Vì sao chưa thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương?

Liên quan đến việc cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW tại buổi họp báo tháng 6/2024.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, về các bảng lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng các mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong các bảng lương mới theo các nguyên tắc của Nghị quyết số 27-NQ/TW có những bất cập sau:

Thứ nhất, tương quan tiền lương mới chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lương

Cụ thể, trong đó, do đưa phụ cấp công vụ (25% hiện nay) vào mức lương cơ bản mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW dẫn đến mức lương cơ bản của công chức (đội ngũ tham mưu hoạch định chính sách đòi hỏi chuyên sâu nghiệp vụ) tăng bình quân 23,5% là thấp nhất so với viên chức (tăng bình quân 54,3%) và lực lượng vũ trang (tăng bình quân 43,96%); đồng thời, tổng quỹ lương (lương cơ bản, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương) của cán bộ, công chức, viên chức tăng 30,6%, lực lượng vũ trang tăng 51,93% là chưa bảo đảm tương quan chung giữa các đối tượng hưởng lương, dẫn đến thiếu công bằng, chưa hợp lý trong các bảng lương mới.

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW, xác định được mức lương thấp nhất trong khu vực công (nhân viên bậc 1- trung cấp hết tập sự, trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ) là 4,5 triệu/tháng, tăng 7,53% là thấp so với mức tăng lương mới bình quân của công chức là 23,5% và so với mức lương thấp nhất 5,3 triệu đồng/tháng vùng I của khu vực doanh nghiệp, gây tâm tư không tốt khi cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ Những vướng mắc, bất cập khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương tại buổi họp báo.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ Những vướng mắc, bất cập khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương tại buổi họp báo.

Ngoài ra, do quan hệ mức lương thấp nhất (nhân viên bậc 1) - Trung bình (chuyên viên bậc 1) - Chuyên gia cao cấp (bậc cao nhất) tương ứng là 4,5 triệu - 6,5 triệu - 29 triệu đồng/tháng (tính theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW) còn thấp và do số lượng có rất nhiều chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị có 234 chức danh, chức vụ "gốc" từ Trung ương đến cấp xã, thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều các chức vụ tương đương khác), dẫn đến việc xây dựng bảng lương chức vụ áp dụng đối với những người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở (cấp xã) theo các nguyên tắc tại Nghị quyết số 27-NQ/TW (phải bảo đảm thứ bậc trong hệ thống chính trị; mỗi loại chức vụ tương đương chỉ quy định 1 mức lương chức vụ thay cho mỗi loại chức vụ tương đương hiện nay chỉ hưởng phụ cấp chức vụ như nhau nhưng đang được xếp ở rất nhiều bậc lương theo nhiều ngạch, chức danh công chức, viên chức khác nhau) là rất khó khăn, chưa thể hiện được rõ vị trí, vai trò của người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cấp bậc chức vụ khác nhau.

Mặt khác, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (đang hưởng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo) sẽ rất phức tạp do nhiều bậc lương cũ (ở các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức khác nhau) xếp vào một mức lương chức vụ mới dẫn đến có nhiều trường hợp từ cấp Vụ, cấp Sở và tương đương trở xuống đến cấp xã khi xếp vào mức lương chức vụ mới thì bị giảm so với lương hiện hưởng dẫn đến tâm tư và giảm động lực làm việc. Đồng thời, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thì số lượng chức danh, chức vụ lãnh đạo là rất nhiều và đa dạng nên việc xác định các chức danh tương đương để thực hiện áp dụng bảng lương chức vụ mới là rất khó khăn; ngoài ra phải thực hiện bảo lưu đối với các trường hợp bị giảm so với lương cũ cũng rất phức tạp khi thực hiện.

Thứ hai, phải sửa đổi rất nhiều các quy định của Đảng và của pháp luật về các chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở

Hiện nay có rất nhiều chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở được quy định trong các văn bản của Đảng và của pháp luật. Qua rà soát bước đầu thì hiện nay có 2 văn bản của Đảng, 10 Luật, 2 Nghị quyết của UBTVQH, 8 Nghị định của Chính phủ và 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (ngoài ra còn có rất nhiều Thông tư của các Bộ và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các địa phương) quy định các chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở (ngoài việc tính lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội thì mức lương cơ sở còn được dùng để tính nhiều chế độ khác không có tính chất lương từ NSNN như: Hỗ trợ đóng BHYT, BHTN, chế độ nhuận bút, khen thưởng, hỗ trợ học sinh, sinh viên, người dân tộc,..; các chính sách hỗ trợ, trợ cấp, thu hút,… gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương);

nếu khi bãi bỏ mức lương cơ sở mà chưa kịp thời sửa đổi các văn bản này sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách liên quan, gây tâm tư thắc mắc của các đối tượng thụ hưởng và không được sự đồng thuận của xã hội, tạo tâm lý bất ổn trong một bộ phận lớn nhân dân khi cải cách tiền lương.

Thứ ba, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và từ ngày 1/7/2024.

Khi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương và mở rộng quan hệ tiền lương lên 1 - 2,68 - 12 (theo Nghị quyết số 27-NQ/TW) dẫn đến có nhiều thay đổi về mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cách tính lương hưu của người hưởng lương khu vực công, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa thời điểm nghỉ hưu trước và từ ngày 1/7/2024 cần phải có giải pháp xử lý (khi sửa Luật BHXH) để đảm bảo tương quan giữa những người nghỉ hưu.

Về các chế độ phụ cấp mới, do thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40%/60% hiện nay (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản) thành 30%/70% theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay); đồng thời do bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (chỉ quy định đối với lực lượng vũ trang) và do phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành 1 chế độ phụ cấp mới (đặc biệt là phụ cấp theo nghề và phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn) dẫn đến nhiều tâm tư của những cán bộ, công chức, viên chức không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề (gồm: cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, hải quan, giáo dục và đào tạo,… không còn được áp dụng). Vì thế, theo Bộ trưởng Trà rất phức tạp khi thực hiện và sẽ có trường hợp có nhiều năm công tác (đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề ở mức cao), đang công tác ở vùng khó khăn (mức phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút mức 70%,…) khi thực hiện chế độ tiền lương mới có nhiều trường hợp tiền phụ cấp được hưởng thấp hơn mức hiện hưởng rất nhiều.

Về xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm, Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương thực hiện còn nhiều hạn chế. Đây là vấn đề rất khó và phức tạp, đến nay cơ bản các Bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng; đồng thời Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chưa trình Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, dẫn đến khó khăn và chưa bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện trả lương mới theo vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực có liên quan, Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định là công việc rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương một cách đồng bộ còn hạn chế, đặc biệt là việc sắp xếp và thực hiện chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước đạt kết quả thấp (Tính đến ngày 31/12/2023: Số đơn vị sự nghiệp tự chủ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 1%; tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 6,1%; tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 19,6%; còn lại 73,3% do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ).

Vì vậy, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6/2024, Chính phủ báo cáo Quốc hội một số giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo "lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước".

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-chua-thuc-hien-day-du-dong-bo-cac-noi-dung-cai-cach-tien-luong-169240621103434035.htm