Truyện ngắn: Trái ngọt ngày mới

Nhà của ông cháu thằng Nam nằm yên bình bên ngôi làng ven dòng sông Đuống. Xa ngút tầm mắt là màu xanh của những vườn cây trái.

Minh họa: Vietpink

Minh họa: Vietpink

Buổi họp phụ huynh của lớp 10A6 diễn ra sôi nổi. Nhiều ý kiến thảo luận được phụ huynh nhiệt tình đưa ra để đóng góp cho hoạt động giáo dục của nhà trường. Buổi họp kết thúc muộn, người cuối cùng ra về là ông của Nam, ông cụ nhỏ nhắn nhưng dáng dấp rắn rỏi và nhanh nhẹn.

- Cô giáo cho tôi hỏi cháu Nam trên lớp có hòa đồng với các bạn không?

“Hòa đồng ư?”cô Vân thắc mắc sao ông không hỏi “Cháu học thế nào?” như hầu hết các phụ huynh khác. Nghĩ vậy nhưng cô Vân vẫn nhẹ nhàng trả lời:

“Dạ, Nam hơi trầm ông ạ!”

- “Không giấu gì cô, bố mẹ cháu mới ly hôn, bây giờ cháu ở với tôi. Tôi là ông nội của cháu”. Giọng ông cụ nghèn nghẹn, mắt chớp liên tục để nén cảm xúc. Dường như, nỗi buồn chất chứa quá lớn nên chỉ một lời giãi bày về gia cảnh đã khiến ông rưng rưng.

Gần hai chục năm làm công tác chủ nhiệm ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, cô Vân từng gặp nhiều học trò có hoàn cảnh đặc biệt. Những hoàn cảnh ấy luôn khiến cô cảm thông và thấy mình cần có trách nhiệm quan tâm, chia sẻ để các em vượt lên hoàn cảnh. Nhưng lần này, đối diện cặp mắt già nua mà vẫn phải rưng rưng của ông cụ thì cô xúc động thực sự.

“Tôi đã van xin chúng nó nghĩ đến con mà chúng nó không nghe tôi cô ạ. Tôi bảo, không ở được với nhau thì cũng chờ thằng Nam thi xong kì thi chuyển cấp. Vậy mà chúng nó chỉ biết nghĩ cho bản thân. Chúng ly hôn ngay.

Ly hôn xong, mẹ đi lấy chồng, bố đi lấy vợ, cháu tôi rơi vào trầm cảm. Thế rồi, học nó còn đòi bỏ chứ nói gì đến thi chuyển cấp. Nó nói: “Đi học, gặp bạn bè thì xấu hổ”, tôi phải khuyên can mãi nó mới đồng ý nộp hồ sơ vào đây. Mong cô hiểu hoàn cảnh và động viên cháu, để cháu vượt qua cú sốc tâm lý.

Cô ơi, thà nó quậy phá để cái buồn đau phát tác ra ngoài, đằng này, nó chẳng nói chẳng rằng lúc nào cũng ủ rũ, tôi lo quá. Trông thấy cháu như thế, tôi xót ruột xót gan lắm” - Ông cụ nói một hơi dài, giọng có vẻ như phải gắng sức.

Trước lời tâm sự đầy bất lực về gia cảnh của ông, cô Vân tìm lời động viên an ủi và hứa sẽ quan tâm đến nó. Nhìn theo bóng dáng nhỏ thó của ông cụ trong nắng hanh hao mà lòng cô Vân trĩu nặng. Cô chưa biết chữa lành cú sốc tinh thần cho cậu học trò đáng thương như thế nào nhưng với trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm cô sẽ làm hết khả năng.

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Buổi học đầu tiên sau hôm họp phụ huynh, cô Vân điểm danh thiếu Nam. Vậy là kế hoạch gặp học trò này của cô không thành. Giờ ra chơi, cô lấy điện thoại gọi cho ông của Nam, hỏi lý do nó không đến lớp. Đầu dây bên kia giọng ông cụ có vẻ mệt mỏi: “Cháu vẫn có ý bỏ học. Tôi khuyên nó từ sáng cô ạ”.

- Ông cho cháu gặp em Nam. “Alo Nam à, hôm nay em mệt hả? Ừ, mệt thì nghỉ”.

- Em… không ạ?

- Không hả? Không ốm là tốt rồi.

- Im lặng…

- Cô có việc nhờ em đây. Tiết Văn tuần sau cô muốn có một bức vẽ minh họa cho bài giảng “Thần trụ trời”. Cô thấy điểm mạnh của em là vẽ vì vậy em giúp cô nhé. Em đọc kĩ văn bản và vẽ vị thần này theo trí tưởng tượng của mình. Nói rồi cô Vân kết thúc cuộc gọi thật nhanh như thể mình đang rất bận, cô cố ý không cho Nam cơ hội từ chối.

Thực ra, cô Vân cũng chỉ mới nghĩ ra nhờ Nam vẽ minh họa cho bài giảng khi nghe ông Nam nói nó có ý định bỏ học. Nam vẽ rất đẹp, từng đạt nhiều giải trong các cuộc thi ở trường cấp hai. Hồ sơ của nó vẫn kẹp nguyên những tờ chứng nhận ấy. Cô Vân nảy ra ý nghĩ nhờ Nam vẽ để kéo chân nó đến lớp. Cô tin ngày mai nó sẽ đến.

Đúng như suy đoán của cô Vân, hôm sau Nam đến lớp rất sớm. Cô đưa quyển sách Ngữ văn 10 đã mở sẵn và một vài tài liệu tham khảo liên quan đến văn bản “Thần trụ trời” để nó đọc, lên ý tưởng vẽ tranh.

Cô nhấn mạnh: “Em cố gắng thể hiện được đặc trưng nhân vật thần thoại trong bức vẽ nhé”. Nam ngập ngừng, vừa nói được câu “thưa cô…” thì cô Vân đã xen ngang: “Tiết dạy này có thầy cô trong tổ bộ môn dự giờ lớp mình. Em chuẩn bị cho tốt. Màu, giấy cần gì em cứ chủ động mua giúp lớp. Đây cũng là nhiệm vụ của cả tập thể, các em cùng bạn Nam hoàn thành nhé”.

Cô Vân cố ý nhấn mạnh vào chữ “tập thể” và mức độ quan trọng của nhiệm vụ. Nói rồi, cô Vân kết thúc cuộc trao đổi mà không đả động gì đến việc nghỉ học của Nam.

Hôm sau, hôm sau nữa Nam đi học bình thường. Cô Vân ngầm quan sát từ hôm cô giao việc vẽ tranh thì trong những giờ ra chơi nó không ngồi xo ro một mình nữa mà cặm cụi vẽ. Bọn học sinh trong lớp thì xúm lại ngắm nghía, xuýt xoa khen vẽ đẹp. Đứa đưa cục tẩy, đứa tìm màu, vài ba đứa khác được nó chỉ định tô nền cho bức tranh thì đang chúi đầu kì cụi. Nhìn cảnh đó, cô Vân thấy khấp khởi trong lòng.

“Thứ tư em trống tiết nhỉ?” Trong phòng Hội đồng cô Vân hỏi một đồng nghiệp trẻ.

- Vâng. Có chuyện gì vậy chị?

- Chị nhờ em lên lớp dự giờ giảng của chị.

“Được thế thì tốt quá ạ, để em học hỏi kinh nghiệm”. Đồng nghiệp trẻ vừa ngạc nhiên vừa vui mà không hề biết cô Vân làm điều này vì Nam. Cô phải tìm cách khai thác điểm mạnh của Nam, phải để nó phát huy niềm đam mê vẽ và từ đó nó sẽ hòa đồng với các bạn mà nguôi đi nỗi buồn gia cảnh. Muốn vậy, cô phải thiết kế một tiết học có người dự để làm tăng tính nghiêm túc và chỉn chu trong việc chuẩn bị bài của học trò.

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Tiết Ngữ văn hôm ấy không chỉ có mình cô đồng nghiệp trẻ mà còn vài giáo viên khác cùng chuyên môn cũng dự giờ để trao đổi phương pháp dạy học chương trình mới. Một tiết thao giảng hoàn toàn không có trong kế hoạch của tổ bộ môn nhưng để lại ấn tượng sâu sắc.

Mà ấn tượng nhất là bức tranh vẽ nhân vật Thần trụ trời của Nam. Nhìn vào bức vẽ, nghe cách nó thuyết trình sau khi cô Vân đặt câu hỏi: “Hãy vẽ hoặc miêu tả bằng lời về hình ảnh Thần trụ trời theo hình dung và tưởng tượng của em?” thì cả lớp đã thực sự khâm phục.

Trên bục giảng, Nam dõng dạc thuyết trình: “Trong không gian vũ trụ nguyên sơ ở thời gian quá khứ không xác định, Thần trụ trời xuất hiện to lớn, lấy đất, đá đắp thành cột chống phân tách cõi trời và cõi đất…”. Bức tranh được Nam khéo léo phối màu, chia các mảng sáng, tối thể hiện rõ các chuỗi sự kiện trong tác phẩm. Nam kết thúc phần thuyết trình trong tiếng vỗ tay rào rào của cả lớp. Nhưng hành động khiến cô Vân hài lòng nhất là khi Nam gọi tên tất cả những đứa bạn đã cùng nó góp sức hoàn thành bức vẽ bước lên. Nó nói: “Đây là sản phẩm chung của lớp em, chúng em là những người đại diện thực hiện”. Nhìn hành động này của Nam, không ai nghĩ chỉ mới tuần trước, nó có ý định bỏ học vì mặc cảm gia cảnh mà không thể hòa đồng với các bạn trong lớp.

Tiết dự giờ ngày hôm ấy tạo động lực cho lớp 10A6 có được tinh thần học tập sôi nổi. Trong chuỗi hoạt động thi đua chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của nhà trường, có nhiều thầy cô chọn hội giảng ở lớp 10A6. Các tiết học của lớp đều được thầy cô khen ngợi và Nam luôn có tên trong nhóm học tập tích cực.

Ngoài kia, gió vẫn se lạnh nhưng lòng Nam thì ấm trở lại. Cái ấm tỏa ra từ sự gắn kết, yêu thương của bạn bè và thầy cô dành cho nó. Nam dần chấp nhận hoàn cảnh. Nó hiểu gia đình nó đã sang một trang mới. Nó cần mạnh mẽ vượt qua vì nếu mãi đắm chìm trong mặc cảm thì người khổ sở nhất sẽ là ông nội nó. Nam có được suy nghĩ như vậy là từ những tiết học thấm đẫm tình người và đầy lạc quan của cô Vân. Có lúc, cô giảng bài mà nó cứ ngỡ cô nói cho nó nghe, cô phân tích cho nó hiểu. Và quả thật nó đã hiểu bố mẹ nó cũng chẳng sung sướng gì với cảnh đổ vỡ hôn nhân. Có lẽ, bố mẹ nó đã “hết duyên, hết nợ” với nhau. Nam không còn trầm cảm, thậm chí bây giờ còn biết động viên bố mẹ hãy sống thật vui vẻ.

Về phía ông nội Nam, sau khi giãi bày với cô Vân ở buổi họp phụ huynh, ông chỉ thấy cô gọi duy nhất một lần vào cái hôm thằng Nam nghỉ học. Không biết cô Vân nói gì với cháu ông mà tuyệt nhiên không lần nào Nam nhắc đến việc nghỉ học nữa.

Nó còn khuyên ông đừng trách bố mẹ nó và hãy hiểu cho nỗi khổ tâm của cả hai người. Nó bảo rằng: “Ai chả muốn một gia đình yên ấm nhưng họ hết duyên, hết nợ nên đành lỡ dở ”. Ông nghe thằng cháu nói mà ngạc nhiên hết sức. (Ông đâu biết những từ “hết duyên”, “ hết nợ”, “lỡ dở” trong tình yêu, hôn nhân Nam mới thấm nhuần từ những giờ học của cô Vân).

Ban đầu, ông tưởng tai mình nghễnh ngãng mà nghe nhầm. Nhưng nhìn cái vẻ nhanh nhẹn, tươi vui của nó thì ông biết ông không nhầm. Nam đã lấy lại được tinh thần, vượt qua được cú sốc tâm lý. Thấy vậy, tự nhiên hai kẽ mắt nhăn nheo của ông, giọt lệ đùng đục ứa ra. Sao thế, ông khóc ư? Đôi bàn tay già nua của ông đưa lên quệt ngang giọt nước mắt. Ông đâu phải là người ủy mị. Ông từng kinh qua trận mạc chứng kiến giây phút hi sinh của đồng đội, từng cắn răng chịu đựng thương tật của bản thân, những lần ấy, ông luôn nuốt ngược nước mắt vào trong chứ chưa một lần rơi lệ. Vậy mà ông lại dễ dàng khóc khi thấy sự hồi sinh của cháu ông. Giọt nước mắt lăn ra tự nhiên, nhẹ nhàng như được giải tỏa, như vứt bỏ được khối đá đè nặng tâm can ông.

Cháu ông đã biết suy nghĩ, đã trưởng thành. Ông tin khi nó đối mặt được với biến cố gia đình thì sẽ đối mặt được với những biến cố khác trong cuộc sống. Nghĩ vậy, ông cảm thấy yên tâm. Gần đất xa trời, ông chẳng sống với nó được lâu nữa.

Nhà của ông cháu thằng Nam nằm yên bình bên ngôi làng ven dòng sông Đuống. Xa ngút tầm mắt là màu xanh của những vườn cây trái. Vườn táo nhà ông cháu thằng Nam không rộng nhưng luôn trĩu cành. "Đã đến ngày thu hoạch quả, phải đem tới tặng cô Vân để thể hiện lòng biết ơn với cô giáo chứ. Chính cô đã đem lại trái ngọt cho ngôi nhà của hai ông cháu mà”, ông nghĩ vậy,

Sáng hôm ấy, phía cổng của ngôi trường nằm ở trung tâm thành phố, hình ảnh một ông lão dáng vẻ còn nhanh nhẹn đem theo rổ táo xanh mát tới tặng cô Vân làm quà đã trở thành khoảnh khắc lạ và đặc biệt trong mắt nhiều người. Duy chỉ có ba người hiểu được tấm chân tình trong món quà đặc biệt là: Ông lão, cô Vân và Nam. Tấm chân tình ấy được cô Vân chia đều cho hết thảy giáo viên trong trường, ai cũng vui vẻ thưởng thức và tấm tắc khen trái mùa này ngọt quá.

Vũ Thị Huế (Giáo viên Trung tâm GDTX tỉnh Bắc Ninh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-trai-ngot-ngay-moi-post718696.html