Triển khai nhiệm vụ giáo dục: 'Làm việc nào làm dứt việc đó'

Một trong những nhiệm vụ giáo dục quan trọng thời gian tới là xây dựng và hoàn thiện dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Hôm nay (17/7), Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về tình hình triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 11 văn bản; ban hành theo thẩm quyền 9 Thông tư, 5 quyết định cá biệt.

Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng, hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định đối với dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non, đề nghị xây dựng Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận những kết quả đạt được của ngànhg giáo dục.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận những kết quả đạt được của ngànhg giáo dục.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 06 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp giai đoạn 2024-2030.

Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12, Bộ GDĐT đã hoàn thành thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa.

Chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 và cung ứng đầy đủ, kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2024-2025.

Một trong những nhiệm vụ đã và đang được Bộ GD&ĐT gấp rút triển khai là xây dựng và hoàn thiện dự thảo hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao đổi tại cuộc làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao đổi tại cuộc làm việc.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số văn bản trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền chậm tiến độ; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương; tình trạng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;

Đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo – tỉ lệ chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20%; việc thực hiện tự chủ đại học còn chậm, lúng túng…

Khẳng định mức độ quan tâm của xã hội, cả hệ thống chính trị với giáo dục; đồng thời chia sẻ một số khó khăn của ngành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn có được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách, giúp ban hành chính sách phù hợp, giảm được thấp nhất rủi ro trong giai đoạn chuyển đổi. Cùng với đó, quan tâm đến chính sách tài chính trong giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Theo Bộ trưởng, nếu không đầu tư kinh phí ráo riết sẽ tăng nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục vì hiện vẫn còn gần 20% trường học chưa được kiên có hóa. Các cơ sở giáo dục đại học không được quan tâm đầu tư đúng mức cũng khó có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ, sự bứt tốc của nền kinh tế…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua. Trong đó, cùng với nhận định chính sách được làm kỹ hơn, tầm nhìn xa hơn và từng bước cải thiện chất lượng; kiểm tra, đánh giá, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng thực chất hơn… Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ với khó khăn của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một lĩnh vực khó lượng hóa, trong thời gian dài mới có kết quả và luôn có khoảng cách nhất định giữa nhu cầu và khả năng.

Có những việc thống nhất được chủ trương, nhưng để đi được đến kết quả là cả một quá trình thỏa thuận, trao đổi, không thể tự quyết… Từ những nhận định chung này, Phó Thủ tướng đã có những trao đổi về cách thức để triển khai các công việc có hiệu quả, bảo đảm tính khả thi; trong đó nhấn mạnh quan điểm "làm việc nào làm dứt việc đó".

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trien-khai-nhiem-vu-giao-duc-lam-viec-nao-lam-dut-viec-do-204240717143855469.htm