Vai trò của Phật giáo trong việc xây dựng quốc gia Đại Việt thời Lý - Trần

Phật giáo một mặt thẩm thấu trong đời sống của người dân Việt, mặt khác được giai cấp cầm quyền coi như một hệ tư tưởng chủ đạo.

Mở đầu

Từ buổi đầu du nhập Phật giáo đã sớm hòa mình vào trong tín ngưỡng văn hóa bản địa và bén rễ sâu vào trong đời sống xã hội, gắn bó với dân tộc.

Phật giáo với tư cách là một tôn giáo, đã không ngừng đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước với sự ra đời của những vị anh hùng lỗi lạc, những vị thiền sư tài ba. Từ thời Đinh - Lê - Lý - Trần, Phật giáo đã dần dần trở thành tư tưởng chủ đạo của nền văn hóa dân tộc, đặt biệt Phật giáo dưới thời nhà Lý - Trần được coi là vàng son khi mà vị vua mở nghiệp nhà Lý xuất thân từ chốn Thiền gia, lớn lên bằng sự giáo dưỡng của giáo lý nhà Phật. Ông đã biến Kinh thành Thăng Long tráng lệ, thành trung tâm của Phật giáo làm cho nơi đây một thời đã từng là nơi quy tụ của rất nhiều vị thiền sư lỗi lạc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Không Lộ, Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Mãn Giác, họ không chỉ giỏi về phương diện tu chứng, mà còn là những vị có công lớn với đất nước trên tinh thần hộ quốc an dân.

Đến đời Trần Phật giáo lại càng phát triển mạnh mẽ vì các vị vua đầu của vương triều, đã khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Một Thiền phái mang tinh thần nhập thế rất cao, nhà Trần đã áp dụng giáo lý, tư tưởng Phật gia vào chính sách trị quốc an dân, chinh phục con người bằng trái tim khối óc, lấy đức trị thay cho pháp trị, phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc bảo vệ giữ gìn mảnh giang sơn gấm vóc.

Thời đại nhà Trần nói đến Phật giáo, là nói đến dân tộc, nói đến dân tộc là nói đến Phật giáo bởi vì: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tiên” đây là điểm sáng lung linh làm nổi bật lên tinh thần “hộ quốc an dân” mà Phật giáo sớm đã gắn bó với vận mệnh của đất nước, khi đất nước yên bình thì Phật giáo phát triển hưng thịnh, khi Tổ quốc lâm nguy Phật giáo lại sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm.

Khi đất nước hòa bình Phật giáo lại cùng toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống bằng cách đem những lời dạy bảo của đức Phật thực hành ngay trong đời sống hiện tại này để đem lại những an vui trong hạnh phúc trong mỗi phút giây.

1.Bối cảnh lịch sử thời Lý - Trần

1.1.Bối cảnh lịch sử đất nước thời Lý - Trần

Mùa Đông năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, lên ngôi xưng vương đóng đô ở Cổ Loa, từ đây đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên độc lập tự chủ, thống nhất đất nước, phục hưng mọi giá trị văn hóa, tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn một nghìn năm bị phương Bắc đô hộ. Nhưng đáng tiếc nhà Ngô chỉ tồn tại trong khoảng 30 năm, vào cuối triều Ngô nước ta lại lâm vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn, mưu bá đồ vương, do các thế lực phong kiến gây nên. Sử gọi là “loạn mười hai xứ quân”. Yêu cầu thống nhất đất nước một lần nữa lại được đặt ra “Nhiệm vụ cao cả và trọng đại này lịch sử đã giao phó cho người anh hùng áo vải xuất thân từ nông dân Đinh Bộ Lĩnh”[4, tr. 40.].

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế mở ra triều đại nhà Đinh, đặt quốc hiệu nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, tồn tại khoảng 12 năm. Cuối triều Đinh giặc Tống phương Bắc lại sang xâm lấn nước ta, ấu chúa còn quá trẻ. Đứng trước vận nước ngửa nghiên, Thái hậu Dương Vân Nga đã sáng suốt trao ngai vàng lại cho một vị tướng tài ba là Lê Hoàn, ông chiến thắng quân Tống lên ngôi vua lấy hiệu Lê Đại Hành, “Nhà tiền Lê tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư, xây dựng và phát triển đất nước Đại Cồ Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh thời bây giờ”[2, tr. 81.].

Nhà Lê tồn tại trong vòng 20 năm cuối đời nhà tiền Lê, Lê Long Đĩnh tàn ác, hoan dâm vô độ, khiến muôn dân lầm than. Trước vận nước suy đồi đó Thiền sư Vạn Hạnh cùng tướng Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua mở ra vương triều nhà Lý (1010 - 1225), việc đầu tiên sau khi lên ngôi, tháng 7 năm 1010 Lý Công Uẩn đã ban chiếu dời kinh đô, vì thấy “Hoa Lư (Ninh Bình) ẩm thấp chật hẹp không đủ làm chỗ ở của đế vương”[6, tr. 240.].

Đại La là nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi, địa hình thế núi sông sau trước đất rộng mà bằng phẳng, nhân dân sẽ không khổ về ngập lụt, muôn vật về sau rất thịnh vượng phồn vịnh, là thương đô của kinh sử muôn đời. Về sau đổi tên thành Thăng Long “đóng đô nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu’’[9, tr. 230.]. Nhờ thế mà xã hội đời Lý phát triển về mọi mặt, từ nông nghiệp, kỹ thuật lẫn mỹ thuật, giao thông thương mại không chỉ trong nước mà còn mở rộng sang các nước lân cận, còn quân sự thì hùng mạnh.

Năm 1054, Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, việc học tập thi cử các vua nhà lý đã tổ chức mở khoa thi Tam giáo, để tuyển chọn hiền tài. Xây dựng Quốc tử giám trường Đại học đầu tiền của nước ta. Với hơn 200 năm tồn tại, nhà Lý đã có công làm cho đất nước trở nên cường thịnh, củng cố nền tự chủ, thúc đẩy văn minh Đại Việt phát triển hùng mạnh.

Lý Chiêu Hoàng vị vua cuối cùng của vương triều, lúc này nhà Lý đã suy yếu triều đình mục nát, xã hội rối ren, nhiều năm mất mùa đói kém, loạn lạc nổi dậy khắp nơi, trong tình thế ấy, nhà Lý phải nhờ vào thế lực họ Trần để tồn tại. Chính vì vậy, họ Trần dần dần thâu tóm mọi quyền lực, để rồi sự biến cung đình vào tháng riêng năm (1226). Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Lý đến đây là chấm dứt. Trần Cảnh lên ngôi vua mở đầu cho vương triều Trần một triều đại hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử.

Để củng cố quyền lực trong thời kỳ đầu, sau khi tiếp nối sự nghiệp nhà Lý, nhà Trần đã nhanh chóng khắc phục hậu quả do cuộc khủng hoảng cuối đời Lý gây ra, bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh.

Nhà Trần đã thực hiện một nền chuyên chế - dòng họ tầng lớp quý tộc và tôn thất nắm độc quyền lãnh đạo quốc gia, những chức vụ quan trọng trong triều đình đều do anh em trong dòng họ với nhà vua nắm giữ, để đảm bảo sự an toàn, tính thận trọng trong việc kế thừa ngôi vua, nhà Trần đã thực hiện chế độ hôn nhân đồng tộc và vấn đề đề phòng các Hoàng tử tranh giành ngôi báu, các hoàng đế sớm nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng Hoàng, kế tục cơ nghiệp nhà Lý, nhà Trần quy tụ hiền tài chấn hưng Đại Việt thành quốc gia hùng mạnh, đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của xã hội lúc bây giờ. Thâu giang sơn về một mối, thống nhất từ trong ý chí đến hành động, trên dưới đồng lòng, cùng nhau xây dựng phát triển đất nước thịnh vượng.

Về mặt kinh tế: Ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế, bằng cách khuyến khích các vương hầu, công chúa, quý tộc cùng nhân dân khai khẩn đất hoang, mở đất lập làng khắp nơi, nông dân ra sức cấy cày, tận dụng đất đai, tạo ra những cách đồng lúa tốt tươi, nhà vua ra sức chăm lo đê điền, kinh máng, hằng năm nhà vua đều đích thân đi dự lễ tịch điền, và tổ chức những buổi xem gặt, đích thân cúng tế lễ cầu mưa, miễn giảm thuế phát chẩn cấp cho dân đói vào những năm mùa màng thất bát. Ngoài ra, nhân dân còn trồng nhiều loại cây ăn trái, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, hình thành nhiều làng nghề.

Về tình hình chính trị quân sự: Quân đội nhà Trần là một quân đội hùng mạnh, thiện chiến, tinh nhuệ, kỷ luật quân lính chủ yếu được tuyển chọn từ các làng xã những người có sức khỏe tráng kiện và được huấn luyện kỹ càng thiện xảo không những trên bộ, mà còn cả trên sông nước, họ đều là những người tài giỏi về bơi lội (điển hình như Dã Tượng và Yết kiêu). Nhà Trần còn cho lập võ đường tại Kinh thành Thăng Long để huấn luyện quân sĩ, chính nhờ vào tầm nhìn xa trông rộng của các vua Trần, khi nắm lấy được chính quyền từ tay nhà Lý, đã ra sức củng cố và tăng cường quân đội. Việc này được thể hiện qua ba cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nguyên Mông “Triều Trần là một trong những cường quốc của Đông Nam Á, lừng danh với ba lần đại thắng quân Nguyên Mông’’ [1, tr. 94.].

Thừa hưởng nền văn hóa rực rỡ từ nhà Lý, trong thời nhà Trần những tín ngưỡng văn hóa dân gian đều được phát huy một cách tích cực, đặc sắc mang đậm tính dân tộc những tín ngưỡng cổ truyền được phổ biến như tập thờ cúng tổ tiên, tục thờ mẫu và các anh hùng dân tộc, đặc biệt Phật giáo trong thời Trần được xem là quốc giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, từ vua quan cho đến dân thường không ai bảo mà theo.

Đạo Phật còn ảnh hưởng đến đường lối chính sách cai trị của nhà nước với sự xuất hiện của các nhà Thiền học nổi tiếng như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, đặc biệt hơn là sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm - Yên Tử do vua Trần Nhân Tông khai sáng, mà người đặt nền móng ban đầu là Thái Tông.

Nếu nói rằng nhà Lý là triều đại mở đầu cho giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hóa dân tộc tự chủ trên mọi lĩnh vực, thì nhà Trần chính là đỉnh điểm của sự phát triển ấy.

Tranh minh họa kiến trúc Phật giáo thời Lý - Chùa Một Cột. Ảnh sưu tầm

Tranh minh họa kiến trúc Phật giáo thời Lý - Chùa Một Cột. Ảnh sưu tầm

1.2.Tình hình Phật giáo thời Lý - Trần

Năm 1009, triều đình tiền Lê suy yếu, được sự ủng hộ của triều đình, cùng với tướng Đào Cam Mộc và Vạn Hạnh thiền sư cùng đưa Điện tiền chỉ huy xứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua mở ra triều nhà Lý. Sau khi đại nghiệp thành công, Lý Thái Tổ lập ra một ban mới là Tăng ban (trước đó chỉ có văn ban, võ ban, thái giám ban) và phong thầy là Vạn Hạnh làm quốc sư. Nhận xét của sử gia Lê Văn Hưu cũng đủ nhận thấy sự sùng bái Phật giáo của Lý Thái Tổ: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức (Cổ Pháp), lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ điệp cho hơn nghìn người ở kinh sư là tăng”[6, tr. 242.].

Nhà Lý coi trọng và phát triển tôn giáo, các vua thời Lý rất sùng đạo. Bản thân một số vua được tôn là tổ của các phái thiền. Vua Lý Thái Tông là vị Tổ thuộc thế hệ thứ bảy phái Thiền Vô Ngôn Thông. Vua Lý Thánh Tông là Tổ thứ hai Thiền phái Thảo Đường. Hơn 200 năm tồn tại của triều đại nhà Lý, Phật giáo giữ vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và bước đầu phát triển của quốc gia Đại Việt ở tất cả các hoạt động từ chính trị xã hội, quân sự, ngoại giao đến văn hóa, giáo dục.

Kế thừa nền Phật giáo từ nhà Lý, Phật giáo thời đại nhà Trần đã thật sự hòa nhập vào dòng chảy văn hóa dân tộc, từ hình thức đến nội dung, những yếu tố đưa đến thành công và nét đặc sắc của đạo Phật không thể tách rời với sự phát triển của dân tộc, thế nhưng để có được sự thành tựu ấy thì Phật giáo thật sự đã được gieo mầm từ lâu. Ngay buổi đầu du nhập, đạo Phật đã thích nghi với nhân chủng, và phong thổ Việt Nam cho đến đời Trần đã đơm hoa kết trái thành những thành quả nổi bật.

Dưới triều trần, chùa chiền được xây dựng khắp nơi “phân nửa thiên hạ đi tu”. Ngôi chùa trở thành “không gian thiêng” trong đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội [11].

Nếu như trước đó, tồn tại ba Thiền phái là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thì đến thời Trần, trước nhu cầu thống nhất hệ tư tưởng, cùng với việc lựa chọn Phật giáo làm trung tâm thì Thiền học đã đi đến thống nhất thành một Thiền phái duy nhất là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Các thiền sư một mặt đề cao tính thiền, một mặt đề cao tinh thần nhập thế. Vua Trần Nhân Tông chính là người đã khai sáng ra dòng Thiền Trúc Lâm đưa ra quan điểm “cư trần lạc đạo” trong tác phẩm “cư trần lạc đạo phú” nghĩa là sống giữa cõi trần mọi sự tùy duyên mà vui với đạo.

Trần Nhân Tông trong tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ. Ảnh sưu tầm

Trần Nhân Tông trong tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ. Ảnh sưu tầm

Không những thế, các vị vua nhà Trần cũng là những người sớm mộ đạo và biết vận dụng sức mạnh của Phật giáo vào công cuộc trị nước. Trên tinh thần vô ngã vị tha, từ bi bác ái, Phật giáo giúp cho con người có một đời sống cởi mở, phóng khoáng đặc biệt với giai cấp cầm quyền, và tầng lớp quý tộc họ là những người đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ giữ gìn và phát triển đất nước. Nét đặc sắc Phật giáo thời Trần như một thực thể sống, ngoài việc giải thoát cho tự thân thì mục đích tối hậu của các vua cũng như các Thiền sư không chỉ lo tu tập giải thoát mà còn là đem tinh thần ấy vào đời làm lợi ích cho nhân dân, cho xã tắc.

Phật giáo tích cực nhập thế “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, Đạo không rời bỏ cuộc đời, đời cũng không thể thiếu Đạo.

Xã hội xây dựng trên nền tảng văn hóa dân tộc, Phật giáo về phương diện tổ chức, cũng như hành đạo, Giáo hội Trúc Lâm mang nét độc đáo riêng biệt của người Việt, phục vụ cho người Việt, duy trì và bồi đắp cá tính Việt [7, tr. 376].

2.Vai trò của Phật giáo thời Lý - Trần

2.1.Vai trò và những đóng góp của các thiền sư vào chính trị

Thiền sư Khuông Việt (933-1011)

Quốc sư Khuông Việt (933 - 1011) không chỉ là một nhà tu hành mà còn là một nhà chính trị, một nhà ngoại giao tài ba của nước Việt. Sư tên là Ngô Chân Lưu, quê ở Hương Cát Lị, huyện Thường Lạc, tu ở chùa Phổ Đà (nay là Hà Bắc). Sư được vua Đinh Tiên Hoàng ban danh hiệu Khuông Việt vào năm 971. Khuông Việt mang ý nghĩa cao quý là khuông phò giữ gìn chấn hưng nước Việt. Điều đó nói lên sự quý kính tôn trọng của nhà vua và cũng thể hiện tấm lòng từ bi hạnh nguyện phụng sự chúng sinh cao cả của Ngài. Ngoài ra ông được phong chức Tăng thống, đây là lần đầu tiên chức Tăng Thống được nói đến trong lịch sử Việt Nam. Cũng chính thức là giai cấp Tăng lữ hoạt động trong Triều chính, ổn định xã hội bằng đường lối Phật giáo.

Quốc sư Khuông Việt. Ảnh sưu tầm

Quốc sư Khuông Việt. Ảnh sưu tầm

Ông giúp vua Lê Đại Hành với vai trò cố vấn ngoại giao trong vấn đề bang giao với nước Tống. Ông là người phân tích các bài thơ văn của sứ thần nhà Tống là Lý Giác đưa sang phong vương, nhận định cách đáp trả khiến sứ thần nước Tống bái phục người Nam quốc. Đặc biệt vào năm 980, vua Lê Đại Hành sai ông làm bài văn hát để tiễn chân sứ thần Lý Giác: “Tường quang phong hảo cấm phàm trương/ Dao vọng thần tiên phục đến hương/ Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lương/ Cửu thiên qui lộ trường/ Nhân tình thống thiết đối ly trường/ Phan luyện sử tinh lang/ Nguyện tương thâm ý vị nam cương/ Phân minh tấu ngã hoàng”. [10, tr. 172.]

Dịch: ‘‘Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương/ Trông vị thần tiên về đế hương/ Muôn lần non nước vượt trùng dương,/ Đường về bao dặm trường./ Tình lưu luyến chén đưa đường,/ Nhớ vị sứ lang/ Xin lưu ý đến việc biên cương /Tâu rõ lên Thánh Hoàng”. Khả năng tài trí của ông đã giúp vua Lê bang giao tốt đẹp với nước Tống và nhà Tống khâm phục cách ứng phó đầy trí thức của người An Nam. Ông mất năm Thuận Thiên thứ hai đời Lý (1011).

Thiền sư Pháp Thuận (914 - 990)

Thiền sư Pháp Thuận (914 - 990), đời thứ 10, dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sư vốn họ Đỗ, chưa rõ quê quán ở đâu, chỉ biết rằng sư là người bác học, hiểu rõ thế cuộc đương thời, là người tài đã đứng ra phò vua giúp nước. Thuở nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, vua thường mời Sư vào triều để luận bàn việc chính trị và ngoại giao. Khi quốc thái dân an, Sư từ chối sự phong thưởng, vì thế mà vua Lê Đại Hành càng kính trọng. Tương truyền vua không dám gọi thẳng tên Sư mà chỉ gọi là Đỗ pháp sư. Nhà vua thường nhờ Sư trông coi việc soạn thảo văn kiện, thư từ ngoại giao.

Năm 986, khi sứ nhà Tống là Lý Giác sang nước ta, sư được vua lệnh cho giả làm người chèo đò để đón tiếp. Lúc trên sông gặp có đôi ngỗng đang bơi, Lý Giác bèn ứng khẩu đọc thơ: “Nga nga lưỡng nga nga/ Ngưỡng diện hướng thiên Nga”. Đỗ Thuận đang chèo, đọc tiếp hai câu ứng đối tiếp vế thơ trên: “Bạch mao phô lục thủy/ Hồng trạo bãi thanh ba”. Dịch: “Song song ngỗng một đôi/ Ngửa mặt ngó ven trời/ Lông trắng phơi dòng biếc/ sóng xanh chân hồng bơi”[8, tr.261.]. Lý Giác cảm phục, sau khi về nước, vị sứ thần đã làm một bài thơ tặng ông.

Ông đem dâng vua, vua cho gọi nhà sư khuông Việt đến xem. Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”[10, tr. 272]. Vì cảm phục tài năng của sư, nên Vua thường hỏi ông về vận nước ngắn dài thế nào, ông đã trả lời bằng một bài kệ: “Quốc tộ như đằng lạc/ Nam Thiên lý thái bình/ vô vi cư điện các/ xứ xứ tức đao binh”. Dịch: “Vận nước như mây quấn/ Trời Nam mở thái bình/ Vô vi trên điện các/ Xứ xứ dứt đao binh”[8, tr. 262.].

Bài thơ này được xem như một tác phẩm văn học viết đầu tiên trong thời kỳ tự chủ của nước ta, có thể xem như một tuyên ngôn độc lập, bảo vệ danh dự quốc gia và khẳng định chủ quyền dân tộc trước nhà Tống. Bài kệ không chỉ thể hiện Pháp Thuận là một thiền sư uyên thâm, về phật pháp mà còn là một nhà chính trị sâu sắc, dấn thân hành đạo, đồng hành cùng dân tộc. Ngài ý thức rất rõ moi quyền lực phải từ dân mà ra, và vận nước cũng thế.

Thiền sư Vạn Hạnh (?- 1025)

Thiền sư Vạn Hạnh thuộc thế hệ thứ mười hai phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thuở nhỏ đã thông minh xuất chúng, thông suốt tam học, Sư là một vị cao tăng học hành uyên bác, đạo lực tinh thâm, quán triệt cả Tam giáo Phật, Lão, Khổng, được vua Lê Đại Hành rất mực kính trọng. “Vào năm 980, Nhà Tống đem quân sang đánh nước ta, tình thế vô cùng nguy nan, vua mời ngài đến đem chuyện thắng bại ra hỏi? Ngài đáp: “Chỉ trong ba ngày đến bảy ngày, giặc sẽ lùi”[2, tr. 93.]. Sự việc xảy ra đúng như tiên đoán của ông. Vua Đại Hành mất vào năm 1005. Khi vừa nằm xuống các con tranh giành ngôi vua, Lê Phong Việt mới làm vua được 3 ngày thì bị em là Lê Long Đỉnh giết chết. Lê Long Đỉnh còn gọi là Lê Ngọa Triều, một ông vua tàn ác hoang dâm vô độ. Khiến cho nhân dân đồ thán, lòng người phẫn nộ căm hờn, cơ hội cho sự xâm lăng của quân Tàu, có thể đưa dân tộc rơi vào kiếp nô lệ. “Ngọa triều bạo ngược, trời người oán ghét, Lý Thái Tổ khi ấy giữ chức thân vệ, chưa lên ngôi”[8, tr. 267.].

Thiền sư Vạn Hạnh. Ảnh sưu tầm

Thiền sư Vạn Hạnh. Ảnh sưu tầm

Bởi thế sư Vạn Hạnh và Đào Cam Mộc đã sắp xếp thành công mọi việc để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên nhà Lý sau khi Lê Long Đỉnh chết. Sự việc này xảy ra, cũng đúng như lời tiên đoán và khuyến khích toàn dân của Ông: “Tật Lê trầm bắc thủy/ Lý tử thụ nam thiên/ Tứ phương cam qua tĩnh/ Bát biếu hạ bình yên”[8, tr.268.] Dịch: Vua Lê chìm biển Bắc/ Nhà Lý trị trời Nam/ Bốn phương dứt chinh chiến/ Tám hướng hưởng bình an. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, thiền sư Vạn Hạnh còn đưa ra kế sách, khuyên vua nên rời đô về chốn trung tâm của đất nước, để nghiệp nước đời đời được hưng thịnh. “Thiền sư Vạn Hạnh còn cố vấn cho vua trong mọi việc quân quốc, đại sự, đưa ra nhiền biện pháp trị quốc thích hợp”[2, tr.94.].

Trước những biến động nguy ngập của thời đại, sự xuất hiện của Vạn Hạnh như một vị cứu tinh vĩ đại cho dân tộc. Ngài đã đào tạo Lý Công Uẩn ngay từ lúc nhỏ, để sau này trở thành một vị vua anh minh làm tròn sứ mạng cao cả cho dân tộc. Nhờ sự giáo dục tài tình của Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã huân tập được tinh thần từ bi, trí tuệ trong Phật giáo, đặt sự tồn tại của dân tộc lên trên, xây dựng một xã hội nhân bản, hưng thịnh, an lạc.

Sử gia Hoàng Xuân Hãn viết “Triều đại nhà Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng của Phật giáo”. Điều này cũng đủ cho ta thấy rằng đóng góp của Vạn Hạnh vô cùng vĩ đại. Sư Vạn Hạnh trong suốt ba triều đại Đinh, Lê, Lý đã đem tài trí của mình cống hiến cho ba vị vua lỗi lạc, và trở thành vị anh hùng dân tộc trong sự nghiệp giữ gìn độc lập dân tộc, đồng thời giúp các triều vua về quốc sách trị nước có hiệu quả nhất.

2.2.Phật giáo với vai trò hộ quốc an dân

Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử dựng nước và giữ nước. Phật giáo buổi đầu du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình, giáo lý Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với văn hóa và lối sống của người bản xứ. Chính vì thế, từ lâu đã có sự gắn bó và hòa nhập với dân tộc. Cốt lõi của Phật giáo Việt Nam là luôn thể nhập tinh thần sống đạo, đồng nghĩa sống theo tinh thần hộ quốc an dân, mà người dân theo đạo Phật diễn giải rất chân thật, rất triết lý, yêu nước là yêu đạo và yêu đạo chính là yêu nước qua các thời kỳ lịch sử.

Vì thế, Phật giáo đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với dân tộc, nếp sống đạo không chỉ giáo dục tự thân đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một học thuyết chính trị giúp dân tộc Việt chống lại bất cứ kẻ thù nào đến xâm lược nhằm bảo tồn bản sắc nền văn hóa quốc gia, bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn biên cương lãnh thổ, xây dựng quốc gia hưng thịnh, chung sống hòa bình.

Cốt lõi của tinh thần hộ quốc an dân được biểu hiện đầu tiên là Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của cả dân tộc. Điều đó có nghĩa đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn song hành với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. “Và thực tế, dân tộc Việt từ buổi đầu Công Nguyên trải nghìn năm đấu tranh để chống lại sự đồng hóa phương Bắc để tồn tại, Phật giáo hẳn nhiên cũng trực tiếp tham gia đồng hành cùng cả dân tộc để bảo vệ sự tồn vong chính mình”[12].

Chính tinh thần hộ quốc an dân này đã làm cho Phật giáo Đại Việt bấy giờ có một đặc trưng riêng biệt, trở thành lực lượng tham gia vũ đài chính trị với một hệ thống tổ chức Phật giáo chặt chẽ tiêu biểu để chống lại sự đồng hóa của các thế lực phương Bắc. Việc nhà sư Ngô Chân Lưu đã được Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành phong làm Tăng thống, ban chức Quốc sư, làm cố vấn cho triều đình; nhà vua còn ban hiệu Khuông Việt đủ để chứng tỏ vai trò và vị trí của Phật giáo đối với đất nước.

Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là “người có công dự bàn sách lược, đại diện triều đình để tiếp sứ thần nhà Tống cùng với Khuông Việt Quốc sư, làm cho sứ thần phải kính nể”. Thiền sư Vạn Hạnh không chỉ đảm nhận vai trò cố vấn triều đình nhà Tiền Lê mà còn là người có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Khi đã vào địa vị quyền uy bậc nhất thiên hạ, Lý Thái Tổ vẫn không quên vai trò hộ pháp của mình, ngoài việc dời đô, ông còn cho thỉnh kinh, đúc chuông, tạo tượng, giảng kinh, “khiến cho cả triều đại nhà Lý bao trùm tinh thần Phật giáo, vừa oanh liệt về chiến công, vừa nhân từ về chính trị”[3, tr.134.].

Ngoài ra, còn có rất nhiều vị Thiền sư khác nữa đã đóng góp công sức của mình cho công cuộc xây dựng đất nước như Thiền sư Mãn Giác, Nguyễn Minh Không, Giác Hải, Viên Thông, Từ Đạo Hạnh đời Lý, Quốc sư Trúc Lâm... những điều vừa nêu trên đủ để khẳng định vai trò Phật giáo đối với sứ mệnh dân tộc là rất lớn.

3. Những đóng góp của Phật giáo thời Lý - Trần

3.1. Đóng góp về mặt chính trị quân sự

Dưới hai triều đại Lý, Trần, Phật giáo đã có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Các vua Lý, Trần dùng tư tưởng Phật giáo để an dân, trị nước. Các vua thường phong một vị sư có tài, đức toàn vẹn làm quốc sư, tương đương với tể tướng, trực tiếp bàn bạc đưa ra kế sách cho hoàng đế. Nhà nước đặt ra các chức quan trong triều như: trương thống, trương lục, quốc sư. Buổi đầu thời Lý, quốc sư trở thành cố vấn chính trị cho vua. Sau đó, quốc sư là thầy về đạo cho cả nước. Nhiều vua Lý, Trần thường sử dụng các nhà sư có tài y thuật, mời họ về kinh để cầu mưa thuận - gió hòa; hoặc mời các vị sư học rộng biết nhiều về để thỉnh đạo.

Bên cạnh đó, trên lĩnh vực quân sự, triều Lý - Trần để lại dấu ấn trên trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc (đánh Chiêm Thành phá tan âm mưu của nhà Tống trong việc lợi dụng Chiêm Thành để xâm lược nước ta và sau đó tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống, nhà Trần với ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông). Có thể nói trong suốt cả hai triều đại, Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng đối với quốc gia, và sự kết hợp Phật giáo với chính trị qua các phương diện như tăng sĩ thì tích cực phò vua giúp nước, vua thì tôn sùng Phật, tấn phong giáo phẩm, ban tặng chức vụ. Để thu phục lòng dân các vị vua Lý -Trần, luôn lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, thương yêu dân như con “thiên hạ cũng ví như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó yên, đặt vào chỗ nguy thì nó nguy”[5, tr. 131.].

3.2. Về mặt văn học

Thời Lý, Trần có nhiều tác phẩm văn học có giá trị lớn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp văn học nước nhà. Các tác phẩm văn học thời kỳ này phản ánh tinh thần dân tộc, phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự cường của một thời được gọi là “hào khí Đông A”. Những tác phẩm tiêu biểu như: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Phú sông Bạch Đằng… với tác giả lớn như: Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trương Hán Siêu… Thời kỳ này cũng để lại nhiều văn bia dài, nhiều bài phú lưu loát đẹp đẽ như: Đông hồ bút, Trảm xà kiếm, Ngọc tỉnh liên, Thiên Hưng trấn...

Dưới thời Trần văn học chữ Nôm đã xuất hiện và được đưa vào sử dụng đồng thời với chữ Hán tạo nên sự phong phú trong các sáng tác đương thời, đạo Phật cũng nhờ đó mà phát triển giáo lý rộng rãi vào trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với chữ Hán, chữ Nôm đáp ứng rộng rãi hơn nhu cầu của xã hội.

Tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông được ít người biết đến bởi sáng tác bằng chữ Hán, sau này Tuệ Tĩnh phải giải nghĩa bằng quốc âm để được phổ biến rộng rãi trong tín đồ của đạo Phật. Tác phẩm Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông được viết bằng chữ Nôm nên phổ biến rộng rãi, giúp cho tư tưởng Phật giáo đến gần với quảng đại quần chúng.

3.3. Về mặt văn hóa giáo dục

Về phương diện văn hóa: Cả hai triều đại đã chú trọng xây dựng triều đại thuần từ, lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị. Đặt biệt thời Trần Phật giáo là cốt tủy của một nền văn hóa độc lập, khi các nhà nho như Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh yêu cầu vua Minh Tông thay đổi thể chế sinh hoạt văn hóa cho giống bên Trung Quốc, vua đã nói rằng: “Nước ta đã có phép tắc nhất định, vả lại Nam Bắc phong tục khác nhau, nếu theo lời của các ngươi, thì chỉ sinh loạn ra thôi”[7, tr. 392.].

Nhà Trần tuy ủng hộ Phật giáo nhưng cũng trọng dụng ưu ái kẻ sĩ. Chính vì vậy, đã tạo ra một sự mềm dẻo của văn hóa liên kết nhân tâm, khi có giặc ngoại xâm thì toàn dân đồng lòng ra sức bảo vệ non sông, đúng như thiền sư Pháp Thuận đã nói: “vận nước như dây cuốn/Trời Nam mở thái bình”. Vận nước dài ngắn phải dựa vào sự đoàn kết của toàn dân. Chính sách cai trị hợp lòng dân, thì đất nước mới thái bình thịnh trị. Điều ấy phải xuất phát ở đạo đức vị tha, triết lý sống nhập thế trên tinh thần từ, bi, hỷ, xả của các vua với tinh thần không ngừng học hỏi, tu tập cho đến khi thấu rõ giáo lý phật pháp, góp phần tạo một sức sống mạnh mẽ, không khép kín mà phổ biến khắp nơi trong dân chúng, khiến họ cùng học tập theo. Một đời sống hướng thiện, đưa con người đến giá trị chân - thiện - mỹ và đạt được chân lý ngay trong đời sống thực tại này chứ không phải nơi một thế giới xa xôi nào.

Về phương diện giáo dục: Nhà chùa trở thành nhà trường, chùa còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân, các nhà sư cũng đồng thời nhà giáo dạy học. Vua Lý Thánh Tông lập văn miếu, mở trường Quốc tử giám, năm 1195 còn có một kỳ thi tam giáo bao gồm; Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo. Cho thấy là một trong nhiều chứng cứ cụ thể của quan niệm Tam giáo đồng nguyên đang thịnh hành khi ấy... Đó là những sự kiện đầy ý nghĩa đặt cơ sở cho sự ra đời nền giáo dục, thi cử nói chung của Việt Nam.

Chùa chiền không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lễ hội mà còn là nơi học tập, trau dồi đạo đức, văn hóa của người dân Đại Việt, nổi bật nhất là môn phái thiền học được áp dụng một cách rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng. Ba là, giáo dục Phật giáo góp phần thúc đẩy nền văn hóa và giáo dục phát triển. Chính sách dung hòa tôn giáo, coi trọng giáo dục hơn răn đe của triều đại nhà Lý đã thúc đẩy nền văn hóa và giáo dục phát triển. [13]

Như vậy có thể thấy đây là thời kỳ các vua quan triều Lý coi trọng hoạt động giáo dục, khoa cử nhằm truyền thụ kiến thức đào tạo nhân tài, lựa chọn nhân tài để phục vụ triều đình với tư tưởng tam giáo đồng nguyên coi trọng Nho giáo nhưng vẫn lấy Phật giáo làm nền tảng tinh thần để ổn định xã hội, thực thi chính sách cai trị.

Kết bài

Đỉnh cao thịnh vượng nhất của Phật giáo ở Việt Nam là vào thời Lý - Trần. Thời kỳ này, các vua và hoàng tộc đều sùng Phật giáo, nhiều đường lối, chính sách của nhà nước đều được các trí thức Phật giáo tham gia xây dựng. Vì vậy, đường lối chính trị thời kỳ này mang đậm tinh thần khoan dung, từ bi của Phật giáo. Giáo hội Phật giáo, chùa chiền, tu viện… đều dưới sự điều hành và bảo trợ của nhà vua. Các thiền sư đạo cao đức trọng đều được triều đình tin dùng và được coi như những cố vấn đặc biệt cho triều đình như: Thời Lý có thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận, Viên Thông… thời Trần có thiền sư Trúc Lâm, Đại Đăng, Huyền Quang, Pháp Loa…

Phật giáo một mặt thẩm thấu trong đời sống của người dân Việt, mặt khác được giai cấp cầm quyền coi như một hệ tư tưởng chủ đạo. Tuy nhiên, dù trên nhiều phương diện, Phật giáo quan hệ với Nhà nước như một quốc giáo có sự cộng hưởng tích cực giữa Phật giáo và chính trị, giữa triều đình và Giáo hội, giữa tín đồ bình dân và nhà nước.

Tuy vậy, Phật giáo ở thời Lý - Trần vẫn không được thừa nhận chính thức ở vị trí quốc giáo, các thiền sư tuy giữ vai trò cố vấn trong triều đình nhưng họ luôn giữ khoảng cách nhất định của một tôn giáo truyền thống hay tôn giáo dân tộc, họ không tham dự sâu vào bộ máy quyền lực, kết thúc công việc lại lui về chùa mà không giữ một vị trí chính thức nào trong bộ máy quyền lực.

Mục đích cao cả nhất của Phật giáo là giải thoát chúng sinh, không phân biệt đẳng cấp, giới tính. Tuy nhiên, trong quá trình dựng nước và giữ nước, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển cần nhập thế, phải hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở những triết lý, luận thuyết cao siêu. Xuất phát từ thực tế đó, Phật giáo thời Lý - Trần luôn song hành với tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, ổn định và phát triển đất nước của dân tộc. Bởi vậy, nền chính trị ở triều đại Lý - Trần, đều có sức ảnh hưởng bởi những triết lý nhân văn, nhân đạo của Phật giáo.

Tài liệu tham khảo

1.Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.

2.Thích Phước Đạt-Thích Hạnh Tuệ- TN. Thanh Quế - Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

3.Thích Phước Đạt-Thích Hạnh Tuệ- TN. Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

4.Thích Phước Đạt (2016), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái trúc lâm, Nxb Hồng Đức.

5.Thích Tâm Đức (2022), Đường đến thiền phái Trúc Lâm, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

6.Cao Huy Giu dịch (2006), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb văn hóa thông tin.

7.Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học HN

8.Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền Uyển tập Anh, Nxb, TP.HCM.

9.Viện Văn học (1977), Thơ Văn Lý – Trần, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội.

10.Bản Ký, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quyển I, Nxb. Khoa Học Xã Hội.

11.https://hoatieu.vn/tinh-hinh-phat-giao-duoi-thoi-tran-nhu-the-nao212469/ xem ngày 28/7/2022.

12.https://phatgiao.org.vn/cot-loi-tinh-than-ho-quoc-an-dan-cua-phatgiao-viet-nam-qua-thoi-dai-lich-su-d47146.htmlxem ngày 28/7/2022.

13.https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/330283/C Vv439S042021082.pdf xem ngay 5/8/2022.

Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Trang (Thích nữ Huệ Khánh)
Học viên Cao học Khóa IV, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vai-tro-cua-phat-giao-trong-viec-xay-dung-quoc-gia-dai-viet-thoi-ly-tran.html