Thương vụ đấu giá cổ phần kỷ lục chứng khoán Việt Nam
Sắp tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn ra phiên đấu giá cổ phần kỷ lục. Xét về quy mô giá trị thương vụ, đây là thương vụ lớn nhất trong suốt gần 25 năm thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam.
Becamex IDC - tên đầy đủ là Tổng công ty đầu tư và Phát triển công nghiệp, với mã chứng khoán BCM, lên kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá. Theo thông tin từ công ty, mức giá khởi điểm là 69.600 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá tương đương giá bình quân của cổ phiếu BCM trong 30 phiên giao dịch gần nhất.
Nhân với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành, nếu đấu giá thành công, số tiền tối thiểu mà Becamex IDC thu về là 20.880 tỷ đồng.
Becamex IDC hiện đang sở hữu trực tiếp 100% vốn tại 07 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương với tổng diện tích lên đến hơn 4.700 ha. Đây là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh, là một trong những chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, được thành lập với mục đích phát triển các khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, đến nay, tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Becamex IDC đang là 95,44%. Đại diện nhà nước chính là UBND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, nhà nước đang có kế hoạch giảm dần tỷ lệ sở hữu xuống mức 65% vào cuối năm nay.
Là chủ đầu tư khu công nghiệp, số tiền đầu tiên công ty thu được sau thương vụ này sẽ dùng đầu tư vào hai khu công nghiệp: Cây Trường và Bàu Bàng mở rộng. Ngoài ra, họ sẽ dùng một phần tiền để rót vào các công ty con, công ty liên kết. Đó là cách để đầu tư thêm vào các dự án đang hiện hữu. Một mục tiêu quan trọng là để trả nợ gốc trái phiếu và nợ vay ngân hàng, khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Như vậy, nếu thành công, Becamex IDC sẽ dùng tới hơn 15.000 tỷ đồng để trực tiếp và gián tiếp đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, và hơn 5.000 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng và trái phiếu.
Đáng chú ý, điều khả quan của thương vụ đấu giá lần này là tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Becamex IDC hiện tại rất thấp, chỉ hơn 2%. Thông tin từ bản cáo của công ty, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của họ là 34%.
Theo tính toán, số lượng cổ phiếu tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tại công ty sau đợt phát hành là gần 454 triệu đơn vị, lớn hơn rất nhiều con số 300 triệu cổ phiếu được đưa ra đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài được tự do tham dự toàn phần vào cuộc đấu giá sắp tới mà không bị giới hạn gì cả về sở hữu. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia không giới hạn, hứa hẹn các phiên đấu giá sẽ rất sôi động với mức giá khả quan.
Việc một doanh nghiệp quyết định "chốt deal khủng" chứng tỏ họ kỳ vọng rất lớn vào thị trường chứng khoán Việt trong thời gian tới. Ngoài ra, họ còn rất tự tin vào tiềm năng phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng. Bên cạnh đó, khi huy động được số tiền lớn để phát triển các khu công nghiệp, về lâu dài sẽ tạo tiền đề để thu hút vốn FDI.
Thu hút tiền, huy động tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh là khởi nguồn của những điều tốt đẹp.