Vị chua thanh 'nức lòng' của canh Việt Nam lọt top món ngon từ cá

Vừa qua, Taste Atlas đã công bố danh sách 57 món ngon nhất làm từ cá trên khắp thế giới, và canh chua cá của Việt Nam đã xuất sắc giành vị trí thứ 8. Canh chua ngọt cũng không kém phần ấn tượng khi đứng thứ 19, trong khi lẩu cá linh điên điển xếp hạng 53.

Nhắc đến món canh chua cá, ai cũng tấm tắc khen ngon, bởi sự thanh mát, dễ nấu và đầy đủ dinh dưỡng. Món ăn này không chỉ quen thuộc trong mâm cơm gia đình Việt mà còn là "ngôi sao" trên các bàn tiệc đãi du khách. Tuy nhiên, "đi đâu cũng có bạn", canh chua cá lại mang hương vị đặc trưng riêng ở mỗi miền, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho ẩm thực Việt Nam.

Canh chua cá thường được nêm thêm vị bằng rau ngò gai và om, và thường được thưởng thức cùng cơm. Được đánh giá 4,3 sao trên tổng số 5, món canh chua cá không chỉ được yêu thích bởi hương vị đậm đà mà còn bởi sự dinh dưỡng và đơn giản trong cách nấu.

Canh chua ngọt là một biến thể khác của canh chua cá, được thực khách quốc tế đánh giá 3,8 sao. Đây là món canh phổ biến trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hương vị chua ngọt mặn đặc trưng.

Món ăn được làm từ cá lóc, cá trê, cá basa, lươn hoặc tôm, kết hợp với cà chua, đậu bắp, dứa, me, giá đỗ và các loại rau thơm, thường được thưởng thức cùng bún hoặc cơm.

Có điều thú vị hơn, nguyên liệu của canh chua thay đổi theo từng mùa. Ví dụ, vào mùa nước nổi ở miền Tây, người ta thường sử dụng bông súng và bông điên điển để nấu canh chua, tạo ra hương vị đặc trưng của vùng đất này. Mùa mưa măng mọc nhiều, món canh chua măng được ưa chuộng với cách nấu đơn giản nhưng vẫn giữ được vị chua ngọt tự nhiên của măng.

Đặc trưng của canh chua miền Tây là việc sử dụng tỏi phi, điều này rất quan trọng để tạo nên hương vị đặc biệt và đúng chuẩn. Nếu bạn ăn canh chua ở một nhà hàng treo biển ẩm thực miền Tây và không thấy tỏi phi trong món canh, đó có thể là một "món canh chua ngoại lai".

Canh chua ngọt không chỉ được biết đến vì giá trị dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe mà còn vì là một biểu tượng ẩm thực của người Việt Nam.

Đứng ở vị trí thứ 53 là lẩu cá linh điên điển, một món đặc sản miền Tây mùa nước nổi ngon nức tiếng khắp các tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long.

Món ăn có vị bùi, giòn, chua của bông điên điển kết hợp với vị thơm ngọt của cá linh và nước dùng, chấm cùng nước mắm mặn pha với ớt cay. Ngoài 2 nguyên liệu chính là cá linh và bông điên điển, món lẩu này còn ăn kèm với nhiều loại rau dân dã khác như bông súng, ngò gai, rau nhút…

Ngoài ra, tùy theo từng vùng mà nước lẩu được nấu theo nhiều cách khác nhau như ninh với xương cá, xương heo để lấy vị ngọt hoặc nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa có màu trong, vừa có vị ngọt thanh.

Danh sách 57 món ăn này không chỉ là một hướng dẫn tham khảo hấp dẫn cho du khách yêu thích ẩm thực mà còn là sự quảng bá về những món ăn ngon của từng vùng miền, khơi gợi niềm tự hào về ẩm thực địa phương và sự tò mò của du khách quốc tế.

Tiêu chí đánh giá của danh sách Taste Atlas dựa trên số lượt bình chọn của thực khách, chuyên gia ẩm thực và các đầu bếp, đồng thời phản ánh sự phổ biến và yêu thích của món ăn tại điểm đến.

Hàn Mai

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/an-gi/vi-chua-thanh-nuc-long-cua-canh-viet-nam-lot-top-mon-ngon-tu-ca-c12a78303.html