Trật tự khí hậu chao đảo trong tình hình mới

Lần thứ hai Tổng thống Donald Trump đưa nước Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris. Quyết định này gây xáo trộn các mục tiêu nhưng không mấy ngạc nhiên đối với giới khí hậu.

Một nhà máy năng lượng mặt trời ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Một nhà máy năng lượng mặt trời ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Hiệu ứng “domino”

"Toàn bộ diễn biến mà chúng ta đã từng thấy trước đây đang được lặp lại, nhưng ở tốc độ cao hơn" - ông David Victor, giáo sư về đổi mới và chính sách công tại Đại học California ở San Diego, người theo dõi chặt chẽ hoạt động ngoại giao khí hậu toàn cầu cho biết.

Các quốc gia và công ty từng đặt ra mục tiêu thập kỷ và đưa ra những tuyên bố táo bạo về việc cứu thế giới giờ đây phải đối mặt với viễn cảnh bỏ lỡ các mục tiêu năm 2030 với biên độ lớn. Các ngân hàng của Mỹ và Canada đã nhanh chóng rút khỏi các liên minh khí hậu, ngay cả khi các đối tác châu Âu vẫn ở lại. Chỉ có 1 trong 4 cuộc họp về môi trường toàn cầu do Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức vào năm ngoái dẫn đến một thỏa thuận lớn. Việc hàng tỷ USD mà Mỹ cung cấp dưới dạng tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden sắp biến mất làm suy yếu khả năng triển khai năng lượng sạch của các nước nghèo trong thời điểm lãi suất cao.

Theo ông Jos Delbeke - giáo sư tại Viện Đại học Châu Âu, Thỏa thuận Paris là cam kết tự nguyện của tất cả các quốc gia nhằm duy trì mức ấm lên thấp hơn 2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Nhưng khi nhiệt độ trung bình của hành tinh vào năm 2024 lần đầu tiên vượt quá 1,5 độ C và hầu hết các quốc gia không đi đúng hướng để thực hiện các cam kết về khí hậu của mình, có những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu động lực toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể chống đỡ được “cuộc tấn công thứ hai” của Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không.

Mỹ chưa bao giờ là nước đứng đầu về sự nhiệt tình với khí hậu thế giới. Nhưng quyết định của Tổng thống Donald Trump vào thời điểm cấp bách này đã khiến các nhà ngoại giao lo lắng. Tất cả các quốc gia dự kiến sẽ đệ trình các mục tiêu khí hậu mới cho năm 2035 lên LHQ trong vòng vài tuần tới, và các nước đang phát triển kiên quyết rằng, các nước giàu có, vốn gây ô nhiễm nhiều hơn, phải tài trợ nhiều hơn cho khí hậu.

Tổng thống Donald Trump cũng đã thu hút các đồng minh mới, trong đó có Tổng thống Argentina Javier Milei và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Ông Milei được cho là đã cân nhắc việc rời khỏi thỏa thuận Paris, mặc dù làm như vậy có thể gây nguy hiểm cho các thỏa thuận thương mại của nước này với Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ủng hộ khí hậu đang gặp khó khăn. Thủ tướng Canada Justin Trudeau sắp mãn nhiệm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang phải đối mặt với những trở ngại chính trị do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tại Anh và Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế trì trệ đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo lựa chọn các dự án phát thải nhiều carbon.

Tuy nhiên, bất kể lựa chọn chính trị của họ là gì, tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với sự tấn công dữ dội hơn từ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt do khí hậu gây ra. Công ty tái bảo hiểm Aon ước tính, thiệt hại kinh tế do thảm họa vào năm 2024 lên tới 368 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2016 là 216 tỷ USD.

Đóng một cánh cửa, mở ra một cơ hội

Châu Âu, Trung Quốc và Brazil được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống mà ông Trump tạo ra trong ngoại giao khí hậu quốc tế. Nhưng nếu quá trình đó bị chững lại, quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu không chỉ phụ thuộc vào những gì các chính phủ làm.

Hy vọng lớn nhất cho hành động vì khí hậu nằm ở các lực lượng kinh tế. Theo Công ty nghiên cứu năng lượng BloombergNEF (BNEF), năm 2016, đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển đổi năng lượng đạt 426 tỷ USD, phần lớn dành cho năng lượng mặt trời và gió được chính phủ trợ cấp. Kể từ đó, các khoản đầu tư đã tăng gấp 5 lần, lên 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2024.

"Một số nền kinh tế lớn nhất sẽ đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng ngay cả khi không có Mỹ. Nhưng với điều kiện là mục tiêu đó phải có lợi về mặt kinh tế và hợp lý đối với người dân của họ" - ông Albert Cheung, Phó Giám đốc điều hành của BNEF cho biết.

Thế giới đã bước vào một giai đoạn mới trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Trước khi Thỏa thuận Paris được ký kết, việc thúc đẩy các mục tiêu về khí hậu được coi là phải hy sinh tăng trưởng kinh tế vì lợi ích lớn hơn. Sau khi Paris gửi tín hiệu thị trường, quá trình chuyển đổi đã bước vào giai đoạn chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về định giá cho các công ty công nghệ khí hậu. Về mặt này, Trung Quốc đang dẫn đầu với một khoảng cách rất lớn. Năm ngoái, nước này đã chi nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng so với Mỹ, EU và Vương quốc Anh cộng lại.

Ông Cheung của BNEF nhận thấy động lực sẽ tiếp tục đằng sau năng lượng tái tạo, pin, ô tô điện và lưới điện bất kể chính sách của chính phủ. Nhưng các thị trường chưa hoàn thiện về hydro, thu giữ carbon, nhiệt carbon thấp và các ngành công nghiệp xanh sẽ gặp khó khăn nếu các chính phủ rút lại hàng loạt sự hỗ trợ của họ.

Ông Michal Orlowski - Phó Giám đốc điều hành Công ty sản xuất điện Tauron của Ba Lan - cho biết, việc Mỹ rút lui khỏi cuộc đua xanh tạo ra cơ hội cho những nước khác đầu tư vào các công nghệ khí hậu mà ngay cả Trung Quốc vẫn chưa khai thác được, đặc biệt là các cơ hội trong sản xuất hydro. "Chắc chắn có những mối đe dọa, nhưng cũng có một số cơ hội cho châu Âu. Hoặc là chúng ta thức dậy ngay bây giờ và đặt cược vào các công nghệ phù hợp, hoặc chúng ta vẫn là một điểm đến du lịch" - ông Orlowski nói.

Theo bà Diana Urge-Vorsatz, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, mặc dù động thái của một tổng thống hay thủ tướng có thể làm chậm hành động, nhưng điều đó khó có thể đảo ngược nhiều tiến triển đã đạt được. Trước khi Thỏa thuận Paris được ký kết, vẫn "hoàn toàn khả thi" rằng thế giới có thể nóng lên tới 5 độ C.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trat-tu-khi-hau-chao-dao-trong-tinh-hinh-moi-10299458.html