Từ những chuyến thị sát của Thủ tướng

Cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ thị sát và đôn đốc tiến độ các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận…

Thủ tướng động viên công nhân trên công trường dự án thành phần 3 cao tốc trục ngang qua Hậu Giang. Ảnh: Lê An.

Thủ tướng động viên công nhân trên công trường dự án thành phần 3 cao tốc trục ngang qua Hậu Giang. Ảnh: Lê An.

Đây là một hình ảnh quen thuộc và có tính động viên rất lớn với hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân đang ngày đêm lao động miệt mài ở các công trường giao thông.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan di chuyển như con thoi. Trong chuyến đi, Thủ tướng lắng nghe và quan sát rất kỹ.

Để rồi sau đó, những khó khăn, vướng mắc đã được ông trực tiếp tháo gỡ ngay tại hiện trường, gợi mở nhiều giải pháp quan trọng.

Tại cuộc làm việc ngày 13/7, khi nghe Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề xuất tăng thời gian khai thác ở các mỏ cát trên sông từ 7h - 19h (quy định là 7h – 17h) để đảm bảo công suất phục vụ cho công trường (cần 70.000 – 80.000m3 cát/ngày, trong khi năng lực khai thác đáp ứng chưa đạt 50%), Thủ tướng nói ngay: "Sẽ xem xét để có thể cho thêm thời gian khai thác, bảo đảm cát cho công trường, không nhất thiết ở khung 19h".

Với tình trạng khan hiếm cát và đá ở các dự án khu vực miền Tây, Thủ tướng thấu hiểu và chia sẻ. Ông giao các ban quản lý dự án làm việc sâu sát với địa phương, hợp tác chặt chẽ.

"Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ làm ngay", ông nói.

Thủ tướng nhấn mạnh không đưa thông tin sai lệch chủ trương của Chính phủ về cát biển. Thủ tướng đề nghị các tỉnh miền Đông với lợi thế có nhiều mỏ đá, cần chia sẻ với miền Tây để được cung ứng cát.

Theo ông, mỗi địa phương đều có thế mạnh và cần chia sẻ với địa phương khác, sao cho mọi việc cùng tốt lên.

Làm việc với các tỉnh, ông quan tâm tới các nút giao nối từ cao tốc ra khu dân cư, "không để tình trạng làm xong cao tốc rồi phải mở thêm nút giao rất tốn kém như vừa rồi ở một số nơi".

Thủ tướng kêu gọi và đề cao quyết tâm các tỉnh thành ĐBSCL phải hoàn thành 600km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này; thêm 600km giai đoạn tiếp theo.

Đó cũng là mong mỏi của 20 triệu dân vựa lúa, vựa cây trái và cá tôm miền Tây bao đời nay.

Có thể nói, Thủ tướng Phạm Minh Chính là người đi rất nhiều các dự án giao thông trọng điểm của đất nước. Ông đi để nắm bắt được thực tế, để gỡ vướng.

Khó có thể kể hết được các chuyến đi của người đứng đầu Chính phủ. Thời gian có thể là cuối tuần, có thể là ngày lễ, Tết và thậm chí xuyên Tết, xuyên đất nước.

Tới đâu, ông cũng lắng nghe vào tháo gỡ kịp thời các khó khăn, chỉ đạo những giải pháp cụ thể, từ đó rất nhiều nút thắt đã được gỡ.

Nhờ vậy, tiến độ và chất lượng các dự án được đảm bảo, nhiều dự án về đích trước thời hạn nhiều tháng.

Đến nay, toàn bộ 11 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 653km đã được đưa vào khai thác, nâng tổng số kilomet cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km.

Kết quả đó có được là do nhiều nguyên nhân, song chắc chắn tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" mà Thủ tướng rất nhiều lần quán triệt đã lan tỏa tới từng cán bộ, kỹ sư, người lao động.

"Chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "thi công 3 ca, 4 kíp"… giờ đây không chỉ còn là phương châm của riêng ngành giao thông, mà đã thực sự lan tỏa rộng khắp.

Dù còn nhiều khó khăn, song với những gì đã làm được, có thể nói mục tiêu 3.000km cao tốc vào năm 2025 không còn xa nữa.

Đặng Đại

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-nhung-chuyen-thi-sat-cua-thu-tuong-192240716002341495.htm