Ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu lớn để phát triển cà phê bền vững
Mặc dù các giải pháp canh tác cà phê thông minh đã được áp dụng ở Tây Nguyên nói chung và huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, song quy mô còn nhỏ lẻ chưa tạo được sự thay đổi mang tính đột phá và mức độ áp dụng còn thấp và thiếu đồng bộ để tạo được giá trị gia tăng cho ngành hàng.
Phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết
Huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk là vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú; có thế mạnh phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Ea H’leo có hơn 25.000 ha cà phê, sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm, đóng vai trò kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, địa phương đang đối mặt nhiều thách thức như: cây trồng thoái hóa, biến đổi khí hậu, giá cả biến động, chế biến sâu hạn chế, chuỗi giá trị rời rạc, thiếu liên kết và áp lực cạnh tranh quốc tế lớn.
Tại hội thảo “Phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện Ea H’leo” do UBND huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk chủ trì, phối hợp với Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 9/5, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Y Thắng Êban nhấn mạnh, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động giá cả thị trường, cũng như yêu cầu ngày càng cao từ chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển cà phê theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết. Điều này đòi hỏi sự đổi mới từ khâu canh tác, thu hoạch, chế biến, đến bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Y Thắng Êban phát biểu khai mạc hội thảo.
Ông Bùi Đức Thiện - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, để nhiệm vụ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Ea H’Leo nói riêng tiếp tục đạt hiệu quả, cấp địa phương cần tiếp tục phối hợp cấp tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến cà phê gắn với tiêu thụ ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước.
Cần giải pháp đồng bộ
Chia sẻ giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng cà phê Ea H’Leo, thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Phạm Anh Cường - Phòng nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, doanh nghiệp chú trọng nâng cao nhận thức nông dân trong vấn đề áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác sử dụng phân bón một cách thông minh. Tiếp tục có nhiều nghiên cứu để hoàn thiện quy trình phù hợp với tập quán canh tác của người dân. Đưa ra các loại phân bón NPK chuyên dùng cho từng loại cây, thích ứng với biến đổi khí hậu, giá cả hợp lý phù hợp với điều kiện của người dân tại địa phương…

Ông Phạm Anh Cường - Phòng nghiên cứu phát triển Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền.
Theo ông Trương Hồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, thành viên Hội đồng khoa học Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, để thích ứng với biến đổi khí hậu và sự thay đổi về thị trường, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã bước đầu áp dụng các giải pháp SCF. Một số mô hình SCF đã được triển khai bước đầu thành công ở Tây Nguyên. Các mô hình này chủ yếu được hỗ trợ bởi các tổ chức quốc tế, các công ty công nghệ và các cơ quan nhà nước/Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Các hợp tác xã cà phê cũng đã bắt đầu ứng dụng AI, công nghệ blockchain vào phân tích dữ liệu lớn để truy xuất nguồn gốc, dự đoán giá cả và xu hướng tiêu thụ cà phê, từ đó giúp nông dân định hướng sản xuất và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Một số nông dân tại Đắk Lắk, Gia Lai đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống tưới và sử dụng cảm biến để theo dõi độ ẩm của đất (IoT). Nhờ vào việc giảm bớt tưới nước, sản lượng cà phê của họ không những được cải thiện mà còn bảo vệ nguồn nước ngầm trong khu vực, hiệu quả kinh tế tăng.

Đông đảo bà con nông dân trên địa bàn huyện Ea H’Leo đến tham dự hội thảo.
"Mặc dù các giải pháp canh tác cà phê thông minh đã được áp dụng ở Tây Nguyên song quy mô còn nhỏ lẻ chưa tạo được sự thay đổi mang tính đột phá và mức độ áp dụng còn thấp và thiếu đồng bộ để tạo được giá trị gia tăng cho ngành hàng. Để ngành cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững, việc đầu tư vào SCF là một hướng đi cần được đẩy mạnh và nhân rộng trong tương lai. Đây là cuộc cách mạng xanh trong ngành cà phê”, ông Trương Hồng đề xuất.
Tại hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp, nhà khoa học có chung quan điểm, muốn phát triển cây cà phê ở Ea H’Leo bền vững cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy vậy, nếu chỉ để các hộ nông dân, doanh nghiệp tự thân vận động thì rất khó khăn, mà đòi hỏi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ phát triển, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ hội thảo, bà con nông dân huyện Ea H’leo đã được lắng nghe một số tham luận của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các cấp hội nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê liên quan đến cà phê. Đồng thời cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến phát triển cà phê bền vững ở huyện Ea H'Leo trong giai đoạn mới...