Tội phạm lừa đảo, tống tiền nhắm vào người có địa vị xã hội, điều kiện kinh tế

Gần đây, Công an TPHCM nhận tin tố giác của người có địa vị xã hội và điều kiện kinh tế bị các đối tượng dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung 'nhạy cảm', 'tống tiền'...

Ngày 9-12, Công an TPHCM cho biết, gần đây đơn vị nhận được tin báo tố giác tội phạm của người có địa vị xã hội, điều kiện kinh tế bị các đối tượng dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung “nhạy cảm”, “tống tiền” để chiếm đoạt tài sản...

Theo Công an TPHCM, các đối tượng tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của những người đàn ông (có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, thành đạt) trên mạng xã hội. Sau đó, đối tượng cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào hình ảnh được cắt ra từ clip có nội dung nhạy cảm...

Tiếp đó, đối tượng giả là thám tử tư gọi điện báo cho nạn nhân về việc phát hiện người này có quan hệ bất chính với phụ nữ; gửi cho nạn nhân hình ảnh “nhạy cảm”. Khi nạn nhân lo sợ bị đăng lên mạng hoặc gửi tới nơi làm việc..., các đối tượng yêu cầu nạn nhân “chuộc lại ảnh nóng" bằng cách hướng dẫn mua tiền điện tử (loại tiền USDT) và chuyển đến tài khoản ví điện tử theo chỉ định rồi chiếm đoạt.

 Người có địa vị xã hội và điều kiện kinh tế bị các đối tượng dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung “nhạy cảm”, “tống tiền”...

Người có địa vị xã hội và điều kiện kinh tế bị các đối tượng dùng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào các hình ảnh được cắt ra từ các clip có nội dung “nhạy cảm”, “tống tiền”...

Để tránh là nạn nhân, công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, cập nhật nội dung tuyên truyền từ các trang web chính thống về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo; bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân khi hoạt động trên môi trường mạng (không chia sẻ thông tin cá nhân, hình thẻ căn cước, bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe hoặc các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân của mình và người khác lên mạng xã hội…).

Cùng với đó, tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn (link) web “lạ”, không rõ nguồn gốc (có thể được gửi kèm trong tin nhắn hoặc email); chỉ cài đặt ứng dụng trực tuyến từ nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại như App Store của IOS hay CH Play của Android; có ý thức bảo vệ tài khoản mạng xã hội, tài khoản cá nhân, địa chỉ cơ quan, nơi ở, nơi làm việc… đặc biệt là các hình ảnh “nhạy cảm” có thể bị lợi dụng để cắt ghép.

Người dân khi nhận được yêu cầu thực hiện hoạt động liên quan các loại tài khoản; yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký tài khoản chuyển khoản hoặc khi thực hiện giao dịch qua điện thoại thì phải cảnh giác, kiểm tra kỹ các thông tin liên quan hoặc tham khảo ý kiến người thân, bạn bè... trước khi thực hiện giao dịch; kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ, tương tác; cẩn trọng khi tiếp nhận thư từ, cuộc gọi, tin nhắn có nguồn gốc không rõ ràng.

Nếu người dân bị lừa đảo hoặc nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần trình báo, cung cấp thông tin đến cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý.

CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/toi-pham-lua-dao-tong-tien-nham-vao-nguoi-co-dia-vi-xa-hoi-dieu-kien-kinh-te-post772287.html