Từ điệp viên A10 đến bác sĩ thầm lặng cứu những phận người lầm lỡ

Từng là điệp viên A10 gan dạ, nay là bác sĩ mang biệt danh 'bố già', ông Nguyễn Hữu Khánh Duy thầm lặng cứu, chữa lành những phận đời lầm lỡ vì ma túy.

Trong khuôn viên Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), người đàn ông tóc muối tiêu, lưng hơi còng, đôi mắt nheo nheo chăm chú dõi theo từng ô hình trên màn hình camera giám sát theo dõi những bệnh nhân.

Đó là bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, 76 tuổi - cựu điệp viên A10 năm xưa.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, 76 tuổi - cựu điệp viên A10 dõi theo từng cử động nhỏ của các học viên qua màn hình camera.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, 76 tuổi - cựu điệp viên A10 dõi theo từng cử động nhỏ của các học viên qua màn hình camera.

Đau đáu với những bệnh nhân khác biệt

Cánh cửa bật mở, một giọng gấp gáp vang lên: "Bác Duy ơi, có ca cấp cứu!". Người đàn ông 76 tuổi đứng bật dậy, sải bước nhanh về phía phòng bệnh. Bên trong, một bệnh nhân điều trị tại Trung tâm cai nghiện Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đang vật vã trên giường.

30 phút sau, ông trở ra, khuôn mặt tươi cười: "Con bé tăng huyết áp, có tiền sử tim mạch, giờ ổn rồi". Ông nhẹ nhàng kể, như thể những ca cấp cứu thế này đã trở thành một phần quen thuộc của cuộc sống thường nhật.

23 năm qua, vị bác sĩ già đã cưu mang, chữa trị cho hàng nghìn thanh niên sa chân vào ma túy, trở thành "bố già" của những phận người lầm lỡ. Ít ai biết, động lực thôi thúc ông gắn bó với hành trình này lại bắt nguồn từ nỗi ám ảnh thời chiến.

Sinh ra ở Nghệ An, lớn lên tại miền Nam, chàng trai Khánh Duy của những năm đầu thập niên 60 từng là thủ lĩnh sinh viên chống chính quyền Sài Gòn. Năm 1973, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn, gia nhập Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định với mật danh "Năm Quang", giữ vai trò Cụm Phó điệp báo A10.

Theo chỉ đạo của đồng chí Mười Hương, ông nhập ngũ quân đội Sài Gòn, giữ chức Bác sĩ Trưởng quân y Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ, một vỏ bọc hoàn hảo để hoạt động nội thành.

Bác sĩ Duy đang cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Duy đang cấp cứu cho bệnh nhân.

Đời người chiến sĩ tình báo đơn tuyến, hoạt động trong lòng địch, bác sĩ Duy hiểu rõ cuộc sống của người lính. Một số người sử dụng chất gây nghiện như "thần dược" để quên đi sự cô đơn, nỗi sợ hãi nơi chiến trường.

"Khi đó, nhân cách của người lính trở nên hung tợn và tàn ác. Chứng kiến cảnh dân thường vô tội chết trước họng súng của địch đang phê thuốc khiến tôi căm thù ma túy”, ông nói và tự hứa sẽ chống lại "cái chết trắng" ấy đến tận cùng.

Sau ngày giải phóng, trở lại với tên thật Khánh Duy, ông tiếp tục công tác trong ngành an ninh, rồi trở thành bác sĩ trưởng Trại giam Chí Hòa. 9 năm gắn bó nơi ấy, đối diện với hàng trăm phạm nhân nghiện ngập, rồi dự hàng trăm phiên tòa liên quan đến ma túy trên cương vị hội thẩm nhân dân, ông mới thực sự thấm thía: "Ma túy chính là kẻ thù mới, nguy hiểm hơn cả tiếng súng chiến tranh".

"Bố già" của những đứa con lạc lối

Cuối năm 1999, khi mới 52 tuổi, ông xin nghỉ hưu, cùng đồng đội lập nên Trung tâm cai nghiện Thanh Đa - nơi ông gọi là "mái nhà của những đứa con lạc lối".

Ông áp dụng kỷ luật quân đội vào quá trình điều trị: dậy sớm, tập thể dục, dọn dẹp, học tập, lao động đúng giờ. Bởi ông tin, kỷ luật sẽ gieo mầm cho những thói quen lành mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy.

Tuy nhiên, hành trình ấy không dễ dàng. Năm năm đầu, trung tâm chỉ lèo tèo 15 - 20 học viên mà ông và các đồng đội không quản nổi. Các học viên lên cơn chửi bới, đánh nhau, thậm chí có đồng nghiệp của ông vì sợ hãi đã xin nghỉ việc.

Không nản, ông miệt mài lặn lội, tìm tài liệu, tham dự các hội thảo, gặp chuyên gia nước ngoài học hỏi. Những kiến thức y khoa và tinh thần kiên trì từ thời làm tình báo giúp ông nhanh chóng tổng hợp được một giáo trình cai nghiện hoàn chỉnh.

Từ vài chục học viên ban đầu, đến nay trung tâm đã tiếp nhận hơn 20.000 người. Những vụ xô xát gần như không còn.

Ông vẫn nhớ như in cô bé Trinh, mồ côi cha mẹ, nghiện bóng cười từ thuở chưa tròn 18. Ngày mới nhập trung tâm, Trinh luôn chống đối, đập phá mỗi khi lên cơn. Thương con, ông lân la trò chuyện, nhờ cán bộ theo sát từng bước.

Hơn một năm sau, Trinh hồi phục. Trước khi rời trung tâm, cô bé rưng rưng xin ở lại phụ giúp "bố". Nhưng ông lắc đầu: "Hãy quên nơi này, quên ký ức cũ. Hồi tưởng đối với người nghiện rất nguy hiểm".

Hay như Sơn, một "cậu con" đã vào trung tâm gần chục lần vì tái nghiện, gọi ông bằng cái tên trìu mến: "Ông ngoại". Sơn kể, mỗi lần có xô xát, "ông ngoại" dù già yếu vẫn lao vào can ngăn: "Ông ngoại khó tính lắm nhưng thương tụi con hết lòng".

Giờ đây, trung tâm Thanh Đa không khác gì khu nghỉ dưỡng sinh thái. Những dãy nhà chìm trong bóng cây xanh mát, hồ bơi trong veo, phòng chiếu phim, phòng karaoke, sân bóng bàn... đều phục vụ liệu pháp phục hồi tâm lý cho học viên.

Các bệnh nhân được đọc sách để giải trí.

Các bệnh nhân được đọc sách để giải trí.

Ở tuổi 76, bác sĩ Duy vẫn cần mẫn với công việc, miệt mài như thuở nào làm nhiệm vụ giữa lòng địch. Ông thường chỉ trở về nhà sau khi những "đứa con" đã vào giấc ngủ, rồi trở lại trung tâm khi chúng còn ngái ngủ.

Đêm đêm, hệ thống camera tại nhà ông vẫn sáng đèn, dõi theo từng hơi thở của những mảnh đời đang nỗ lực tìm lại chính mình.

"Bởi vì chỉ cần một phút sơ sẩy thôi, tụi nhỏ có thể ngã xuống lần nữa", ông nói.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tu-diep-vien-a10-den-bac-si-tham-lang-cuu-nhung-phan-nguoi-lam-lo-ar940630.html