Tránh 'người tài xin nghỉ, người dở ở lại' khi tinh gọn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ có chính sách vượt trội dành cho khoảng 100.000 người chịu tác động của đợt tinh gọn này, song lưu ý khi sắp xếp bộ máy cần tránh 'người tài xin nghỉ, người dở ở lại' và có giải pháp giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công.
Sẽ có chính sách vượt trội hỗ trợ người thuộc diện tinh gọn
Sáng 21/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành nội vụ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, toàn ngành đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách, tiếp tục kiến tạo thể chế khơi thông các nguồn lực, khắc phục các 'điểm nghẽn' về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy sự phát triển. Trong đó, Bộ đã tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Theo đó, điều chỉnh lương cơ sở tăng 30% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng), bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho cơ quan, đơn vị, tạo động lực, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Đến nay đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2024 hoạt động của Chính phủ thành công trên nhiều lĩnh vực, trong thành công lớn đó có sự đóng góp hiệu quả, tích cực của ngành Nội vụ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý, Bộ Nội vụ khi sắp xếp tinh gọn bộ máy cần tránh “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”, lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy hành chính công. “Mặc dù bình diện người bị ảnh hưởng khá đông, đợt này có lẽ là đông nhất, khoảng 100.000 người, nhưng chúng ta cũng mạnh dạn bỏ ra nguồn lực đáng kể để hỗ trợ. Nếu như đề xuất của Bộ Nội vụ được chấp nhận, thì đây là chính sách đặc thù vượt trội, hết sức mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho hay.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu có giải pháp thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ người tài, đồng thời “loại bỏ người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài vào nền hành chính công” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh đầu tiên là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18. Theo kế hoạch phải làm khẩn trương, trong đó các cơ quan Đảng gương mẫu làm trước ngày 10/2/2025. Tuần sau, Bộ Chính trị sẽ kết luận để triển khai ngay. Tất cả bộ ngành, địa phương cũng phải tinh gọn tổ chức bên trong để giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối. Cá biệt, có những đơn vị Chính phủ được yêu cầu phải tinh gọn đến 40%.
Nhiệm vụ quan trọng của Bộ Nội vụ là đưa ra mô hình bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu quả; hình thành cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ người lao động nghỉ sớm; đồng thời phải hoàn thiện hạ tầng pháp lý cho bộ máy mới hoạt động, hướng dẫn các bộ ngành, địa phương tinh gọn, sắp xếp bộ máy.
Hà Nội tập trung sắp xếp, kiện toàn bộ máy
Tại Hội nghị, Giám đốc sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh tham luận nội dung về “Công tác chỉ đạo và kết quả thực hiện việc kiện toàn tổ chức, hoạt động hệ thống chính trị cấp xã tại địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới sau sắp xếp”. Theo đó, Thành phố thực hiện sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm được 53 đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã; 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã giảm lớn nhất cả nước (53 đơn vị).
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Thành phố đã chỉ đạo tạm dừng việc bầu các chức danh cán bộ cấp xã ở các đơn vị hành chính phải sắp xếp kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp Thành phố trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố đồng thời chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, có phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng người.
Thứ nhất, việc bố trí dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của cấp xã, cấp huyện và ở các địa phương khác trong Thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện vào các chức danh tương đương hoặc ưu tiên giới thiệu bầu chức danh cán bộ ở đơn vị hành chính khi có nhu cầu hoặc ưu tiên tuyển dụng làm công chức, viên chức theo quy định.
Thứ hai, cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng, Thành phố sẽ tạo điều kiện cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật; cán bộ có nguyện vọng chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. Đồng thời, Thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính cấp huyện.
Thứ ba, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở phường thì được áp dụng theo Nghị định số 26 của Chính phủ, Hướng dẫn số 27 của Ban Tổ chức Trung ương. Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thực hiện theo Nghị định số 29 và các Nghị quyết của HĐND thành phố.
Ngoài các cơ chế, chính sách chung của Trung ương, đối với cán bộ dôi dư, Thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp đơn vị hành chính.