Tp.HCM: Lo ngại nguy cơ những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoành hành

Ngành y tế Tp.HCM lo lắng nguy cơ bùng phát dịch và lây lan nhanh bệnh sởi, sau khi ghi nhận 16 ca bệnh ở các khu vực tại Tp.HCM.

Tính đến tuần thứ 23 của năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 16 ca sởi, trong đó 15 ca dưới 5 tuổi, 85% ca dưới 5 tuổi nhưng chưa tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Ca bệnh rải rác tại các địa phương như quận Bình Tân, quận 8, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh.

Trong tuần 23 toàn Thành phố ghi nhận 10 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 9 phường, xã thuộc 7/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 23 ổ dịch và không có phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

Có tổng cộng 67 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 51 phường, xã thuộc 13/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Chỉ riêng trong tuần 23, toàn thành phố ghi nhận 4 ổ dịch tay chân miệng mới, gồm 2 ổ dịch trường học và 2 ổ dịch cộng đồng.

Số ổ dịch tay chân miệng tích lũy đến tuần 23 năm 2024 là 167 ổ dịch, trong đó gồm 112 ổ dịch trường học và 55 ổ dịch

Ngày 12/6, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

Theo ông Châu, điều đáng ngại là sự gia tăng của những loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin như ho gà và sởi. Tính đến tuần 23 năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 30 trường hợp mắc ho gà, 90% là trẻ dưới 5 tuổi, 44% chưa đến tuổi tiêm ngừa vắc-xin ho gà mũi đầu tiên.

Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại về việc bùng phát dịch sởi, lây lan ra cộng đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại về việc bùng phát dịch sởi, lây lan ra cộng đồng.

Trước nguy cơ của dịch sởi, ngành y tế đã đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại các trạm y tế. Đồng thời, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đang tham mưu UBND ban hành kế hoạch chủ động phòng chống bệnh sởi trên địa bàn.

Trong đó, tập trung vào phát hiện sớm các ca sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm, điều tra dịch tễ và khoanh vùng...

Các bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (thành phố Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm thu dung điều trị bệnh sởi, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây lan trong cơ sở y tế.

Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh hiện đang ghi nhận 6.210 ca tay chân miệng, chưa phát hiện chủng EV71 (chủng gây bệnh tay chân miệng nặng).

Đối với bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tích lũy tính đến tuần 23 năm 2024 là 3.677 ca, không có ca tử vong, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 36 ca mắc (100% là nam giới) ở 21/22 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức, chưa ghi nhận tử vong.

Phạm Thị Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tphcm-lo-ngai-nguy-co-nhung-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-hoanh-hanh-a668014.html