Tinh gọn, nhưng phải tránh lạm quyền

Tán thành định hướng tinh gọn hệ thống thanh tra, song nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đề nghị bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp toàn thể sáng 22-5.

 ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) phát biểu tại hội trường, sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) phát biểu tại hội trường, sáng 22-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu rõ, các khái niệm về hành vi sách nhiễu, gây khó khăn phiền hà, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra như trong dự thảo luật còn định tính, cần được cụ thể hóa kèm theo chế tài nghiêm khắc.

Đặc biệt, trường hợp thu hồi tài sản cần đảm bảo được thực hiện đúng pháp luật, theo đó phải có quyết định thu hồi tài bằng văn bản, ghi rõ loại tài sản, giá trị tài sản bị thu hồi. ĐB nhấn mạnh yêu cầu bổ sung nghiêm cấm hành vi "làm thay đổi, sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra, kết luận thanh tra", vì đây là hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngược lại, ĐB Nguyễn Tạo cho rằng cần bổ sung cơ chế bảo vệ người thanh tra cũng như cơ chế xử lý nếu đối tượng thanh tra không chấp hành.

 ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QUANG PHÚC

Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thanh tra cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Nguyễn Tâm Hùng đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp thực hiện các kết luận thanh tra, tránh khoảng trống pháp lý, đảm bảo tính kế thừa trách nhiệm trong quá trình sắp xếp lại hệ thống tổ chức, cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Tâm Hùng, Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và nhiều ĐB khác băn khoăn về việc dự thảo luật đã thay đổi thời hạn thanh tra từ “ngày” sang “ngày làm việc”, cho rằng sửa đổi này không phù hợp với xu thế cải cách hành chính.

ĐB Phạm Văn Hòa phân tích: “Quy định này đã làm tăng thời hạn thực tế lên tới 84 ngày, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của đối tượng thanh tra, giảm tính hiệu quả, kịp thời của hoạt động thanh tra”. Về trường hợp được dừng thanh tra, ĐB tán thành với trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh), nhưng đề nghị làm rõ “cấp thẩm quyền” cụ thể là cấp nào thì được ra quyết định dừng thanh tra.

 ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nhận xét, hiện dự thảo luật chưa có quy định kiểm soát sự chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, trong khi đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp.

“Tình trạng lặp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không chỉ gây tốn kém chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng. Nếu không có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra, sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này”, nữ ĐB nhấn mạnh.

ĐB Trần Thị Nhị Hà kiến nghị bổ sung làm rõ khái niệm “kiểm tra” tại điều 2 dự thảo luật để làm rõ tính chất, chủ thể, hệ quả pháp lý và trách nhiệm tổ chức thực hiện; đồng thời bổ sung tại điều 61 nguyên tắc phối hợp, tránh chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra; giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh vai trò đầu mối điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý.

ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) bày tỏ quan tâm đến hiệu lực thực thi kết luận thanh tra. ĐB cho rằng việc thực hiện kết luận thanh tra hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là khi quá trình thực hiện kéo dài. Điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, khả năng của chủ thể phải thi hành cũng thay đổi, dẫn đến không thực hiện được kết luận thanh tra…

ĐB đề nghị bổ sung vào dự thảo trách nhiệm thông tin, phối hợp giữa thủ trưởng cơ quan thanh tra đối với thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp để kịp thời thực hiện hoặc ngưng thực hiện khi kết luận không còn khả thi.

Thừa nhận có thể có tình trạng lạm quyền, song ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng dự thảo luật không nên "trói tay trói chân" thanh tra bằng những thủ tục hành chính phức tạp, khiến đối tượng thanh tra đối phó. Theo ĐB, cần tăng cường hoạt động thanh tra đột xuất, bớt đi những hoạt động "rầm rộ, không thực chất".

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-gon-nhung-phai-tranh-lam-quyen-post796308.html