Tư vấn học đường không thể tách rời xu hướng chuyển đổi số
Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học.

Phòng tham vấn học đường tại Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Khẳng định sự cần thiết ban hành quy định này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đồng thời góp ý hoàn thiện Thông tư này dưới góc độ chuyên gia.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
- Ông nhìn nhận thế nào về sự cần thiết ban hành mới quy định về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học?
- Việc ban hành quy định mới về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học rất cần thiết vì Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học đã áp dụng được 6 - 7 năm và bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.
Trong bối cảnh hiện tại, tinh gọn bộ máy, chúng ta cũng cần tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; qua đó tăng cường hiệu năng hiệu quả của các văn bản chỉ đạo, góp phần xây dựng trường học an toàn, lành mạnh hướng tới trường học hạnh phúc.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập. Thông tư này có đề cập đến vị trí tư vấn học sinh nhưng chưa cụ thể. Chúng ta cần có văn bản quy phạm pháp luật để làm rõ hơn về vị trí việc làm, chức trách nhiệm vụ của vị trí này.
- Dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học có những điểm mới nào đáng chú ý?
- Dự thảo Thông tư đã quy định chi tiết hơn, tránh trùng lặp về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức, hoạt động của công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội.
Dự thảo cũng quy định rõ về nội hàm của công tác tư vấn học sinh, từ phòng ngừa, can thiệp đến hỗ trợ một cách hệ thống đối với các vấn đề khó khăn của người học (không chỉ khó khăn về tâm lý), gồm: Thực hiện các hoạt động tư vấn về học tập; hỗ trợ về sức khỏe thể chất, giới, quan hệ xã hội; hỗ trợ về tâm lý, kỹ năng sống; tư vấn các vấn đề hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm. Vị trí này cũng sẽ làm nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ về chính sách pháp luật cho học sinh, tư vấn hỗ trợ các dịch vụ về công tác xã hội và nội dung tư vấn khác (được nêu cụ thể từ Điều 5 đến Điều 12 của dự thảo).
Dự thảo đồng thời tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội cho người học; từ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, kiểm tra giám sát và tổng kết đánh giá hiệu quả của công tác này. Quy định rõ có 2 hình thức triển khai là trực tiếp và trực tuyến; nêu rõ trách nhiệm của các bên, như UBND các cấp, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, người đứng đầu các cơ sở giáo dục…
Có thể nói, dự thảo Thông tư đã tạo khung pháp lý để phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức phụ trách tư vấn tâm lý, công tác xã hội học đường cho tương lai.

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC
Nhận diện khó khăn
- Ông có thể chỉ ra một số khó khăn khi Thông tư triển khai trong thực tiễn để sớm có giải pháp khắc phục?
- Khó khăn đầu tiên, theo tôi là thiếu nguồn lực để triển khai. Thứ hai là nhân sự chuyên trách. Để có thể thực hiện được các hoạt động tư vấn về học tập, hỗ trợ về sức khỏe thể chất, giới, quan hệ xã hội, hỗ trợ về tâm lý, kỹ năng sống; tư vấn các vấn đề hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm, công tác xã hội và các tư vấn khác thì giáo viên kiêm nhiệm khó có thể làm được. Trong thời gian qua, mặc dù chúng ta triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng cho đội ngũ này, nhưng phải thừa nhận chưa thực sự hiệu quả, năng lực cán bộ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu công việc khiến cho hiệu quả của mảng công tác này còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, nhận thức của nhà trường, phụ huynh, học sinh về vai trò của công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội học đường chưa đầy đủ. Vẫn còn nhiều cách hiểu sai lầm khi cho rằng đây chỉ là hoạt động cung cấp thông tin mà bất kỳ ai trong trường cũng có thể làm được. Hơn nữa, chúng ta thiếu hệ thống quy chuẩn về năng lực nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, còn nhiều tranh cãi về bằng cấp của vị trí việc làm này dẫn đến xã hội, gia đình và phụ huynh thiếu tin tưởng vào đội ngũ nhân lực.
Cụ thể, Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT ngày 18/9/2024 yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành Tâm lý học, Công tác xã hội, Xã hội học, Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học và hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.
Tuy nhiên trên thực tế, những cử nhân tốt nghiệp ngành Tâm lý học (theo định hướng tâm lý học giáo dục) hoặc các ngành Đào tạo giáo viên chỉ có thế mạnh về hỗ trợ học tập, giáo dục kỹ năng sống. Những cử nhân tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Xã hội học chỉ có thể hỗ trợ các dịch vụ công tác xã hội, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, các mối quan hệ xã hội.
Họ sẽ hạn chế trong năng lực hỗ trợ các vấn đề hành vi cảm xúc, cũng sẽ không am hiểu để hỗ trợ hướng nghiệp, khởi nghiệp. Những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cũng không thể thay thế được việc rèn luyện trong một chương trình đại học tổng thể.
Trong khi đó, một chương trình đào tạo cử nhân Tham vấn học đường tại Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) được thiết kế trang bị các năng lực tham vấn hỗ trợ học đường theo 3 hướng chính là tham vấn học tập và kỹ năng sống; tham vấn sức khỏe tâm thần; tham vấn hướng nghiệp thì lại không được nêu rõ trong Thông tư 11.

Học sinh Phenikaa School. Ảnh: NTCC
Cần thể hiện tinh thần chuyển đổi số mạnh mẽ
- Từ những nhìn nhận trên, cùng nghiên cứu dự thảo Thông tư, ông có góp ý gì để hoàn thiện quy định mới về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học?
- Mục tiêu của công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học là bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội của người học. Do đó, không thể quy định bằng cấp tốt nghiệp ngành nào mà cần cụ thể hóa tiêu chuẩn năng lực chuyên môn và yêu cầu cụ thể trong chương trình học.
Theo đó, phải có các học phần tương ứng để đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ từ tư vấn về học tập; hỗ trợ về sức khỏe thể chất, giới, quan hệ xã hội; hỗ trợ về tâm lý, kỹ năng sống; tư vấn các vấn đề hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm, hỗ trợ về chính sách pháp luật cho học sinh, hỗ trợ các dịch vụ về công tác xã hội và các nội dung tư vấn khác.
Như vậy, trong chương trình đào tạo của vị trí việc làm này yêu cầu ít nhất phải có các học phần trang bị kiến thức và năng lực về sự phát triển tâm lý bình thường theo độ tuổi và vấn đề bất thường tâm lý; năng lực về đánh giá (sử dụng công cụ đánh giá năng lực học tập, trí tuệ; đánh giá vấn đề hành vi cảm xúc; đánh giá nhân cách và thiên hướng nghề nghiệp…).
Cùng đó là năng lực về tham vấn hỗ trợ (kỹ năng tham vấn tâm lý; học tập, hướng nghiệp; các hình thức tham vấn cá nhân, nhóm, gia đình); năng lực thiết kế và triển khai các chương trình giáo dục (năng lực tập huấn kỹ năng sống); năng lực nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các chương trình giáo dục nhận thức (như nhận thức pháp luật) và giáo dục phòng ngừa (như giáo dục phòng ngừa về ma túy; sức khỏe sinh sản). Ngoài ra còn có các năng lực công tác xã hội học đường, năng lực kết nối nguồn lực, điều hành và quản lý chuyên môn.
Thông tư cũng cần quy định về trách nhiệm của những nhân viên tư vấn tâm lý và công tác xã hội học đường. Theo đó, phải cập nhật chuyên môn thường xuyên với khối lượng tối thiểu hằng năm trên các lĩnh vực cụ thể như năng lực đánh giá, can thiệp hỗ trợ, giáo dục phòng ngừa, thiết kế và đánh giá hiệu quả của các chương trình/ mô hình tâm lý và công tác xã hội học đường.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) tự định hướng, AI agent (trợ lý AI) đang phát triển thần kỳ, cần nghiên cứu tận dụng các trợ lý AI để thực hiện nhiều nhiệm vụ của nhân viên tư vấn tâm lý. Ví dụ như tư vấn cách xây dựng kế hoạch học tập, quản lý thời gian học tập; cung cấp các kiến thức liên quan đến sức khỏe thể chất, sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi, tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình, hay tư vấn hỗ trợ về thông tin chính sách, pháp luật.
Trên thực tế, nhiều nội dung được nêu trong dự thảo Thông tư thì AI agent đã thực hiện tốt. Thậm chí có những ứng dụng AI nhập vai nhà tâm lý, được huấn luyện bằng tri thức của nhà tâm lý để tư vấn hỗ trợ tâm lý và các vấn đề công tác xã hội học đường rất tốt.
Tôi cũng cho rằng nội dung của dự thảo Thông tư quá mang tính chất hành chính và giấy tờ, với nhiều quy trình, tổ/bộ phận và chưa thực sự thể hiện tinh thần chuyển đổi số mạnh mẽ của giáo dục hiện nay. Điều 20 về thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin vẫn sử dụng hòm thư góp ý là không phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, cần ứng dụng AI và khoa học dữ liệu để thiết lập hệ thống tiếp nhận thông tin, sàng lọc, phân loại và thậm chí định hướng cho công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội học đường cá nhân hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, việc bắt buộc thiết lập một phòng tư vấn học đường vật lý, hoạt động giờ hành chính cũng không thực sự linh hoạt và phù hợp. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một không gian tham vấn ảo, sẽ đảm bảo tính riêng tư, yên tĩnh và có thể tiếp cận bất cứ khi nào người học cảm thấy thoải mái và thuận tiện nhất.
Tất nhiên, trong bối cảnh đâu đâu cũng muốn tận dụng công nghệ và AI để tăng hiệu suất, chúng ta ngày càng cần những nhân viên tư vấn mang tính chất con người hơn. Nhà tâm lý học đường vẫn có chỗ đứng và khó có thể thay thế, nhưng họ cần sự chuyên nghiệp; được đào tạo bài bản và có sự chung tay của gia đình cũng như toàn xã hội để hoàn thành chức trách được giao.
- Xin cảm ơn ông!
Dự thảo Thông tư quy định về nội dung, quy trình, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học. Dự thảo được Bộ GD&ĐT công khai trên Cổng thông tin điện tử, lấy ý kiến góp ý đến 26/5/2025.