặn hàng năm trong cả lộ trình từ 2027 đến 2031. Nếu không tăng thuế tuyệt đối thì dẫn đến mức ban đầu sẽ bị xói mòn do lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Nhưng Bộ Tài chính đã đưa ra một lộ trình rất tốt trong 2 phương án. Hai phương án này cũng sẽ giúp tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ tiệm cận 58 - 60%, gần hơn với mức đề xuất của Tổ chức Y tế thế giới là 75%. Theo kết quả của mô hình mô phỏng tác động tăng thuế, tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm về khoảng 37,5%, tức là gần hơn với mục tiêu quốc gia về tỷ lệ hút thuốc lá nam giới 36%.

PV: Về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lần này, ý kiến phản hồi công ty thuốc lá cho rằng, đây là đề xuất gây "sốc". Theo ông thì đề xuất này có thực sự "sốc" không?

Ông Đào Thế Sơn: Theo tôi, đề xuất của Bộ Tài chính không hề "gây sốc", bởi vì như chúng tôi tính toán, để đạt mục tiêu sức khỏe thì thực ra cần phải tăng thuế cao hơn nữa. Tổ chức Y tế thế giới đề xuất thuế tuyệt đối cần tăng lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030 hoặc là tăng thuế tỷ lệ rất cao, nếu muốn bảo vệ sức khỏe. Như vậy, mức tăng thuế của Bộ Tài chính thực ra còn ở dưới mức này, tức là đã có một sự cân nhắc liên quan đến vấn đề các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá và nền kinh tế.

Cụ thể sâu hơn nữa, chúng tôi thấy, tác động của tăng thuế này tới sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá không quá lớn như nhiều người tưởng, bởi hai vấn đề. Thứ nhất là tiêu dùng nội địa, thì thực tế ngoài tác động của thuế, các nhà sản xuất vẫn có thể điều chỉnh kinh doanh sản phẩm của mình theo mô hình mới. Thứ hai là xu thế về sản lượng của ngành này gần đây cho thấy, Việt Nam càng ngày xuất khẩu càng nhiều.

Như vậy, thực ra tăng trưởng của ngành những năm gần đây là dựa vào xuất khẩu thuốc lá ra thị trường nước ngoài, chứ không phải là tăng tiêu dùng trong nội địa. Việc có doanh số (số lượng bán) giảm đi hoặc không tăng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận giảm. Vì đặc thù các sản phẩm gây hại có tính chất gây nghiện, độ co giãn theo giá là thấp, nên mặc dù lượng giảm nhưng giá lại tăng khiến cho tổng doanh thu của doanh nghiệp và phần đóng góp vào nền kinh tế không chịu tác động giảm tương tự.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), sản lượng thuốc lá tại Việt Nam vẫn gia tăng nhanh trong những năm qua, với mức tăng lên tới 17% từ 2021 tới 2023, mặc dù Việt Nam có 2 lần tăng thuế vào năm 2016 và 2019.

Do đó, tôi cho rằng, việc tăng thuế ảnh hưởng đến doanh nghiệp không lớn như các tuyên bố đã được đưa ra.

PV: Ông có chia sẻ rằng, cần coi việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế về chiều sâu? Xin ông có thể nói rõ hơn về quan điểm này?

Ông Đào Thế Sơn: Theo quan điểm tôi, chính sách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá phải được coi là công cụ tài chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế về chiều sâu. Thứ nhất, chúng ta sẽ tiết kiệm tổn thất cho GDP, do tiết kiệm được phần chi phí liên quan đến bệnh tật và tử vong. Đây là một tiết kiệm rất lớn. Hàng năm GDP của Việt Nam mất khoảng 1 - 2% do các chi phí này. Nếu chúng ta giảm được thì đó chính là đóng góp vào tăng trưởng.

Thứ hai, do bệnh tật và tử vong nên nguồn lao động của Việt Nam bị tổn hại rất nhiều. Nghiên cứu của Hội Khoa học kinh tế y tế cho thấy, hàng năm Việt Nam mất 21,8 triệu giờ lao động, do người bệnh từ sử dụng thuốc lá mất thời gian chữa bệnh, hoặc người thân phải nghỉ việc để chăm sóc, chưa tính tới thời gian hút thuốc trong giờ làm việc. Nếu như người tiêu dùng có thể giảm tiêu dùng thuốc lá thì sẽ bớt được phần mất lực lượng lao động này. Đó chính là một đóng góp về mặt tăng trưởng từ nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ ba, các mô hình tính toán về tác động liên ngành do Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Thương mại thực hiện cho thấy, phần tiêu dùng mà người tiêu dùng chuyển dịch thuốc lá, nếu như có giảm, sẽ được chuyển dịch sang các ngành có hiệu quả hơn, sử dụng nhiều lao động hơn. Như vậy, tổng thể tác động liên ngành sẽ là số lượng việc làm tăng lên và tác động vào GDP là dương.

Một lý do căn bản là vì ngành sản xuất thuốc lá sử dụng ít đầu vào lao động. Việc điều tiết tiêu dùng thuốc lá giúp chuyển hướng tiêu dùng sang các ngành sản xuất có giá trị cao hơn, sử dụng nhiều lao động hơn.

Trong nghiên cứu thực hiện từ năm 2018 của chúng tôi, nếu tăng thuế xuất với thuốc lá từ 65% lên 85% có thể tăng GDP thêm 0,09%; và nếu tăng thuế xuất từ 65% lên 105% có thể tăng GDP thêm 0,18%.

PV: Xin cảm ơn ông!

Luyện Vũ

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thue-thuoc-la-la-chinh-sach-ho-tro-tang-truong-kinh-te-176560.html