Tiếp tục là lực lượng tiên phong

Sau 50 năm hòa bình, thống nhất đất nước, VHNT cần tiếp tục là một lực lượng tiên phong, một nguồn năng lượng tinh thần to lớn, cùng dân tộc chinh phục những đỉnh cao mới.

Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 -30.4.2025), ngày 23.4.2025, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: 50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

Hội thảo có sự tham gia của các văn nghệ sĩ đang hoạt động tại 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các Hội VHNT các địa phương...

Hội thảo có sự tham gia của các văn nghệ sĩ đang hoạt động tại 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các Hội VHNT các địa phương...

Hội thảo có sự tham gia của các văn nghệ sĩ đang hoạt động tại 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT tỉnh, thành phố trên cả nước; các nhà quản lý sự nghiệp VHNT ở các cấp; các nhà khoa học nghiên cứu, lý luận - phê bình về VHNT, khoa học xã hội và nhân văn...

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, sau một tháng chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 45 bài tham luận gửi đến dự Hội thảo.

Nội dung các tham luận tập trung nhìn lại, đánh giá khái quát thực bối trạng VHNT Việt Nam 50 năm qua, đã có sự phát triển vượt bậc trong cảnh quốc gia và quốc tế có nhiều biến chuyển mới.

Các chuyên ngành VHNT Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: sáng tạo, nghiên cứu lý luận - phê bình, biểu diễn, quảng bá tác phẩm... đánh dấu kỷ nguyên mới của sự phát triển, ra khỏi 30 năm chiến tranh ác liệt, kéo dài, tiếp tục đồng hành trong sự nghiệp đổi mới đất nước suốt 4 thập kỷ.

Các văn nghệ sĩ thuộc các thế hệ, các dân tộc ở khắp các vùng miền đã gắn bó với đời sống hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nỗ lực sáng tạo những tác phẩm vươn tới những đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật, có giá trị nhân văn cao đẹp, dồi dào bản sắc dân tộc độc đáo.

VHNT 50 năm qua là một dòng chảy liên tục, mạnh mẽ, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng con người Việt Nam mới, hội nhập rộng rãi vào nền văn hóa, văn minh của nhân loại tiến bộ, chuộng công lý, yêu hòa bình, bình đẳng cùng phát triển.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Với đội ngũ tác giả giàu lòng yêu nước, khát vọng cao cả và tài năng, bằng những tác phẩm ưu tú kết tinh bản lĩnh nghệ thuật nhuần nhuyễn, VHNT Việt Nam đã tạo lập cho mình một thương hiệu, một khuôn mặt sáng giá, được công chúng trong nước và cộng đồng văn hóa nghệ thuật quốc tế trân trọng ghi nhận.

Bước vào kỷ nguyên mới của sự phát triển đất nước - kỷ nguyên vươn mình, cho đất nước phồn vinh và tiền đồ rạng rỡ, các tham luận đã lưu ý việc đúc rút các kinh nghiệm về tổ chức và nghề nghiệp, đầu tư các nguồn lực hiệu quả để tiếp tục phát huy thành tựu, khắc phục những thiếu sót, bất cập, tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, tin đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại cách mạng công nghệ và của công chúng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, nửa thế kỷ qua, là nửa thế kỷ sum họp của 5 thế hệ nhà văn. Đó là các thế hệ nhà văn tiền chiến, các nhà văn chống Pháp, các nhà văn chống Mỹ, các nhà văn hậu chiến, các nhà văn xuất hiện trong đổi mới. Mỗi thế hệ có lợi thế riêng, cùng bổ sung và cộng hưởng với nhau, đưa nền văn học ta phát triển lên một tầm cao mới.

"Bước vào kỷ nguyên mới, sứ mệnh vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai thế hệ trẻ. Thời gian là của họ. Tương lai cũng thuộc về họ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu phấn đấu để có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng sâu sắc trong xây dựng con người. Ngẫm cho kỹ, lịch sử văn học xưa nay là con đường vắt qua các đỉnh cao. Đó là sự kết tinh văn hóa làm cho dân tộc vượt lên dân tộc, con người vượt lên con người", nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Tại Hội thảo, các tác giả tham luận khẳng định: Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trải qua một hành trình phát triển đầy bản lĩnh, chuyển mình mạnh mẽ từ thời kỳ hậu chiến đến giai đoạn đổi mới, với không ít thách thức nhưng cũng đầy cơ hội. Dù trong thời bình, lĩnh vực này vẫn giữ được lửa tinh thần dân tộc, sự gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân, đặc biệt là những thời khắc gian nan như thời kỳ khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Các thế hệ văn nghệ sĩ, từ những người đã từng cầm bút trong chiến tranh đến lớp trẻ sinh ra trong thời bình, đều chung một lý tưởng: sáng tạo nghệ thuật để phụng sự con người, phục vụ Tổ quốc. Nhiều tác phẩm vừa bảo đảm chất lượng về nội dung và nghệ thuật, vừa góp phần lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Điểm nhấn quan trọng trong các tham luận là sự khẳng định VHNT không chỉ thể hiện sáng tạo cá nhân mà còn là biểu hiện cho tinh thần dân tộc, của bản sắc văn hóa và khát vọng sống cao đẹp của con người Việt Nam. Chính VHNT đã góp phần "giữ lửa" cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên không ngừng của dân tộc trong suốt nửa thế kỷ qua.

Trong kỷ nguyên mới, VHNT tiếp tục chứng minh sức sống mãnh liệt khi thích ứng linh hoạt với sự phát triển của công nghệ, internet và các xu hướng toàn cầu. Văn học mạng, nghệ thuật kỹ thuật số, âm nhạc đa phương tiện, phim ảnh tương tác… ngày càng phổ biến, mở ra những không gian sáng tạo mới cho nghệ sĩ và công chúng.

Một trong những thành tựu nổi bật được nêu trong hội thảo là sự lan tỏa của VHNT nước nhà ra cộng đồng quốc tế. Nhiều tác phẩm văn học được dịch và xuất bản tại nước ngoài, các bộ phim, vở kịch, tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc... liên tục được giới thiệu ở các liên hoan nghệ thuật quốc tế, mang lại hình ảnh sinh động, chân thực và giàu cảm xúc về đất nước, con người Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ tại Hội thảo

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ tại Hội thảo

VHNT đã trở thành cây cầu nối đưa văn hóa Việt đến với bạn bè năm châu, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua văn hóa, khẳng định bản lĩnh và tâm hồn Việt.

Hội thảo còn tập trung vào những kiến nghị mang tính định hướng cho tương lai. Nhiều tham luận đề xuất cần có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài và hiệu quả hơn cho VHNT; xây dựng hệ thống chính sách ưu tiên đối với các tài năng trẻ, nghệ sĩ vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.

Một số ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ, chuyển đổi số trong sáng tạo, phổ biến văn học nghệ thuật; sự cần thiết của giáo dục nghệ thuật trong trường học; phát triển thị trường theo hướng chuyên nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ đều thống nhất rằng cần phải xây dựng một nền văn học nghệ thuật hiện đại, nhân văn, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp cận với các giá trị phổ quát của nhân loại để có thể đồng hành cùng dân tộc trong mọi thời đại.

Hội thảo khoa học toàn quốc "50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc" là sự kiện mang tính tổng kết, đánh giá nhưng cũng là động lực cho hành trình sáng tạo mới. Đó là lời khẳng định về vai trò không thể thay thế của lĩnh vực quan trọng này trong việc hình thành bản sắc quốc gia, bồi đắp tâm hồn, đạo đức và lý tưởng sống cho mỗi người Việt. Bước vào những cột mốc quan trọng của đất nước, VHNT cần tiếp tục là một lực lượng tiên phong, một nguồn năng lượng tinh thần to lớn, cùng dân tộc chinh phục những đỉnh cao mới.

HÀ AN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/tiep-tuc-la-luc-luong-tien-phong-129199.html