Tỉnh Đồng Nai mới là một trong 4 trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, có không gian phát triển đầy tiềm năng
Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có không gian phát triển rất thuận lợi vì sở hữu sân bay, cảng biển và biên giới.

Quy mô nền kinh tế Đồng Nai sau hợp nhất dự kiến là hơn 676,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 26 tỷ USD). (Nguồn: Thư viện Pháp luật)
Sau sáp nhập, Đồng Nai mới nằm trong top đầu cả nước về quy mô dân số, diện tích và quy mô nền kinh tế. Đồng Nai mới có dân số trên 4,4 triệu người, đứng thứ 5 cả nước, với diện tích rộng hơn 12.730km², xếp thứ 9 cả nước.
Quy mô kinh tế đạt 676.733 tỷ đồng (khoảng 26 tỷ USD), đưa Đồng Nai mới lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các tỉnh thành sau sáp nhập (sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng).
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, sau sáp nhập tỉnh Đồng Nai mới sẽ có không gian phát triển rất thuận lợi vì trong đó có sân bay, cảng biển, biên giới. Đây sẽ là lợi thế cho tỉnh phát triển logistics, thương mại dịch vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhìn nhận, tỉnh mới có gần 260 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, là không gian phát triển mới, đầy tiềm năng.
Thêm vào đó, Đồng Nai lại là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ liên vùng, là “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế Đồng Nai sau hợp nhất dự kiến là hơn 676,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 26 tỷ USD), là một trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam.
Với các đặc điểm này, Đồng Nai mới sẽ trở thành trục hành lang kinh tế quan trọng, mạng lưới giao thông đa dạng, đa phương thức (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là cửa ngõ hàng không quốc tế của Việt Nam, Cảng Phước An là trung tâm cảng biển lớn của cả nước.
Tỉnh Đồng Nai mới sẽ là một trong 4 trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng.
Vì thế, tỉnh sẽ là khu vực có công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics rất phát triển. Đây cũng là khu vực thuộc top đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong nước, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước.
Theo số liệu trước khi hợp nhất, trong 6 tháng đầu năm 2025 ( chưa hợp nhất), Đồng Nai đã thu hút thêm 1,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đăng ký, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, có 47 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 492 triệu USD và 60 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn bổ sung trên 744 triệu USD.
Tại Bình Phước, trong năm 2024 thu hút 35 dự án, trị giá 639 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2024, tỉnh Bình Phước có 439 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 5.271 triệu USD.