Trung Quốc tăng mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á và châu Âu

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2025 đã tăng trưởng vượt kỳ vọng, chủ yếu nhờ sự gia tăng đơn hàng từ Đông Nam Á và châu Âu, phần nào bù đắp cho đà suy giảm thương mại nghiêm trọng với Mỹ.

Theo dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5, kim ngạch xuất khẩu tính theo USD trong tháng 4 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức dự báo tăng 1,9% do Reuters khảo sát. Ngược lại, nhập khẩu chỉ giảm nhẹ 0,2%, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng giảm 5,9%.

Thương mại với Mỹ tiếp tục lao dốc khi kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 21% và nhập khẩu giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các mức thuế cao kỷ lục mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng, với thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả, Bắc Kinh cũng triển khai mức thuế đối ứng 125%, dù cả hai bên đã cố gắng giảm tác động bằng cách miễn trừ một số mặt hàng thiết yếu.

Dù vậy, các thị trường Đông Nam Á và châu Âu đang nổi lên như những điểm sáng. Xuất khẩu sang ASEAN trong tháng 4 tăng mạnh 20,8% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 11,6% của tháng 3. Indonesia và Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt 37% và 28%.

Tại châu Âu, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,3%, dù nhập khẩu từ khu vực này sụt giảm 16,5%.

Ông Zhiwei Zhang - Chủ tịch kiêm Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định mức tăng mạnh trong tháng 4 có thể xuất phát từ các đơn hàng đã được ký kết trước khi các biện pháp thuế mới có hiệu lực. Ông đồng thời cảnh báo dữ liệu thương mại có thể suy yếu trong những tháng tới.

Chuyên gia Raymond Yeung, Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, cũng cho biết lưu lượng tàu container từ Trung Quốc tới Mỹ đã giảm đáng kể vào cuối tháng 4, cho thấy tác động rõ nét từ các rào cản thuế quan.

Trước bối cảnh này, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ kinh tế, bao gồm nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, áp lực vẫn rất lớn. Chỉ số sản xuất trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, đơn hàng xuất khẩu mới chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022 và tình trạng cắt giảm việc làm lan rộng.

Goldman Sachs ước tính Trung Quốc có thể mất tới 16 triệu việc làm – tương đương khoảng 2% lực lượng lao động, trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu sang Mỹ.

Giới đầu tư hiện dõi theo cuộc gặp giữa quan chức Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này. Đây được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu nhằm làm dịu căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bà Laura Wang, Chiến lược gia cổ phiếu tại Morgan Stanley, nhận định việc hạ thuế có thể mang lại động lực tích cực cho thị trường chứng khoán Trung Quốc, song lưu ý rằng quá trình đàm phán sẽ còn nhiều thách thức và kéo dài.

Thị trường tài chính Trung Quốc hiện phản ứng thận trọng. Chỉ số CSI 300 giảm nhẹ 0,23% trong phiên giao dịch cuối tuần, trong khi đồng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài ổn định ở mức 7,2483 đổi 1 USD.

Dự kiến ngày 10/5, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu lạm phát. Theo giới phân tích, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo giảm 0,1%, còn chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sơn Hải

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trung-quoc-tang-manh-xuat-khau-sang-dong-nam-a-va-chau-au-317697.html