TP.HCM đề xuất siết chặt quản lý quảng cáo thuốc, thực phẩm trên nền tảng số
Trước thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt trên không gian mạng, TP.HCM kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường chế tài xử lý các hành vi tiếp tay, bao che cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Ngày 22/7/2025, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, do ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách và pháp luật trong công tác phòng, chống thuốc và thực phẩm giả trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sau khi hợp nhất ba đơn vị hành chính, thị trường tiêu dùng của thành phố đã trở nên năng động, đa dạng hơn nhưng cũng kéo theo nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP.HCM.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh rằng một bộ phận người tiêu dùng vẫn có xu hướng ưa chuộng hàng “xách tay” hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ do tâm lý sính ngoại hoặc vì giá rẻ. Thói quen tiêu dùng này vô hình trung tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ, hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội hiện nay chưa có quy chuẩn kiểm soát chặt chẽ đối với nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thuốc và thực phẩm chức năng.
Người bán có thể dễ dàng đăng tải thông tin sai lệch, hình ảnh minh họa không trung thực, thậm chí làm giả tem, nhãn mác để qua mắt người tiêu dùng.
Thực trạng người mua ham rẻ, chọn các nguồn cung không chính thống và các cửa hàng thiếu tên tuổi càng làm gia tăng rủi ro tiếp cận hàng giả.
Việc quản lý quảng cáo và hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu quy định rõ ràng, công cụ giám sát hữu hiệu và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Theo ông Nam, công tác phòng, chống hàng giả trên môi trường số đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị như Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Biên phòng và chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, cơ chế phối hợp hiện nay còn lỏng lẻo, thiếu đầu mối điều phối thống nhất, gây chồng chéo chức năng và làm chậm trễ quá trình chia sẻ thông tin.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.HCM đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng mở rộng phạm vi xử lý và nâng mức hình phạt đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là những hành vi tiếp tay, bao che gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, Chính phủ được đề nghị điều chỉnh Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng mức xử phạt hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh hàng giả.
TP.HCM cũng kiến nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, liên thông giữa các ngành, gắn kết với dữ liệu dân cư nhằm phục vụ hiệu quả công tác giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Bộ Y tế được kiến nghị sớm hoàn thiện quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm trên phạm vi cả nước, đồng thời đẩy mạnh số hóa quản lý dữ liệu tiêu chuẩn kiểm nghiệm và hệ thống tiếp nhận công bố sản phẩm thực phẩm.
Điều này sẽ giúp các trung tâm kiểm nghiệm tiếp cận kịp thời thông tin và nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường.
TP.HCM kiến nghị các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý liên ngành trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm trên nền tảng số. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực giám sát không gian mạng và đẩy mạnh phối hợp với các nền tảng công nghệ như Facebook, TikTok, YouTube để kịp thời xử lý và gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Song song đó, thành phố cũng đề xuất đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng nhận diện các nội dung quảng cáo sai sự thật, qua đó phòng ngừa hiệu quả hành vi tiêu dùng phải hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.